KTĐT - Trên thị trường xuất hiện một số nhận định cho rằng: việc thay kỳ hạn 14 ngày bằng 7 ngày có thể là một tín hiệu thắt chặt tiền tệ.
Một số nhận định cho rằng việc điều chỉnh kỳ hạn trên thị trường mở (OMO) thời gian gần đây có thể là một tín hiệu “thắt chặt tiền tệ” của Ngân hàng Nhà nước.
Sau một thời gian dài ổn định các kỳ hạn, điều chỉnh mới đây của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường mở thu hút sự chú ý của một số nhà đầu tư.
Cụ thể, từ ngày 15/10 trở lại đây, các phiên đấu thầu giấy tờ có giá trên thị trường này được ấn định ở hai kỳ hạn: 28 ngày và 7 ngày. Đây là thay đổi đáng chú ý khi một thời gian dài trước đó Ngân hàng Nhà nước gần như cố định hai kỳ hạn 28 ngày và 14 ngày.
Trên thị trường xuất hiện một số nhận định cho rằng: việc thay kỳ hạn 14 ngày bằng 7 ngày có thể là một tín hiệu thắt chặt tiền tệ. Theo đó, có thể hiểu Ngân hàng Nhà nước đã giảm bớt sự hỗ trợ vốn ở kỳ hạn dài hơn (14 ngày), thay bằng kỳ hạn ngắn (7 ngày).
Bình luận trên được đặt trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu để có chính sách, cơ chế phù hợp cho phép các ngân hàng thương mại có thể rút nhanh tiền ra khỏi lưu thông để giảm bớt áp lực tăng giá; hay “yêu cầu” hạn chế cung tiền khi lạm phát đã có xu hướng tăng mạnh trở lại…
Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, chuyên gia tài chính Vương Quân Hoàng cho rằng chưa vội đưa ra kết luận, hay “ép” tín hiệu đó vào thắt chặt tiền tệ. Mà ở đây nên xem là một sự bổ sung hoặc thay đổi kỳ hạn của Ngân hàng Nhà nước, linh hoạt trong hỗ trợ vốn cho các ngân hàng thương mại.
Theo chuyên gia này, việc bổ sung hoặc thay đổi các kỳ hạn trên thị trường mở của nhà điều hành gắn với từng thời điểm và mang tính ngắn hạn, được cân nhắc từ thực tế cung - cầu hay trạng thái vốn khả dụng của hệ thống tại thời điểm đó. Các thành viên tham gia thị trường theo đó có thêm lựa chọn để phù hợp hơn với nhu cầu vốn của mình.
Đó cũng là ý kiến của giám đốc phân tích một công ty chứng khoán khi trả lời về điều chỉnh trên. Điểm mà ông nhấn mạnh là Ngân hàng Nhà nước hiện vẫn duy trì kỳ hạn 28 ngày, cũng như khẳng định chưa thể xem đó là tín hiệu thắt chặt tiền tệ. Và trường hợp trạng thái vốn của các ngân hàng ổn định thì việc điều tiết sự hỗ trợ cũng là bình thường. Thay vào đó, theo ông, mối quan tâm lúc này là sự ứng xử của nhà điều hành khi đứng giữa khó khăn, một bên là yêu cầu tiếp tục giảm lãi suất, một bên là xem xét hạn chế cung tiền góp phần kiềm chế lạm phát.
Trên thực tế, theo dữ liệu cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, trong những phiên đấu thầu từ 15/10 đến nay, bên cạnh kỳ hạn 7 ngày, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì kỳ hạn 28 ngày. Việc duy trì hai kỳ hạn này cũng đã từng kéo dài trong suốt tháng 4 và 5/2010, sau khi cơ quan này quyết định tăng phiên cho thị trường lên 2 phiên/ngày để tăng cường hỗ trợ các ngân hàng thương mại (vào đầu tháng 4/2010).
Cũng theo phân tích của các chuyên gia tham vấn, nếu rút dần và thu hẹp các kỳ hạn trên thị trường mở, để xem xét tín hiệu thắt chặt hay không cần xét thêm ở yếu tố lãi suất, hay lượng vốn bơm ròng, hút ròng… Tuy nhiên, những dữ liệu cần thiết đó không được công bố đều đặn, hoặc có nhưng không đầy đủ để có thể tạo được những cái nhìn toàn diện hơn.
Và sau một tháng gián đoạn (từ các phiên ngày 22/9), chiều 25/10, kết quả đấu thầu trên thị trường mở cũng đã được Ngân hàng Nhà nước cập nhật trở lại. Kết quả công bố cho thấy, những tháng gần đây và cho đến hai phiên của ngày 22/10, lãi suất kỳ hạn 28 ngày vẫn được giữ nguyên 8%/năm; ở kỳ hạn “mới”, 7 ngày, lãi suất là 7%/năm - mức đã từng xác định trong tháng 4 và 5/2010.
* Nghiệp vụ thị trường mở là hoạt động ngân hàng trung ương mua vào hoặc bán ra những giấy tờ có giá của chính phủ trên thị trường. Thông qua hoạt động mua bán giấy tờ có giá, ngân hàng trung ương tác động trực tiếp đến nguồn vốn khả dụng của các tổ chức tín dụng, từ đó điều tiết lượng cung ứng tiền tệ và tác động gián tiếp đến lãi suất thị trường.