Nằm hết một đêm, tôi không tài nào nhớ ra được mình đã tìm đến gặp nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ vào thời điểm nào. Trí nhớ bắt đầu có vấn đề với áp lực của tuổi tác và những cơn bão thông tin truyền thông tàn phá ký ức.
Tôi chỉ nhớ thầy cô đón tôi trong căn nhà đơn sơ, con nguyên dấu tích của không gian tập thể xa xưa được cải tạo thì phải: nó chật hẹp, khiêm nhường nếu không nói là…tuềnh toàng, đơn giản so với nhà của chúng tôi.
Nhạc sĩ rất trân trọng và lịch sự tiếp tôi, một người lặng lẽ hâm mộ nhạc phẩm của ông suốt đời.
-Tôi có dạy anh giờ nào đâu mà anh gọi tôi là thầy nhỉ? Ta uống nước đi.
Đó là câu nói đầu tiên mà tôi nghe được. Tôi mỉm cười nhớ lại, trong một chuyến bay từ Đà Nẵng về Hà Nội trước đây, một học viên cao học đã chào tôi là thầy. Khi hỏi ra thì hoàn toàn không biết nhau tí nào cả. Câu trả lời của bạn ấy là: “Em thấy thầy giống thầy, thế thôi”.
Và tôi đã tìm đến nhạc sĩ cũng bằng tâm thức đó, là khi mà nhiều người thầy rất kính trọng của tôi lần lượt đi về cõi vĩnh hằng, tôi thấy mình chống chếnh dù mình cũng đã ngoài “ngũ thập…tri thiên mệnh”. Tôi thấy cần tìm cho mình một người thầy, không hẳn là chỉ vì chuyên môn mà là vì mình muốn sống tử tế hơn. Tôi trả lời thầy:
-Ông bà ta nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng” thầy ạ. Em muốn tìm đến thầy.
Và thế là tôi vượt được mặc cảm một người mù nhạc để được đi lại.
Câu hỏi đầu tiên của tôi với thầy là về chữ “đọng” trong lời bài ca “Xa khơi”: “Thuyền về mái đọng chiều nay”. Thầy hơi ngạc nhiên nói một mạch:
-Anh tinh thế, có làm thơ phải không? Tôi đã khởi đầu bằng từ “đọng” đó cho ca khúc của mình. Một ấn tượng không thể nào quên. Chúng tôi đi thực tế sáng tác ở giới tuyến, trọ tại Cửa Tùng. Một đoàn đông lắm, toàn văn nghệ sĩ. Chiều chiều, tôi ít tắm mà lững thững ra chỗ Vịnh Mốc, nơi rất nhiều đá lởm chởm ở mép biển. Thuyền về đông lắm. Tôi chú ý thấy một chị cứ cầm cái đốc dầm chèo mà ngó rất xa ra vùng biển phương nam. Sau hỏi ra thì mới biết đó là bến thuyền nhiều người bên kia giới tuyến mà không thể về Nam được sau Hiệp định Giơ-ne-vơ. Tôi thương họ. Người phụ nữ đó vịn mái chèo như bất động trước biển cả, tất cả đều ngưng đọng. Tôi nghĩ rằng con chim con cá sao mà tự do đến vậy, muốn bơi đâu thì bơi, còn con người thì…Ý nghĩ đó làm khổ tôi, bám riết lấy tôi, thúc giục tôi nhiều ngày. Chữ “mái đọng” nó vang lên trong đầu với âm sắc quê ta rất rõ. Nhưng tôi không giỏi như anh Hoàng Hiệp. Anh Hoàng Hiệp viết “Câu hò bên bến Hiền Lương” nhanh lắm, một đêm là xong. Còn tôi vốn là dân biểu diễn, đã được học sáng tác hay lý luận gì lắm đâu. Phải đến vài ba năm sau, tức là năm 1962, khi vác đàn đi thực tế ở vùng người Mường, ở trong nhà một trí thức tây học họ Đinh, ông mời các bà các cụ đến hát dân ca, tôi nghe và thấy âm dân nhạc họ sao gần quê mình đến vậy. Từ rừng, ký ức về biển lại trào lên như một món nợ phải trả và tôi bắt được giai điệu mở đầu “Nắng tỏa chiều nay…”. Và thế là đã chở được cái chữ “mái đọng” như anh hỏi đấy. Sự ngưng lặng của những giây phút mình bắt được từ cái chuyến đi trước ấy.
- Về từ vựng, cái cấu trúc “xa + khơi” cũng lạ lắm, ít nhất là vào đầu những năm 1960 ấy – Tôi mạnh dạn hỏi tiếp.
- Ồ. Nó bật ra thôi anh ạ. Ai đã đứng ở Cửa Tùng thì mở mắt ra là gặp biển mênh mông ngút ngát. “Ra khơi” thì không phải, mà “khơi xa” cũng không đúng với nỗi mong ngóng của người ta nhớ nhà, nhớ quê. Tôi nghĩ “xa khơi” nó mới đúng cái cảnh và cái tình lúc đó. Đơn giản vậy thôi vì lúc đó tôi còn trẻ lắm, mới 24-25 tuổi thôi. Chữ nghĩa nhiều khi là trời cho anh ạ.
Tôi còn hỏi thầy về chữ “tỏa”, chữ “lượn”, chữ “ướm”… khi hát cần như thế nào cho đẹp. Thầy cười:
-Anh hỏi làm tôi nhớ đến khi dạy cho chị Tân Nhân hát bài hát này. Đài họ chọn chị vì chị là người Quảng Trị. Công phu lắm. Từng chữ một, mất ba tháng ròng rã. Trình độ lúc đó không như các nghệ sĩ được đào tạo bài bản bây giờ, họ hát bằng chất giọng tự nhiên và bằng tấm lòng là chính. Trong khi luyện cho chị, tôi cũng sửa tác phẩm được đôi chỗ. Tác phẩm cũng cần được luôn luôn chăm sóc như trồng cây hoặc nuôi con cái vậy. Nó hướng đến sự hoàn thiện chứ không bao giờ được gọi là đã hoàn thiện cả. Đến khi phát qua đài phát thanh thì thành công vượt ngoài sự mong đợi của hai chị em. Thư mọi miền gửi về đài nhiều lắm, đặc biệt là của bộ đội đang âm thầm xuyên rừng nam tiến.
Tôi nhớ là đợt chấm giải thời ấy, có mấy tác phẩm vào đến vòng cuối như: “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” của anh Trần Kiết Tường, “Câu hò bên bến Hiền Lương” của anh Hoàng Hiệp, “Những ánh sao đêm” của anh Phan Huỳnh Điểu… Người ta soi kỹ lắm, mỗi bài họ thấy một cái tật, mà cái “tật” chung là “mềm yếu quá, trữ tình quá”. Bài anh Trần Kiết Tường thì vướng câu “Mây đen bao phủ chân trời”, nó u ám quá. Bài anh Hoàng Hiệp thì chịu cái khổ là đài ngụy bên kia cũng phát cả ngày, thế là chưa phân định rõ lập trường. Bài anh Phan Huỳnh Điểu thì như tình ca vậy, bài của tôi thì mỗi chữ “phương Nam” chung chung, sao không có từ “miền Nam” hoặc “chiến đấu”, “thống nhất”, toàn “anh em”. Có người đề nghị đổi câu “hướng về cùng anh không xa” thành “hướng về miền Nam không xa”, thôi thì họ hát thế cũng được nhưng tôi vẫn không “sướng” lắm. Và thế là lần ấy không có giải nhất, chúng tôi được giải nhì thôi. Cũng là một kỷ niệm.
-Vậy theo thầy, ai hát bài “Xa khơi” mà thầy thấy hay nhất?
-Khó nói nhỉ, dễ mất lòng lắm. Mỗi thế hệ có những cách thể hiện riêng, đều rất tốt. Nhưng tôi mạnh dạn cho rằng, chị Anh Thơ gần đây hát đạt nhất. Chị ấy là thạc sĩ âm nhạc cơ mà, dạy thanh nhạc ở nhạc viện đấy. Theo tôi, ca khúc là ca khúc, dân ca là dân ca. Khi nãy anh hát mấy câu, tôi thấy anh biến nhạc phẩm của tôi thành dân ca mất rồi. Không phải thế đâu. Ca khúc mang phong cách dân gian nó phải làm một cú vượt thoát lên khỏi tính đơn tuyến của dân ca, nó là con rồng bay lên với tính chất bác học của nó. Thế mới gọi là thành công. Người hát cũng cần hiểu như vậy.
-Thế thầy thích ca khúc nào của mình nhất?
-Văn mình vợ người. Tôi viết ca khúc rất ít, vài mươi bài chứ mấy, thích viết khí nhạc nhiều hơn. Trước đây tôi coi Xa khơi và Xôn xao bến nước là hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân của mình. Gần đây tôi có viết Mơ quê cho chính quê hương mình. Sửa đi sửa lại khoảng 16 lần rồi. Đài phát nhiều lần rồi nhưng tôi vẫn đang sửa, gia tăng chất cổ thi và chất ông đồ vào đó hơn nữa. Mình là dân nhưng là tâm sự của người dân có truyền thống cổ học, vậy thì cần một nét riêng của mình. Tôi nghĩ đến một “bộ ba ca khúc” mà mình tự thấy yên lòng nhất. Anh về tập hát bài “Mơ quê” đi thì anh sẽ thấy trong đó có tâm sự của anh bên dòng sông Lam ấy.
Từ đó, tôi đi lại cùng thầy cô với mong muốn học thêm một điều gì đó bù vào chỗ khiếm khuyết về âm nhạc của một người yêu dân ca và nghiên cứu dân ca các vùng miền. Lúc nào tôi cũng nhận được những lời dạy ân cần nhưng nghiêm nhặt từ bậc thầy rộng lượng của tôi.
Thầy ra đi trong đại dịch, tôi chỉ biết đến nhà động viên cô và các em ở cái ngõ hẹp phố Khương Trung ấy, mà mỗi khi đến, tôi cứ quẳng bừa con xe cà khổ của mình dưới gốc đa còn sót lại với vòm lá cổ kính, nhân hậu, tỏa rợp bóng râm.