Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhìn nhận quy hoạch đô thị bền vững hậu Covid-19

Thùy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại dịch Covid-19 đã và đang tạo ra những tác động tiêu cực mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội. Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, dịch Covid-19 đã "thức tỉnh" các nhà làm quy hoạch ở TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh nhìn nhận lại và thay đổi tư duy quy hoạch và phát triển đô thị.

Khi khu dân cư mật độ cao trở thành ổ dịch
Ngoài những rủi ro về thiên tai và tác hại từ ô nhiễm môi trường không khí, dịch bệnh cũng là một trong những hiểm họa có nguy cơ cao đối với các đô thị tập trung dân cư mật độ cao và môi trường sống không đảm bảo. Điều này đã và đang được minh chứng thông qua những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, tại các TP lớn, nơi tập trung dân cư đông và hoạt động giao thông đi lại phức tạp như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Điển hình, tại Hà Nội là câu chuyện lây lan F0 nhanh chóng tại những khu vực điều kiện sống chật hẹp mật độ dân cư quá đông, nhiều tập thể, chung cư cũ như khu vực phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân), phường Văn Chương, Văn Miếu (quận Đống Đa)… Thậm chí để giảm tốc lây lan, chính quyền quận Thanh Xuân đã phải di dời bớt các hộ dân đi cách ly tập trung tại Hòa Lạc.
Khu vực ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội có tốc độ lây lan dịch bệnh nhanh chóng do mật độ dân số cao, điều kiện sống chật hẹp. Ảnh: Hồng Thái
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh, PGS. TS Nguyễn Minh Hòa phân tích, điều đầu tiên và cũng quan trọng nhất có thể rút ra được từ đại dịch này là các TP lớn nơi nào tập trung đông dân cư và mật độ dân số cao thì tình trạng lây nhiễm rất nhanh và rộng.
Mặt khác, phong tỏa, cách ly, giãn cách là làm cho gia đình này, nhóm này tách rời nhóm kia, quả thật điều này vô cùng khó khăn trong các dãy phố hình ống cứ sát vách nhau, không có khoảng ngắt, không có không gian xanh xen kẽ như ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội.
“Do vậy, các nhà đô thị học, kiến trúc sư nên tính đến thiết kế những TP vừa và nhỏ, còn nếu tính đến các đại đô thị thì đó là một tổ hợp của nhiều TP nhỏ hợp lại, mỗi TP là một đơn vị độc lập, giữa chúng có khoảng giãn cách tự nhiên là con sông hay những khoảng xanh lớn để khi cần có thể cô lập TP ngay được.
Còn trong mỗi TP, dân cư được nén lại trong các nhà cao tầng phát triển theo phương thẳng đứng hơn là phát triển dàn trải theo kiểu nhà trệt hình ống bám theo trục đường. Thực tế đợt dịch lần thứ 4 cho thấy, việc giãn cách và cách ly xã hội để phòng, chống dịch ở các khu chung cư, nhà cao tầng, khu đô thị dễ thành công hơn tại khu phố” - PGS. TS Nguyễn Minh Hòa nêu.
Từ thực tế phát triển theo cách thức cũ với nhiều tồn tại khiến dịch bệnh dễ lây lan, nhiều chuyên gia cho rằng, các TP cần phải xem xét tới sự hiện diện của bệnh truyền nhiễm như một điều kiện trong quy hoạch đô thị từ đó cần cú hích về tư duy quy hoạch. Nhanh chóng tìm ra con đường phát triển và hoàn thiện quy hoạch không gian đô thị, hướng tới sự phát triển bền vững hơn, có khả năng chống chịu và thích ứng, đồng thời mang lại nhiều giá trị sống hơn cho con người. Nhất là đối với các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, cần nhanh chóng thúc đẩy các khu đô thị vệ tinh, nơi có điều kiện phát triển mới theo hướng xanh hơn, bền vững hơn để có chất lượng sống tốt, nhằm giãn dân khỏi nội đô.
Cân bằng nhu cầu đất đai
Trong đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, Hà Nội đã phải trưng dụng các dự án nhà tái định cư tại nhiều quận huyện, để làm nơi cách ly, lập bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị cho các bệnh nhân thể nhẹ. Từ thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng, trong khi các TP phải đối mặt với những tác động ngày càng tồi tệ của biến đổi khí hậu, của dịch bệnh thì việc tính toán để cân bằng nhu cầu đất đai xây dựng những cơ sở y tế hoặc nhà ở tạm thời khi cần thiết là điều các nhà quy hoạch sẽ phải cân nhắc.
KTS Phạm Trung Hiếu - giảng viên trường ĐH Kiến trúc Hà Nội cho rằng, để một đô thị phát triển, các không gian được quy hoạch quy mô, hiện đại là rất cần thiết. Tuy nhiên, đó sẽ là một đô thị thông minh, bền vững hơn khi chuẩn bị sẵn không gian dự trữ, sử dụng linh hoạt khi gặp các rủi ro thiên tai, hay dịch bệnh quy mô lớn.
Bên cạnh bài toán của hệ thống y tế đô thị là tâm điểm, an ninh lương thực cho TP trong thời gian giãn cách xã hội do dịch bệnh cũng là vấn đề quang trọng không kém. Do đó, việc phải tính đến phục hưng vành đai nông nghiệp ngoại thành. Nông nghiệp đô thị không chỉ bảo đảm lương thực, thực phẩm cho người dân Thủ đô trong bối cảnh dịch bệnh, tác động của biến đổi khí hậu mà còn tham gia giải quyết nhiều vấn đề trong tiến trình đô thị hóa.
Đây là nơi tạo ra hệ thống cảnh quan như hệ thống cây xanh, công viên, các vành đai xanh ven đô, ao hồ điều hòa… có chức năng môi trường, điều hòa không khí. Những khu vực sản xuất nông nghiệp không chỉ làm mới không gian đô thị mà còn góp phần cải thiện môi trường sống cho cộng đồng cư dân, thúc đẩy phát triển đô thị sinh thái, đô thị xanh…
Theo KTS Trần Huy Ánh (Hội KTS Hà Nội) quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định Hà Nội hướng đến xây dựng đô thị xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại. Để làm được điều đó, cần có một tầm nhìn mới, tư duy mới trong việc tổ chức nông nghiệp đô thị và những giải pháp hết sức căn cơ, bài bản. Trước hết, chúng ta phải thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng quy hoạch, từ quy hoạch tổng thể đến quy hoạch chi tiết, các khu vực có hoạt động nông nghiệp đô thị theo hướng phát triển đô thị xanh, thông minh. Quy hoạch cần hài hòa với các quy hoạch hạ tầng khác như rác thải, nước thải… để đây không chỉ là khu vực cung cấp thực phẩm chủ lực cho Hà Nội mà còn là khu vực sinh thái, môi trường xanh của TP.
Hà Nội đang tập trung vào hai bản quy hoạch lớn là lập Quy hoạch TP Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô. Đây có thể coi là cơ hội để TP tái cơ cấu và chuyển đổi sau dịch bệnh. Lúc này, công tác quy hoạch không những phải đóng vai trò là công cụ hữu hiệu hỗ trợ phục hồi và sắp xếp lại kinh tế - xã hội sau dịch bệnh mà còn phải hướng đến việc tạo nền tảng, hệ thống bền vững để nếu như trong tương lai có sự cố về dịch bệnh hay khủng hoảng nào khác, chúng ta có thể ứng phó và xử lý tốt ở cả vùng đô thị và nông thôn vì đã rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc từ lần này.
Đại dịch Covid-19 ngoài những tác động tiêu cực còn giúp con người có cách nghĩ, tư duy tích cực hơn về nhiều vấn đề của xã hội, trong đó có ngành xây dựng, phát triển đô thị… “Giãn cách đô thị” có thể là một khái niệm, một mô hình, một giải pháp mới mang tính tích hợp trên cơ sở giãn cách về không gian, giảm mật độ cư trú, giảm mật độ xây dựng trên một đơn vị đô thị, lồng ghép có hiệu quả các giá trị của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào trong cấu trúc của mô hình này, để đảm bảo sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ổn định dân sinh, tăng khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh… Đây cũng chính là giá trị cốt lõi của mô hình phát triển đô thị bền vững.
Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, TS. KTS Trương Văn Quảng