Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, triển khai Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tài sản tinh thần vô giá của Đảng ta và Nhân dân ta.Với ý nghĩa ấy, là đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện, các thế hệ những người làm báo cách mạng Việt Nam còn vinh dự được kế thừa và phát huy di sản quý báu là tấm gương mẫu mực về lao động sáng tạo của Người với tư cách một nhà báo cách mạng kiệt xuất.
Có một thực tế là trong khi mỗi người làm báo cách mạng Việt Nam đều ghi nhớ, thậm chí nằm lòng ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường những lời dậy về trách nhiệm với Tổ quốc, Nhân dân và xã hội của người làm báo cũng như những kinh nghiệm quý báu của Bác trong nghề nghiệp… thì vẫn còn không ít người chưa thực sự ghi nhớ lời Người nhắc nhở về những điểm yếu trong nghiệp vụ mà người làm báo cần khắc phục. Nói chuyện với các nhà báo dự Đại hội lần thứ III Hội Nhà báo Việt Nam, ngày 8/9/1962, trong khi chỉ ra những điểm cần khắc phục của báo chí như viết quá dài, viết một chiều, thổi phồng thành tích, viết thiếu cân đối, làm lộ bí mật…, Bác cho rằng khuyết điểm nặng nhất mà một số người viết mắc phải là dùng chữ nước ngoài quá nhiều và nhiều khi dùng không đúng. Cũng có thể hiểu rằng, khi nhấn mạnh điểm yếu này cũng có nghĩa là Bác lưu ý những người làm báo về trách nhiệm bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt mà Người luôn là một tấm gương. Từ sự nhắc nhở của Bác với những người làm báo cách đây gần 50 năm, đối chiếu với những cách viết, cách nói mà Người gọi là “ngộ nghĩnh”, “ kỳ khôi” trong thời điểm đó, có thể thấy cách nói, viết quen thuộc của không ít nhà báo hiện nay như: “Thông tin đến từ biên tập viên A cho hay…” hoặc “Duy nhất 3 cơ sở…”, hay “ Kỷ lục: TP Hồ Chí Minh phát hiện 120 ca nhiễm Covid-19/ngày”… là khó chấp nhận. Đáng buồn là những ví dụ về lối nói lai căng theo kiểu nước ngoài hoặc dùng từ mà không quan tâm đến những sắc thái tu từ khác nhau không hiếm gặp trên một số phương tiện truyền thông đại chúng hiện nay. Có thể ai đó cho rằng, đấy là những lỗi nho nhỏ, không đáng kể. Nhưng hoàn toàn không phải là quan trọng hóa khi đưa ra cảnh báo, nếu cứ tiếp tục tồn tại, những cái lỗi “nho nhỏ” ấy dần dà sẽ xói mòn, làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn phải giữ gìn, bảo vệ khi Người khẳng định: “Tiếng nói là thứ của cải vô cùng lâu đời và vô cùng quý báu của dân tộc. Chúng ta phải giữ gìn nó, quý trọng nó, làm cho nó phổ biến ngày càng rộng khắp”. Cũng tại Hội nghị trực tuyến được tổ chức hôm 12/6 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo cần tạo sức lan tỏa, tác động, làm cho việc "học tập" có bước chuyển tích cực sang "làm theo," đưa việc "làm theo" Bác mỗi ngày từ những việc làm nhỏ, gắn với trách nhiệm, đạo đức công vụ của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đi vào nền nếp, thực chất, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả. Thấm nhuần ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, những người làm báo cần xác định học và làm theo Bác từ những việc nhỏ nhất, mà một trong những việc cần và cũng dễ học, dễ làm theo là luôn nhớ những lời căn dặn của Người về việc giữ gìn và bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt. Đơn giản là mỗi nhà báo cần ghi nhớ lời dạy của Bác: “Khi viết cho Nhân dân, phục vụ quần chúng thì phải học cách nói của quần chúng Nhân dân - mộc mạc, giản dị mà chân thành”.