Nhớ những lời Bác dặn về xây dựng Đảng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sinh thời, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, giáo dục, rèn luyện đảng viên là chủ đề trung tâm trong rất nhiều bài viết và nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người cũng nêu những nguyên tắc cốt lõi trong việc rèn luyện đạo đức của người cách mạng.

1. Ngay từ những ngày đầu xây dựng một nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra và nhấn mạnh việc phải đấu tranh loại trừ sự mất dân chủ, độc đoán chuyên quyền; đặc quyền đặc lợi... của những ông “quan cách mạng”. Đấu tranh thắng lợi với những căn bệnh, những kẻ thù vô hình, đó không phải là điều đơn giản vì cuộc đấu tranh này không phân chia giới tuyến, không nhìn rõ kẻ địch ở trước mũi súng. Những kẻ thù đó nhiều khi ở những đồng chí bên cạnh mình, thậm chí trong chính bản thân mình. Điều này đòi hỏi Đảng phải thường xuyên chỉnh đốn tổ chức, rèn luyện cả về đạo đức, phẩm chất và năng lực của toàn Đảng cũng như của từng đảng viên.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại căn cứ Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp (ảnh tư liệu).
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại căn cứ Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp (ảnh tư liệu).
Trong bản Di chúc thiêng liêng để lại cho hậu thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của Nhân dân”. Trong lần bổ sung năm 1968, Người viết: “Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ Nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm thấy căn nguyên sâu xa của mọi triệu chứng suy thoái, biến chất về đạo đức nói riêng và các loại suy thoái khác nói chung ở mỗi người là chủ nghĩa cá nhân. “Thuốc đặc trị” cho căn bệnh đó cũng được Người chỉ rõ là Nâng cao đạo đức cách mạng, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, thực hiện tự phê bình và phê bình một cách thành thực, nghiêm túc. Người cũng yêu cầu công việc đấu tranh nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân phải được toàn Đảng và mỗi đảng viên tiến hành kiên quyết và bền bỉ. Những nguyên tắc xây dựng nền đạo đức cách mạng được Người vạch ra như những định hướng để Đảng lãnh đạo cũng như cho việc rèn luyện của mỗi cá nhân là:

- Nói phải đi đôi với làm, phải nêu gương về đạo đức

- Xây phải đi đôi với chống

- Phải tu dưỡng đạo đức suốt đời.

Những định hướng này vẫn cần được nghiên cứu vận dụng để xây dựng Đảng là đạo đức là văn minh như mong mỏi của Nhân dân, đáp ứng yêu cầu làm trong sạch Đảng và lành mạnh hoá đời sống đạo đức xã hội hôm nay.

2. Nhìn vào thực trạng đạo đức của cán bộ đảng viên hiện nay có thể nhận ra bên cạnh những giá trị đạo đức đã và vẫn được thừa nhận, những nhân tố mới đã nảy mầm và phát triển để theo kịp và hoà nhập với thời đại: Tinh thần năng động, ham học hỏi, tiếp thu cái mới; Ý chí vươn lên làm giàu chính đáng; Tinh thần uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa; Ý thức yêu quý và bảo vệ môi trường... Chưa thể nói một nền đạo đức mới trong giai đoạn mới đã hình thành nhưng những yếu tố mới sẽ xây dựng nên nó đã manh nha phát triển.

Tuy nhiên cũng phải thấy rằng phẩm chất đội ngũ cán bộ, đảng viên và công tác cán bộ của Đảng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng đủ những yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Số cán bộ, đảng viên thực sự phát huy vai trò đầu tàu gương mẫu còn thấp (mới chỉ là điển hình chứ chưa phải là phổ biến), nhiều cán bộ đảng viên có kết quả phấn đấu công tác, học tập không cao hơn quần chúng. Tình trạng “thân quen”, “ô dù” khá phổ biến trong việc bổ nhiệm, sử dụng cán bộ dẫn đến hiện tượng “chạy chức, chạy quyền”, nếu không nói là “mua quan bán chức”, diễn ra tại các vị trí “màu mỡ” có thể bổ nhiệm. Trong khi đó nguồn bổ sung cán bộ cho những vùng xa, vùng tôn giáo, trong học sinh, sinh viên lại gặp khó khăn. Một số cán bộ đảng viên giàu lên nhanh chóng bằng những “biện pháp” không chính đáng. Thực trạng suy thoái đạo đức, lối sống, tác phong  trong cán bộ đảng viên được Đảng nhìn nhận là nghiêm trọng. Có những tệ nạn đã trở thành quốc nạn, gây nhiều bất bình trong nhân dân.    

3. “Công thức” chung quyết định thành công của mỗi công việc là: Chính sách đúng + Bộ máy tốt + Cơ chế hoạt động hiệu quả. Cả ba yếu tố này liên hệ chặt chẽ và tác động lẫn nhau. Công cuộc đấu tranh xây dựng Đảng về đạo đức cũng vậy. Gần đây nhất, Đảng đã khẳng định quyết tâm chống lại sự suy thoái đạo đức và nêu những biện pháp cần kíp trong công tác xây dựng Đảng qua Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI) Về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay. Đường lối về việc nâng cao đạo đức cách mạng, chống suy thoái biến chất của Đảng cũng đã được luật hoá một phần trong chính sách, pháp luật của Nhà nước và từng bước đi vào cuộc sống.

Nhưng những cố gắng đó vẫn chưa thể coi là đủ. Cùng với việc chống suy thoái đạo đức từ trong và bằng bộ máy tổ chức Đảng từ cơ sở đến T.Ư, cần tăng cường những “kênh” (khác và độc lập) trong việc xem xét đánh giá tư cách, phẩm chất đạo đức của cán bộ đảng viên. Điều cần thiết để đạt hiệu quả trong hoạt động của các “kênh” này là nâng cao tính khách quan, bảo đảm tính độc lập, chính xác trong những kết luận đánh giá.

Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn Đảng và cả xã hội cùng với việc tự phê bình và phê bình nghiêm túc của từng đảng viên - từ người lãnh đạo cao nhất đến những những đảng viên thường ở cấp cơ sở - theo Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) cần đi vào thực chất sâu hơn để Đảng thật sự trong sạch, thật sự vững mạnh. Việc học tập tấm gương đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh trước hết phải bắt đầu từ những điều giản dị, từ những việc nhỏ trong tác phong sinh hoạt, công tác hàng ngày, của mỗi người, từ mỗi cơ sở Đảng. Điều quan trọng hơn nữa là chúng ta phải thực hành những điều đó một cách thường xuyên.