[Nhịp sống thời Covid-19] Cần chú ý những thay đổi về hành vi ăn uống

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo các báo cáo mới đây của Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hành vi ăn uống của chúng ta. Điều đáng tiếc là những thay đổi này không mang lại những điều tốt đẹp hơn. đây là điều cần quan tâm để phòng tránh.

Tăng tiêu thụ đồ ăn vặt

Một phân tích của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa bệnh tật (CDC) Mỹ cho thấy, tình trạng tăng tiêu thụ đồ ăn nhanh và đồ tráng miệng không có lợi cho sức khỏe, bao gồm khoai tây chiên, bánh quy và kem, nhiều đồ uống có đường hơn như nước giải khát có ga có xu hướng tăng nhanh trong mùa dịch.
 Ảnh minh họa.
Một khảo sát cho biết, trong số gần 4.000 người Mỹ được hỏi cho biết, 16% trong số đó ăn đồ ăn nhanh và đồ ngọt thường xuyên hơn, trong khi 10% dùng thường xuyên hơn đồ uống có đường. Chuyên gia dinh dưỡng Brianna Dumas, thành viên trong Chương trình Nghiên cứu của CDC Mỹ, cho biết: “Những kết quả này nhấn mạnh tầm quan trọng của các chiến lược và truyền thông giúp giảm bớt nỗi sợ hãi và ngăn chặn các hành vi tiêu cực bộc phát, chẳng hạn như thu mua hoảng loạn và tích trữ thực phẩm. Ngoài ra, các nhà chức trách nên tập trung vào nhận thức của người tiêu dùng về cách lựa chọn tiếp cận thực phẩm trong trường hợp khẩn cấp, bao gồm việc thúc đẩy các chương trình mạng lưới an toàn chống đói, đặc biệt là giữa các nhóm bị ảnh hưởng khác nhau".

Giảm ăn các loại thực phẩm lành mạnh

Một nghiên cứu khác đã phân tích chế độ ăn của hơn 2.000 người Mỹ trước và trong khi đại dịch xảy ra và nhận thấy có sự sụt giảm trong việc tiêu thụ các loại thực phẩm lành mạnh, bao gồm cả rau và ngũ cốc, trong năm qua.

Caroline Um, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Hiệp hội Ung thư Mỹ, cho biết: “Sự sụt giảm này rõ rệt nhất ở những người tham gia nghiên cứu là phụ nữ, người da đen và người gốc Latin và những đối tượng nghiên cứu này đã tăng ít nhất khoảng 2,3 kg kể từ năm 2018”.

Caroline Um có kế hoạch theo dõi những người tham gia nghiên cứu để tìm hiểu chế độ ăn uống của họ sẽ tiếp tục thay đổi ra sao. Các nghiên cứu tiếp theo sẽ điều tra xem những yếu tố nào, chẳng hạn như sức khỏe tâm thần hoặc các yếu tố gây căng thẳng tài chính, có thể liên quan đến sự thay đổi trong hành vi ăn uống.

Trẻ em tăng cân

Gần 30% trong số 433 phụ huynh, trong khảo sát do các nhà nghiên cứu tại Đại học Virginia Commonwealth (Mỹ) tiến hành, cho biết con của họ đã tăng trung bình 4,3kg trong thời gian từ tháng 5 - 9/2020.

Cha mẹ của trẻ từ 5 - 18 tuổi đã được phỏng vấn trước đại dịch và phỏng vấn về những lo ngại của họ liên quan đến cân nặng của con họ. Kết quả cho thấy, các gia đình có con tăng cân trong khoảng thời gian đó đều lo ngại về tình trạng này và đều cố gắng theo dõi và hạn chế thói quen ăn uống của trẻ.

PGS Melanie Bean, Giám đốc Trung tâm Healthy Lifestyles tại Bệnh viện Nhi Richmond thuộc Đại học Virginia Commonwealth (Mỹ), cho rằng: “Cần có nghiên cứu sâu hơn để điều tra và tìm hiểu các yếu tố hành vi, xã hội, môi trường và tâm lý xã hội khác nhau. Các yếu tố này có thể góp phần làm tăng cân ở trẻ em và thanh thiếu niên”.

Trẻ thừa cân béo phì và sự chỉ trích

Các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Tufts (Mỹ) nhận thấy việc tiếp xúc với những nhận xét tiêu cực của gia đình về cân nặng ít nhất 3 lần mỗi tháng có ảnh hưởng đáng kể tới nội tâm của trẻ.

Rebecca Puhl, Phó Giám đốc Trung tâm Rudd về Chính sách Lương thực và Béo phì tại Đại học Connecticut - Mỹ, cho biết: “Nhận thức phổ biến cho rằng một chút xấu hổ hoặc kỳ thị có thể giúp thúc đẩy ai đó giảm cân, nhưng đó không phải là những gì mà chúng ta thấy trong nghiên cứu. Trên thực tế, khi mọi người bị kỳ thị về cân nặng, điều này thực sự góp phần vào các hành vi ăn uống không lành mạnh, giảm hoạt động thể chất và tăng cân. Các nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng, khi cha mẹ chuyển cuộc trò chuyện sang thực hiện các hành vi lành mạnh, điều này có thể mang lại hiệu quả hơn nhiều”. Puhl nhấn mạnh: “Không nên tập trung vào chỉ số cân nặng bao nhiêu, mà cả gia đình nên thực hiện ăn trái cây và rau quả, thay thế nước giải khát có ga bằng nước thường, tăng cường hoạt động thể lực hàng ngày".

Tại Việt Nam, chưa có những nghiên cứu về thay đổi ăn uống trong đại dịch. Tuy nhiên bài viết là thông tin đáng lưu ý cho tất cả chúng ta. Việc ăn uống cân đối, hợp lý về dinh dưỡng cần được chú ý để tăng cường sức khỏe cũng như hệ miễn dịch, giúp phòng chống dịch bệnh tốt hơn.

BS Nguyễn Hữu Hạnh (nguồn: Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh)