Nhớ mãi đôi mắt Người ấm áp

Vitali Txarenko* - Nguyễn Thảo Nguyên dịch
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu năm 1960 tôi làm việc ở Đại Sứ quán Liên Xô tại Bắc Kinh, sau đó nhiều năm, tôi làm việc ở Matxcơva tại Ban Đối ngoại Trung ương Cộng sản Liên Xô.

Ban này phụ trách quan hệ với các Đảng Cộng sản và công nhân của các nước xã hội chủ nghĩa. Trong hơn 20 năm tôi chịu trách nhiệm đảm bảo công việc của các Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô và những oạt động quốc tế của Đảng diễn ra tại Matxcơva. Do tính chất công việc, tôi nhiều lần được gặp hầu hết các nhà lãnh đạo Đảng của các nước xã hội chủ nghĩa; có người thì từ xa, có người thì sát cạnh. Có một số những lần gặp gỡ đã thấm sâu vào tâm hồn tôi.
  Lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh ở sân bay Novosibirsk, ngày 10/7/1955, mở đầu chuyến thăm hữu nghị chính thức Liên Xô (Ảnh: Tư liệu/TTXVN )
Số phận ban tặng tôi hai lần gặp gỡ không bao giờ quên với nhà lãnh đạo huyền thoại của Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở đây tôi muốn kể về những lần gặp gỡ đó.
... Vào năm 1961, phi công vũ trụ số Hai Gherman Titov sau khi thực hiện chuyến bay vào vũ trụ thành công đã đi thăm nhiều nước. Sau khi đi thăm Indonexia, anh ấy có chương trình đi đến Việt Nam, và trở về Tổ quốc theo lộ trình đi qua Quảng Châu - Bắc kinh, rồi về Irkutxk của Liên Xô.

Vào thời điểm đó tôi là phiên dịch Đại Sứ quán Liên Xô tại Bắc Kinh và được điều đi công tác đến Hà Nội để giúp đỡ nhà phi hành vũ trụ trong những trường hợp cần thiết và trong cả quá trình bay qua Trung Quốc. Cùng với phi hành Đoàn máy bay Liên Xô, có nhiệm vụ đưa Gherman Titov về nước, tôi đến Hà Nội khi anh ấy vừa đến đó và có điều kiện tham dự một số chương trình của chuyến thăm.

Tại sân bay ở Hà Nội, tôi có mặt trong đoàn đi đón Gherman Titov. Đó là những giây phút vô cùng xúc động. Khi nhà phi hành - người anh hùng Liên Xô trong trang phục đại lễ xuất hiện ở cánh cửa máy bay, từng tràng vỗ tay nồng nhiệt và tiếng reo hò chào mừng. Trên tất cả quảng đường đến nhà nghỉ, đoàn xe như xuyên qua đám đông náo nhiệt của người dân Hà Nội. Những nụ cười rạng rỡ, một biển hoa, biểu ngữ, cờ hai nước, những cô gái trong trang phục dân tộc, những cậu bé có mặt khắp mọi nơi. Xe đi qua sông Hồng, mặt nước phản chiếu những vệt ánh nắng mặt trời. Xe chạy đến nhà nghỉ. Chủ tịch Hồ Chí Minh như người cha ôm lấy Gherman Titov đang hồi hộp ngượng ngùng, ông nói, rất tự hào với thành tích chinh phục vũ trụ của Liên Xô.
 Chủ tịch Hồ Chí Minh tham quan công trường xây dựng Nhà máy thủy điện Irkutsk trên sông Angara.
Buổi tối, tại Phủ Chủ tịch có buổi chiêu đãi trọng thể. Tôi có mặt ở đó và có thể ngắm nhìn Hồ Chí Minh thoải mái. Ông rất tự nhiên và giản dị. Mà đó lại là con người huyền thoại! Chẳng vinh quang, danh dự nào làm ông thay đổi, cả bản thân ông cả phong cách sống khiêm nhường của ông. Bạn bè tôi, những người làm việc lúc đó tại Đại Sứ quán Liên Xô ở Hà Nội kể với tôi là Bác Hồ làm việc nhiều, trang phục khiêm tốn, ăn uống đơn giản và thích lui về ngôi nhà gỗ của ông, không thích những buổi tiếp đón xa hoa.

Nhưng buổi tiếp đón chào mừng nhà phi hành Xô viết hôm đó lại rất trang nghiêm và sang trọng, lại có cả chương trình ca nhạc nữa. Theo Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, danh hiệu anh hùng Việt Nam đã được trao cho Gherman Titov. Một trong những hòn đảo xinh đẹp trong vịnh Hạ Long được trao tặng và đặt tên Gherman Titov!

Bác Hồ tự hào với tài năng của những kiến trúc sư Xô viết đã làm nên chuyến bay vào vũ trụ của loài người trở thành hiện thực, tự hào về sự can đảm của các nhà phi hành Xô viết, những người đã thực hiện chuyến bay đó. Ông cũng tin tưởng và hy vọng sẽ có lúc các phi công Việt Nam sẽ bay trên quỹ đạo gần quả đất. Hy vọng của ông đã được thực hiện, mấy năm sau đó Phạm Tuân đã trở thành anh hùng vũ trụ của Việt Nam. Và Gherman Titov cho đến tận cuối đời là Chủ tich Hội Hữu nghị của Liên Xô với Việt Nam.

... Năm 1962 số phận lại ban cho tôi lần gặp thứ hai với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là sau hơn một năm sau lần chuyến công tác của tôi đến Hà Nội. Thời kỳ đó có những bất đồng nghiêm trọng trong quan hệ Liên Xô - Trung Quốc cả về chính trị lẫn tư tưởng. Còn ở Việt Nam thì đang tiến hành chiến tranh giải phóng Miền Nam, chống xâm lược Mỹ.

Hồ Chí Minh quyết định tìm hiểu quan điểm của Liên Xô và tới Matxcơva không chính thức. Đầu tiên, ông qua Bắc Kinh, nói chuyện với giới lãnh đạo Trung Quốc, sau đó thì bay sang Matxcova bằng chuyên cơ của Liên Xô. Tôi được giao nhiệm vụ tháp tùng ông bay từ Bắc Kinh đến Irkurxk.
 Chủ tịch Hồ Chí Minh tới thăm Trường Đại học Tổng hợp MGU - ngày 16/7/1955.
Tại sân bay quốc tế thủ đô Băc Kinh Shouđu, trên đường bay chiếc chuyên cơ IL-18 đã đợi sẵn. Đại sứ Liên Xô tại Trung Quốc Trervonhenko người đi tiễn Chủ tịch, đã giới thiệu tôi với Hồ Chí Minh. Tôi lên máy bay. Chủ tịch Hồ trong bộ quần áo mặc ở nhà. - chiếc áo sơ mi xám bỏ ngoài quần, quần vải phíp màu sáng xam xám, chân đi dép không tất. Cùng đi với ông có thư ký riêng và bác sỹ.

Bác Hồ bắt tay, vỗ nhẹ vai tôi, hỏi thăm về công việc, gia đình, con cái. Ông nói chuyện với tôi như với cháu nội cháu ngoại của ông. Ông mời tôi ăn hoa quả Việt Nam. Trong máy bay có mấy túi đựng hoa quả các loại trông đẹp mắt và cả hoa nữa.

- Cháu biết tiếng Trung Quốc? - Ông hỏi tôi. - Cháu học tiếng Trung Quốc ở đâu? Làm việc tại Bắc Kinh đã lâu chưa? Có gia đình, có con chưa ? Các cháu bao nhiêu tuổi rồi?

Tôi hồi hộp trả lời cụ thể các câu hỏi. Và cũng khoe là đã có mặt ở Hà Nội trong chuyến thăm của nhà phi hành vũ trụ Titov. Tôi cũng kể tôi có mặt tại buổi chiêu đãi chào mừng Titov tại dinh Chủ tịch.

- Cháu có thích thú khi ở Hà Nội không? Ông vui mừng hỏi - Cháu có biết tiếng Việt không?

- Không, cháu không biết ạ, - Tôi trả lời. - Chỉ dăm ba từ thôi. Nhưng nếu được ở Hà Nội, cháu sẽ học.

- Đến chỗ chúng tôi nhé - Chủ tịch mời, bắt tay tôi và đi vào khoang, chìm vào công việc.

Ba giờ bay trôi qua nhanh. Và chúng tôi đã hạ cánh xuống sân bay Irkutxk. Các đồng chí bay từ Matxcơva và Lãnh đạo Tỉnh ủy Irkutxk nồng nhiệt tiếp đón Chủ tịch.

Trước khi đi cùng với họ, Bác Hồ cảm ơn tôi về chuyến bay cùng, nồng hậu bắt tay tôi, chúc tôi sức khoẻ và thành công. Một lần nữa, ông lại tỏ ý mời tôi đến Hà Nội.

Sau này tôi không còn có dịp nào để gặp gỡ gần gũi như vậy với con người huyền thoại ấy. Nhưng tôi vẫn luôn nhớ ánh mắt tinh anh của ông, nụ cười hiền hậu và cái ấm áp khi bắt tay ông. Tôi chân thành vui mừng trước những thành tích nhiều mặt của nhân dân Việt Nam cần cù trong giai đoạn mới phát triển của nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa. Tôi luôn khâm phục Chủ tịch Hồ Chí Minh như những người Việt Nam vẫn hằng yêu mến, vẫn nhớ và kính trọng vị Chủ tịch vĩ đại của mình.
---------------

 *Vitali Tsarenko (Виталий Царенко) - Từ năm 1958-1968 là cán bộ Đại sứ quán Liên Xô tại Trung Quốc; Từ năm 1968-1991 là cán bộ tại Phòng đối ngoại các nước XHCN trực thuộc Trung ương Đảng CS Liên Xô.