Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhớ lần Bác về tát nước chống hạn

Chia sẻ Zalo

Gần 60 năm đã trôi qua nhưng câu chuyện Bác Hồ xắn quần, lội ruộng tát nước chống hạn cùng bà con nông dân vào mùa xuân năm 1958 vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của người dân xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì.

Gần 60 năm đã trôi qua nhưng câu chuyện Bác Hồ xắn quần, lội ruộng tát nước chống hạn cùng bà con nông dân vào mùa xuân năm 1958 vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của người dân xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì. Nhớ lời Bác dặn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân nơi đây luôn ra sức thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương giàu đẹp.

Ấn tượng khó phai

Cuối tháng Tám, các xóm làng bình yên của xã Tả Thanh Oai sôi động hẳn lên bởi không khí của ngày Quốc khánh đang ùa về. Về Tả Thanh Oai, chúng tôi được lãnh đạo xã giới thiệu xuống gặp ông Nguyễn Văn Hanh, đội 3 - một trong những người có vinh dự được trực tiếp chứng kiến sự kiện lịch sử Bác Hồ về tát nước chống hạn năm xưa.
Đài tưởng niệm Bác Hồ tát nước chống hạn tại cánh đồng Quai Chảo.
Đài tưởng niệm Bác Hồ tát nước chống hạn tại cánh đồng Quai Chảo.
 
 Năm nay đã 74 tuổi nhưng ông Hanh còn khá nhanh nhẹn và minh mẫn. Khi chúng tôi hỏi chuyện Bác Hồ về tát nước chống hạn ở Tả Thanh Oai 56 năm về trước, ông Hanh xúc động trong giây lát, rồi tự hào kể về phút giây gặp gỡ vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Ông kể, vụ xuân năm 1958, xã Tả Thanh Oai (lúc bấy giờ là xã Đại Thanh, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông) gặp hạn nghiêm trọng, hàng trăm héc ta ruộng thiếu nước cấy, khô nứt chân chim. Riêng cánh đồng Quai Chảo, thôn Tả Thanh Oai (tên cổ là thôn Tó) có trên 50 mẫu ruộng thiếu nước. Vì thế, đông đảo thanh niên, dân quân, nông dân được huy động ra tát nước từ sông Lán vào chống hạn. Ngày ấy, ông Hanh vừa tròn 18 tuổi, là dân quân du kích của xã. "Chúng tôi chỉ được thông báo trước là có đoàn công tác Chính phủ đến làm việc và tôi được phân công nhiệm vụ bảo vệ trên cống Minh Lâu. Đúng 8 giờ sáng 12/1/1958 (23 tháng Chạp, năm Đinh Dậu), thời tiết còn giá lạnh, có 4 chiếc xe màu đen chở phái đoàn Chính phủ về đỗ ngay tại trạm bơm Tả Thanh Oai. Thật bất ngờ, từ trong một chiếc xe, Bác Hồ bước xuống cùng với đồng chí Vũ Quý - Bí thư Tỉnh ủy Hà Đông (cũ). Khi đó Bác mặc bộ ka ki màu trắng và đi dép cao su rất giản dị" - ông Hanh bồi hồi nhớ lại.

Vừa bước xuống xe, Bác không vào đình Hòa Xá, nơi đã chuẩn bị để đón tiếp mà xắn quần đi thẳng ra cánh đồng Quai Chảo chỗ bà con đang tát nước chống hạn. Đến tàu tát của cụ Ngô Văn Lan, tức cụ Ba Lan (khi đó đã ngoài 60 tuổi), Bác dừng lại ân cần bảo cụ Lan dừng tay nghỉ để Bác tát thay và nói: "Tôi tuy đã xa công việc nhà nông mấy năm nay nhưng tát nước thì vẫn nhớ". Thế rồi, trong tư thế vững chãi của người tát gầu dai, Bác thả từng gầu vục nước đổ vào ruộng một cách thuần thục như một lão nông chính hiệu. Những gầu nước dẻo dai của Bác khiến cho người dân vô cùng cảm động. Dù đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm", không còn là anh dân quân mười tám đôi mươi như ngày xưa, nhưng khi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về Bác, ông Hanh vẫn chưa hết bồi hồi. Khoe chúng tôi bức ảnh chụp sự kiện Bác về chống hạn, trong đó có cả ông, đôi mắt người đảng viên già vẫn sáng lên vẻ tự hào, có lúc nhòe đi vì xúc động. Ông chia sẻ: "Trước đó, tôi chỉ nghe nói về Bác, nhìn thấy Bác qua sách báo, tranh ảnh chứ chưa bao giờ nghĩ là được gặp Bác. Thế nhưng, năm 1958, tôi may mắn có được cơ hội đi ngay sau Bác, chỉ cách vài ba bước chân nên khi Bác về rồi mà tôi vẫn thấy lâng lâng khó tả".
Ông Nguyễn Văn Hanh bên bức ảnh chụp Bác Hồ tát nước chống hạn năm 1958.     Ảnh: Quang Thiện
Ông Nguyễn Văn Hanh bên bức ảnh chụp Bác Hồ tát nước chống hạn năm 1958. Ảnh: Quang Thiện
Cũng là một trong những người được chứng kiến sự kiện lịch sử ấy, ông Ngô Mạnh Quyền, đội 3, xã Tả Thanh Oai bồi hồi nhớ lại kỷ niệm lần Bác Hồ về tát nước chống hạn ở cánh đồng Quai Chảo. Ông kể, năm 1958, gia đình ông mua chung một con trâu đực để cày ruộng với hai hộ dân khác. Ngày Bác về thăm và tát nước chống hạn ở cánh đồng Quai Chảo đúng vào phiên trâu cày của nhà ông. Nghe bà con bàn tán, ông biết Bác Hồ về thăm xã, bèn vội vàng cắm sâu chiếc cày đang dở dang trên ruộng, buộc trâu rồi chạy nhanh tới chỗ Người. "Khi nhìn thấy Bác xắn quần tát nước, tôi xúc động vô cùng. Bác là vị lãnh tụ của dân tộc, đã đi năm châu, bốn bể để tìm đường cứu nước nhưng vẫn tát nước gầu dai thành thục, nhịp nhàng. Giọng nói của Bác nhẹ nhàng lắm, ai cũng thích nghe" - ông Quyền nhớ lại. Bà con đang tát nước gần đấy biết Bác về thăm đã reo mừng chạy đến chào nhưng Bác ôn tồn động viên mọi người trở về vị trí làm việc. Nghe lời Bác, tất cả người dân ai về ruộng nhà nấy, tập trung tát nước. Sau đó, Bác lội qua sông Lán để trở ra xe, đến Đàn Thượng Lão, Bác dừng lại căn dặn cán bộ và bà con nông dân có mặt tại đó: "Các cô, các chú tích cực tát nước chống hạn, vắt đất ra nước, thay trời làm mưa, cấy hết diện tích. Bác chờ thành tích của các cô, các chú báo công lên cho Bác". Lời dạy của Bác là nguồn cổ vũ lớn lao cho Nhân dân xã Đại Thanh lúc bấy giờ. Toàn xã dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất, chỉ trong một thời gian ngắn, cả cánh đồng khô hạn Quai Chảo đã đầy nước và lúa cấy phủ xanh. Vụ xuân năm đó, cả xã được mùa lớn trong niềm vui vô hạn của người dân. 

Vươn mình đổi mới

Ngay tối 12/1/1958, câu chuyện về Bác Hồ tát nước chống hạn ở cánh đồng Quai Chảo đã rôm rả trong bữa cơm của mỗi gia đình ở Tả Thanh Oai. Rồi trong lúc sản xuất hay mỗi khi giải lao, người dân lại kể cho nhau nghe về Bác. Ai cũng nhắc về Bác với một lòng kính trọng và biết ơn sâu sắc. Nhớ lời Bác dạy, trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, quân và dân Tả Thanh Oai đã chiến đấu kiên cường và vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Đến nay, Tả Thanh Oai vẫn luôn làm theo lời dạy của Bác, ra sức thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày một giàu mạnh. Về Tả Thanh Oai hôm nay, nằm cạnh những cánh đồng bát ngát màu xanh là xóm làng trù phú với những ngôi nhà ngói, nhà cao tầng khang trang, tươi mới. Con đường trục chính của xã từ lâu đã trở thành một phố nhỏ với hoạt động buôn bán, kinh doanh nhộn nhịp từ sáng tới đêm.

Điều đáng tự hào, Tả Thanh Oai là một trong những địa phương đi đầu về phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện Thanh Trì với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn nhất huyện (gần 100.000 con). Những năm qua, được sự hỗ trợ của Phòng Kinh tế huyện, xã đã triển khai nhiều mô hình phát triển sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao. Đáng chú ý là các mô hình như chăn nuôi gà Ai Cập theo hướng an toàn sinh học, trồng nấm... Ông Nguyễn Tiến Hưng - Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai cho biết, sau dồn điền đổi thửa, xã đã duy trì được diện tích 150ha cấy lúa chất lượng cao. Đồng thời, phát huy thế mạnh diện tích trên 130ha nuôi trồng thủy sản, cho thu nhập cao. Hiện nay, người dân trong xã còn phát triển một số mô hình sản xuất mới như trồng hoa ly, nuôi ốc nhồi thương phẩm, trồng nấm dược liệu. Ngoài ra còn hàng trăm hộ dân làm các nghề dịch vụ, cơ khí, chế biến nông sản... Xã phấn đấu đến hết năm 2014 thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng/người/năm. Bên cạnh phát triển kinh tế, các vấn đề văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống cho người dân cũng được lãnh đạo xã Tả Thanh Oai quan tâm. Đến nay 100% hộ dân trên địa bàn xã được sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ thôn, làng đạt danh hiệu làng văn hóa cấp huyện đạt 80%, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,04%. Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các thôn, xóm tổ chức tốt phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới". Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang cũng đã dần đi vào nền nếp...

 
Nhận thức tầm quan trọng của di tích lịch sử cách mạng tại xã Tả Thanh Oai, năm 2004, UBND TP Hà Nội đã đầu tư xây dựng khu Đài tưởng niệm Bác Hồ tát nước chống hạn tại cánh đồng Quai Chảo. Chính giữa Đài tưởng niệm là bức phù điêu lớn bằng đá xanh tái hiện lại cảnh Bác Hồ đang tát nước, bà con nông dân đứng xung quanh. Công trình vinh dự được gắn biển Công trình kỷ niệm 995 năm Thăng Long - Hà Nội.