Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhớ “con tê giác văn chương” Nguyễn Khắc Phục

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sinh năm 1947, quê ở Trực Ninh, Nam Định, qua đời năm 2017 vì trọng bệnh, Nguyễn Khắc Phục là một nhà văn hóa uyên bác. Trong sự nghiệp của mình, ông đã viết 12 cuốn tiểu thuyết, 12 kịch bản phim, 70 kịch bản sân khấu được các nhà hát tầm cỡ quốc gia công diễn và hàng mấy chục kịch bản các Lễ hội, trong đó có 2 kịch bản cho Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Chương trình biểu diễn nghệ thuật kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
“Vua kịch bản” của những lễ hội
Tuy “vang bóng” trên văn đàn như vậy, nhà văn Nguyễn Khắc Phục lại là một người có nếp sống rất giản dị và dân dã. Ông thường nói vui với bạn bè: “Cả ngày tớ chỉ cần hai cốc bia hơi và một bát bún bung dọc mùng là có thể viết kịch bản một mạch từ sáng đến tối”. Trong mấy thập niên qua, ông là một nhà văn có nội lực viết và sức làm việc vào loại hàng “khủng”. Có thời điểm trước đây, vào mùa hội diễn sân khấu hàng năm, nhiều đoàn kịch lớn đến chầu chực ở nhà ông để lấy kịch bản. Vậy mà ông vẫn thích rong chơi, đàn đúm với bạn bè và có cơ hội đi chơi xa là ông đi không do dự. Đi là để tích lũy vốn đời. Đi, viết và lang thang sống. Ít khi người ta thấy Nguyễn Khắc Phục ở cố định một nơi nào đó dài lâu.

Mơ ước văn chương cuối đời của Nguyễn Khắc Phục chính là cuốn tiểu thuyết “Hỗn độn” in cuối năm 2016 và cuốn “Những bài học giữ nước” đang viết dở. Được biết, trong số 12 cuốn tiểu thuyết của mình, Nguyễn Khắc Phục tâm đắc nhất là 3 bộ tiểu thuyết: Thăng Long ký, Bay qua cõi chết và Hỗn độn. Ông nói với tôi: “Cậu có biết Thăng Long tồn tại và đứng vững qua ngàn năm bằng cái gì không? Chắc chắn không phải bằng vũ khí, không phải bằng lợi thế về người và đất đai. Theo tôi, Thăng Long đứng vững được qua ngàn năm là do thái độ anh hùng và văn hóa”.

Khi còn sống, nhà thơ Phạm Tiến Duật từng viết về Nguyễn Khắc Phục với cách ví von đầy tình yêu dành cho bạn: “Gã chính là con tê giác không sừng, lầm lũi đi từ suốt những năm 50 của thế kỷ trước xuyên qua thế kỷ này, ném vào mặt thiên hạ hàng vạn trang sách đủ mọi thể loại. Nguyễn Khắc Phục không phải là con tê giác, gã là một nhà văn lớn và một thằng người nhỏ, đi lấp những khoảng trống ký ức mà con tê giác để lại”.

Năm 2009, Nguyễn Khắc Phục đã làm việc “chóng mặt ù tai” với tốc độ viết kịch bản thật đáng nể. Ngày 5 Tết Âm lịch tại Gò Đống Đa, ông làm lễ hội “Cánh đào báo tiệp” kỷ niệm 220 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa vĩ đại của vua Quang Trung. Ngày 17/2, Nhà hát Lớn Hà Nội công diễn vở cải lương “Lễ mở xiêm áo” của ông với 2 câu đối dài 12m, rộng 3m phủ từ nóc xuống thềm nhà hát “Đại Việt hiếu hòa thượng võ nghìn năm không chịu khuất - Thăng Long hùng khí tôn văn vạn kiếp chẳng hề lui”. Ngày 19/4, ông dựng kịch bản “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” ở Đồng Mô, Sơn Tây. Tháng 8, ông chủ biên cùng một nhóm tác giả hoàn thành đề cương kịch bản Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Nhà văn Nguyễn Khắc Phục (bìa phải) và tác giả.
Ngày 10/10, ông triển khai kịch bản “Lễ công bố năm Du lịch Quốc gia và kỷ niệm 999 năm Thăng Long”. Ngày 14/10, ông dựng kịch bản cho Lễ hội “Văn hóa sông Hồng” tại Thái Bình. Ngày 24/10, ông triển khai kịch bản Đại lễ cầu siêu cho “Bộ đội tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào” tại Anh Sơn, Nghệ An. Ngày 30/10, ông dựng kịch bản khai mạc Đại hội thể thao châu Á trong nhà AIG 3 tại sân vận động Mỹ Đình và viết luôn kịch bản lễ bế mạc đại hội này. Cũng trong năm 2009, Nguyễn Khắc Phục còn dựng vở “Hùng ca Bạch Đằng Giang” cho Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần. Bước sang năm 2010, ông hoàn thành 2 kịch bản chi tiết trong 10 ngày của Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Với sức làm việc đáng sợ nêu trên, người ta đã gọi Nguyễn Khắc Phục là “vua kịch bản” của những lễ hội văn hóa.

Viết đến ngày cuối cùng

Tôi còn nhớ, tại lễ khai mạc “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam” tại Đồng Mô, Sơn Tây khi nhà văn Nguyễn Khắc Phục tuyên bố dành toàn bộ nhuận bút kịch bản của ngày lễ này là 39 triệu đồng để tặng các cháu dân tộc ít người Rơmăm ở làng Le, tỉnh Kon Tum, mọi người đã lặng đi vì xúc động. Ông dặn bạn bè ở Hội Văn nghệ Kon Tum khi mang giúp ông quà tặng tới các cháu: “Với tôi, 39 triệu đồng là cả một gia tài, nhưng các vị không được nói là tôi giúp các em mà phải nói thế này: Có một ông già ở vùng xuôi, bây giờ con cái lớn rồi, ông sống bằng lương hưu đủ rồi, và lần này ông làm thêm được một ít tiền, ông gửi biếu các cháu bé ở làng Le, Kom Tum là nơi chiến trường trước đây ông từng công tác”. Nguyễn Khắc Phục là thế đó.

Khi mới phát hiện mình bị mắc căn bệnh hiểm nghèo ung thư, dường như Nguyễn Khắc Phục đã phải cố gồng mình lên để bạn bè khỏi ái ngại: “Tớ không chịu thua cuộc đâu các cậu nhé, sau mấy tháng xạ trị, nếu tốt cũng cầm cự được vài năm nữa, hoàn thành nốt mấy cuốn sách đang viết dở!”. Trong một năm vật lộn với căn bệnh ung thư quái ác, trừ những lúc phải nằm viện để truyền thuốc và tiếp máu, hễ cứ được về nhà là Nguyễn Khắc Phục lại lao vào viết, cố hoàn thành một cuốn sách. Thậm chí, ban ngày ông tới bệnh viện 103 xạ trị, tối về chơi với con trai ba tuổi, lúc nó ngủ là ông ngồi vào bàn viết. Ông bảo tôi, những tháng năm còn lại, ông tạm dừng viết kịch bản sân khấu, lễ hội để dồn sức viết cho xong cuốn sách Những bài học giữ nước. Cuốn này đã viết được 300 trang, còn 200 trang ông đang cố gắng viết nốt.

Giờ thì “con tê giác văn chương” (từ dùng của nhà văn Phạm Tiến Duật dành cho Nguyễn Khắc Phục) đã lặng lẽ vượt qua cõi “Hỗn độn” để đi về chốn rừng xanh xa xôi, nơi người bạn thân là nhà thơ Phạm Tiến Duật đang thao thức với “Vầng trăng và quầng lửa” trong những đêm “Lửa đèn” Trường Sơn vẫn đợi ông.