NHNN: Thận trọng với tăng trưởng tín dụng tiêu dùng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu từng yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ cho vay kinh doanh bất động sản, cho vay kinh doanh chứng khoán, cho vay tiêu dùng.

KTĐT - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu từng yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ cho vay kinh doanh bất động sản, cho vay kinh doanh chứng khoán, cho vay tiêu dùng.

Phát triển tín dụng tiêu dùng giúp nhiều ngân hàng tăng trưởng tốt trong thời gian qua. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng mới là điều cần lưu ý trong bối cảnh huy động vốn gặp nhiều khó khăn hiện nay.

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của một số ngân hàng thương mại cổ phần đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng ở mức khá cao. Ngân hàng An Bình đạt mức tăng tín dụng 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngân hàng Kiên Long 9 tháng đầu năm tín dụng tăng 80% trong khi ngân hàng Đại Tín (Trust bank) hiện dư nợ đã đạt 90%.

Số liệu Ngân hàng Nhà nước mới công bố cho thấy, tăng trưởng tín dụng 10 tháng đầu năm của hệ thống đã đạt 33,29%. Chính vì thế, những ngân hàng thương mại cổ phần có mức tăng trưởng dư nợ tín dụng vượt 30% đang được Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo phải kiểm soát tính hiệu quả của từng hợp đồng, thậm chí phải “phanh gấp” tốc độ tăng trưởng. Đặc biệt, các ngân hàng được khuyến cáo cảnh giác với những khoản cho vay tiêu dùng theo lãi suất thỏa thỏa thuận.

Theo các chuyên gia, sau thông tư hướng dẫn về lãi suất thỏa thuận của tổ chức tín dụng đối với cho vay các nhu cầu vốn phục vụ đời sống, cho vay thông qua thẻ ra đời đầu năm 2009, tín dụng tiêu dùng phát triển khá sôi động. Đây được xem là “cứu cánh” cho các ngân hàng trong điều kiện lãi suất cho vay bị khống chế tối đa 10,5% một năm và lãi suất huy động thì được các nhà băng đẩy lên phổ biến trên 9% một năm, thậm chí có ngân hàng kéo lên sát trần cho vay, vì thế ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập.

Hiện lãi suất cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng phổ biến từ 14-16,5% một năm. Một phần do mức lợi nhuận khá hấp dẫn của loại hình này khiến nhiều tổ chức tín dụng đã sử dụng quá đà. Nhiều ngân hàng chạy đua hút khách bằng các sản phẩm tín dụng tiêu dùng với thời hạn dài, hạn mức lớn, tập trung khá nhiều vào nhà đất và cho vay mua ôtô hay các loại tài sản xa xỉ khác.

Trong khi nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng đa phần là ngắn hạn, chưa kể năng lực quản trị rủi ro của một số tổ chức tín dụng còn bất cập, nhiều tổ chức tín dụng không thực hiện trích phòng rủi ro đầy đủ. Vì thế, nguy cơ tiềm ẩn rủi ro của mảng tín dụng tiêu dùng vẫn là rất lớn.

Đặc biệt, các ngân hàng đẩy mạnh cho vay tiêu dùng theo lãi suất thỏa thuận nên đây cũng là một tác nhân đẩy lãi suất huy động lên cao, khiến lượng vốn cho vay sản xuất giảm đi. Chưa kể những phỏng đoán luồng vốn từ tín dụng tiêu dùng chảy vào các kênh đầu tư khác khá mạo hiểm như vàng, chứng khoán…

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu từng yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ cho vay kinh doanh bất động sản, cho vay kinh doanh chứng khoán, cho vay tiêu dùng. Ngân hàng Nhà nước đã phát đi tín hiệu sẽ ổn định lãi suất cơ bản từ nay đến hết quý I/2010.

Trong khi đó, để cạnh tranh, giữ khách, các ngân hàng vẫn tăng lãi suất huy động. Tuy vậy, luồng vốn chảy về ngân hàng thực sự không nhiều trước dự đoán nhu cầu rút tiền của nhiều doanh nghiệp chi trả cho dịp cuối năm trong đó có nhu cầu nhập hàng hóa, vật liệu, nhất là trong điều kiện các kênh đầu tư khác đang hút một lượng vốn không nhỏ. Chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra của ngân hàng đang thu hẹp dần. Lợi nhuận bị ảnh hưởng khi áp lực chi phí vốn mà ngân hàng gánh đang rất lớn. Vì thế, các chuyên gia nhận định, thời gian tới, các tổ chức tín dụng càng khai thác triệt để tín dụng tiêu dùng.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Dương Thu Hương, để hạn chế rủi ro, các ngân hàng cần cho vay tiêu dùng trên tinh thần đảm bảo nguyên tắc đủ điều kiện mới được cho vay. Đủ điều kiện ở đây có nghĩa là vay có thể trả nợ được, hạn chế cho vay vào lĩnh vực rủi ro, cân đối nguồn vốn, không nên cho vay thời hạn quá dài. Các ngân hàng cũng có những quy trình cho vay chặt chẽ, đánh giá tốt rủi ro, khống chế số tiền vay tối đa, thời hạn cho vay, đồng thời hướng tới một hạn mức cụ thể đối với tín dụng tiêu dùng.

Trong khi đó, một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn (vốn điều lệ trên 5.000 tỷ đồng) nhận định rằng việc tập trung cho hoạt động kinh doanh phi tín dụng được có thể hạn chế được tăng trưởng tín dụng quá nóng, và tránh được không ít rủi ro. Ngân hàng Á Châu (ACB), kinh doanh vàng, ngoại tệ và đầu tư chứng khoán nợ phát triển khá mạnh. Còn Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) đẩy mạnh kinh doanh ngoại hối, thanh toán, bảo lãnh…

Tổng giám đốc ACB, ông Lý Xuân Hải cho biết, trong năm nay, ACB chủ trương tăng trưởng tín dụng thận trọng, linh hoạt, đảm bảo nền tảng tài chính bền vững. Tại ngân hàng này, 9 tháng đầu năm, huy động vốn đạt trên 112.094 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay cùng thời gian chỉ ở mức 64.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 54% tổng nguồn vốn huy động.