Nhờ mua cổ phiếu ưu đãi, mất hàng chục tỉ đồng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Do chơi thân với nhau nên khi Nghĩa nói có thể mua cổ phiếu ưu đãi, nhiều người đã tin tưởng, vay mượn, dồn tiền đưa cho Nghĩa, ủy thác việc mua bán. VKS cáo buộc, Nghĩa đã chiếm đoạt gần 47 tỉ đồng, hiện không có khả năng chi trả.

Dụ bạn mua cổ phiếu ưu đãi "ảo"

Ngày 7/5, TAND TP Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử bị cáo Đoàn Vũ Thanh Nghĩa (SN 1969, trú tại quận Bà Trưng, Hà Nội) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thông qua việc mua bán cổ phiếu OTC. Đây là vụ án phức tạp và kéo dài liên quan đến thị trường chứng khoán được khởi tố từ năm 2008. Ngày 27/9/2010, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử nhưng phải hoãn phiên tòa vì kiểm soát viên bị “tố” gợi ý "chạy án". Trong phần thủ tục, sau khi thẩm phán chủ tọa phiên tòa công bố tên thành viên HĐXX cùng đại diện VKS giữ quyền công tố và những người liên quan, bất ngờ chồng của Nghĩa đứng lên yêu cầu thay kiểm sát viên. Trình bày trước tòa, anh này cho rằng, trước khi diễn ra phiên xử, người ngồi ghế công tố viên tại tòa từng hẹn anh đi ăn ở một khách sạn lớn tại Hà Nội và có gợi ý gia đình "chạy án". Sau đó, cơ quan chức năng xác định không có cơ sở để kết luận kiểm soát viên chạy án. Đến ngày 1/8/2011, tại phiên tòa sơ thẩm của TAND TP Hà Nội đã tuyên phạt Đoàn Vũ Thanh Nghĩa mức án tù chung thân.

Tại phiên phúc thẩm ngày 5/12/2012, TAND Tối cao tuyên hủy bản án sơ thẩm, yêu cầu xét xử lại cấp sơ thẩm vì cáo trạng chỉ đề nghị truy tố Đoàn Vũ Thanh Nghĩa chiếm đoạt gần 43 tỉ đồng, nhưng tòa sơ thẩm TAND TP Hà Nội kết tội chiếm đoạt hơn 46 tỉ đồng và cho rằng không có căn cứ xác định bị cáo phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" mà có chăng chỉ phạm tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Theo bản cáo trạng mới, lợi dụng mối quan hệ quen biết với chị Nguyễn Thị Kim Oanh, Vũ Bích Nga, Nguyễn Hoài Anh, Đỗ Thị Phượng, Vũ Thị Kim Dung, Nghĩa đã lừa họ đầu tư cổ phiếu ưu đãi để chiếm đoạt tiền. Để tạo lòng tin, Nghĩa khẳng định có thể mua giúp họ các cổ phiếu ưu đãi của các doanh nghiệp đang cổ phần, những cổ phiếu này chưa niêm yết, được giao dịch trên thị trường tự do (OTC), chắc chắn sẽ có lãi từ 5 – 10%. Nhưng việc mua bán cổ phiếu của công ty nào, thời gian, giá cả, số lượng bao nhiêu phải do Nghĩa mua và đứng tên. Thời gian mua bán từ 3 – 10 ngày tùy đợt. Trước khi mua bán, Nghĩa sẽ báo cho mọi người biết thời gian và số tiền nộp, người mua không trực tiếp đứng tên mà chuyển tiền cho Nghĩa để mua cổ phiếu.

5 bị hại là Oanh, Nga, Hoài Anh, Phượng, Dung đã nhiều lần đưa tiền cho Nghĩa bằng cách đưa trực tiếp, không có biên nhận và chuyển vào tài khoản của Nghĩa hoặc tài khoản của anh Nguyễn Bảo Linh, người cho Nghĩa mượn tài khoản. Thời gian đầu Nghĩa trả đầy đủ lãi và gốc để tạo niềm tin. Khi nhận tiền, Nghĩa không mua cổ phiếu như đã nói mà dùng tiền của người sau trả lãi cho người trước hoặc là chỉ thông báo lãi và gốc để làm tin.

Cần làm rõ một số tình tiết

Theo cáo trạng, chị Oanh đã chuyển khoản hơn 18,7 tỉ đồng, còn khoảng 15,7 tỉ đưa trực tiếp. Nhưng chỉ có căn cứ xác định chị Oanh đã đưa cho Nghĩa 18,7 tỉ đồng, Nghĩa đã trả cho chị Oanh 2,88 tỉ đồng, còn chiếm đoạt 12,85 tỉ đồng. Đối với chị Hoài Anh, tài liệu điều tra chỉ đủ căn cứ xác định Nghĩa đã chiếm đoạt 5,88 tỉ đồng. Đối với chị Đỗ Thị Phượng khai đã đưa 14,1 tỉ đồng, có giữ một quyển sổ biên nhận trong đó Nghĩa ghi xác nhận các lần đưa tiền nhưng tài liệu điều tra xác định Nghĩa chiếm đoạt của chị Phượng 8,9 tỉ đồng. Đối với chị Vũ Thị Kim Dung, Nghĩa còn chiếm đoạt 2,46 tỉ đồng. Đối với chị Vũ Bích Nga, chị Nga khai đã đưa cho Nghĩa 9,3 tỉ đồng nhưng tài liệu điều tra cho thấy chỉ có căn cứ Nghĩa chiếm đoạt 912 triệu đồng.... VKS cáo buộc, Nghĩa chiếm đoạt tổng cộng gần 47 tỉ đồng, đến nay không có khả năng chi trả.

Trước vành móng ngựa, Nghĩa khai không không có khả năng mua cổ phiếu mà những người này tự biết đến bị cáo làm ăn "hiệu quả" nên tìm đến đặt vấn đề nhờ mua hộ cổ phiếu. Nghĩa cũng phủ nhận đã giao nhận trực tiếp hàng chục tỉ đồng với các nạn nhân. Giải thích số tiền các nạn nhân chuyển vào, Nghĩa cho rằng "do họ nợ tôi trước đó".

Có mặt tại phiên tòa, các bị hại đồng loạt khai không vay nợ của Nghĩa, họ cho rằng, do thân thiết với nhau hàng chục năm nên khi nghe Nghĩa nói có thể mua cổ phiếu ưu đãi, họ đã vay mượn, dồn tiền đưa cho cô ta. "Vì tin bạn mà giờ chúng tôi sống trong cảnh nợ nần chồng chất"- một bị hại cho biết.

Trình bày trước tòa, Luật sư Ngô Ngọc Thủy, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo, cho rằng, tài liệu mà cơ quan điều tra dùng để buộc tội "không có giá trị pháp lí bởi chỉ là bản photocopy". Trong khi tờ giấy được VKS cho là Nghĩa đã nhận nợ 30 tỷ đồng đến nay không thu được bản gốc. Nghĩa lại không thừa nhận viết giấy nợ này, nên theo luật sư, văn bản trên không phải là chứng cứ buộc tội. Tuy nhiên, đại diện Viện KSND TP Hà Nội cho rằng việc kết tội không chỉ dựa vào tài liệu photocopy mà còn dựa trên giấy tờ biên nhận, lời khai khác. Bản thân bị cáo cũng thừa nhận có viết giấy biên nhận.

Trước sự phức tạp của vụ án, HĐXX đã chuyển thời gian tuyên án sang buổi chiều 9/5 để có thêm thời gian xem xét. Tại phiên xét xử ngày 9/5, HĐXX nhận định tại phiên tòa xuất hiện một số tình tiết không thể làm rõ nên trả hồ sơ yêu cầu cơ quan điều tra bổ sung làm rõ, xác minh việc Nghĩa trả tiền vào tài khoản của chị Oanh và chồng chị Oanh, xác minh việc trả tiền cho 4 bị hại còn lại qua tài khoản, làm rõ các vấn đề bản án phúc thẩm đã nêu...