Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhớ nơi Bác Hồ về tát nước chống hạn

Bài và ảnh Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sinh thời Bác Hồ đã đến rất nhiều nơi làm việc, động viên cán bộ chính quyền địa phương, chiến sĩ và nhân dân thi đua sáng tạo trong chiến đấu, lao động sản xuất. Mùa Xuân năm 1958, chính quyền và người dân xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội đã được vinh dự đón Bác Hồ về thăm.

Gần 60 năm trôi qua, lời căn dặn và hình ảnh Bác xắn quần, lội xuống ruộng tát nước chống hạn cùng bà con và nông dân đọng lại mãi trong tâm trí của các thế hệ người dân nơi đây.
 Ảnh Bác Hồ tát nước chống hạn tại Tả Thanh Oai.
Ông Ngô Mạnh Quyền, người chứng kiến Bác Hồ tát nước và nói chuyện tại cánh đồng Quai Chảo chia sẻ: Chúng tôi rất xúc động và bất ngờ với một lãnh tụ của đất nước mà lại đến với nông dân, tát nước cùng nông dân. Việc làm gần dân của Bác mãi còn giá trị đến bây giờ. Trước khi lên xe, Bác dừng bước căn dặn cán bộ và nông dân trong thôn: “Các cô, các chú tích cực tát nước chống hạn, cấy hết diện tích. Bác chờ thành tích của các cô, các chú báo công lên cho Bác”. Không phụ lời dạy của Bác, cả xã Tả Thanh Oai dấy lên phong trào thi đua lao động sản xuất.
 Đây là khu di tích tưởng niệm Bác Hồ tại cánh đồng Quai Chảo.
 Bức phù điêu Bác Hồ tát nước chống hạn được TP Hà Nội khánh thành năm 2005 chào mừng 995 năm Thăng Long Hà Nội.
Cũng theo ông Quyền: Con kênh năm ấy Bác tát nước luôn khô cạn. Sau khi được Bác động viên, cả xã đã thi đua lao động sản xuất. Điều đầu tiên toàn xã ra quân thực hiện đó là làm thủy lợi nạo vét các kênh mương đã có và đào thêm 1 con kênh chạy giữa cánh đồng Quai Chảo để thuận lợi cho nước vào đồng. Ngay cả con kênh ngày Bác tát nước luôn khô hạn thì nay nước luôn đầy ắp nước tưới tiêu cho cánh đồng Quay Chảo.

Vụ Xuân năm ấy, Tả Thanh Oai có mùa bội thu chưa từng có để báo công với Bác. Nối tiếp vụ Xuân là những vụ sau đó, xã Tả Thanh Oai vừa cấy lúa và gia tăng sản xuất vụ đông trồng khoai, trồng rau màu. Thành quả ấy không chỉ là niềm vui của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã mà còn góp một phần nhỏ bé động viên phong trào lao động sản xuất toàn miền Bắc, và công cuộc kháng chiến Mỹ cứu nước.
 Ông Ngô Mạnh Quyền chia sẻ về ngày Bác về tát nước chống hạn.
 
Lời dặn của Bác đến nay vẫn được Đảng bộ, chính quyền lấy làm kim chỉ nam trong chỉ đạo nhân dân thi đua lao động sản xuất, hoàn thành sớm mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Tiến Hưng, Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, Hà Nội nói: Suốt gần 60 năm qua, nhớ việc làm, lời Bác dặn, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ, chính quyền xã Tả Thanh Oai không ngừng đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân xây dựng các mô hình kinh tế chuyên canh tạo hiệu quả kinh tế cao, nâng cao giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác.

Cánh đồng Quai Chảo năm xưa nơi Bác tát nước chống hạn đã được dồn điền, đổi thửa, cải tạo đồng ruộng bằng phẳng và cấy lúa chuyên canh chất lượng cao, thực hiện theo chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Thanh Trì và TP Hà Nội. Năm 2015, Tả Thanh Oai đã được TP Hà Nội công nhận là xã đạt được các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
 Đường nông thôn đã được hoàn thiện. Cánh đồng Quai Chảo ngày Bác về tát nước nay đã được dồn điền đổi thửa xong cấy lúa chuyên canh hàng hóa.
Ông Nguyễn Hữu Mạnh, cũng từng chứng kiến ngày Bác về quê hướng Tả Thanh Oai tát nước cùng nông dân, chia sẻ: Nếu so sánh ngày đó với bây giờ nông dân sướng nhiều. Nông thôn được thực hiện mô hình xây dựng nông thôn mới đã đổi thay rất nhiều, như đường làng, ngõ xóm, các công trình phúc lợi công cộng với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, người dân đã rất tích cực tham gia bằng công lao động, đóng góp kinh phí. Năng suất lúa bây giờ toàn trên 250 kg/sào/vụ.  Đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân cũng được địa phương chăm lo rất tốt.

Đến cuối năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của Tả Thanh Oai đã đạt 38 triệu đồng/người/năm. Cùng với đó là hàng loạt các công trình cơ sở hạ tầng như giao thông nội đồng; giao thông liên thôn, xóm; trường học, nhà văn hóa được cải tạo, nâng cấp, xây mới. Đời sống tinh thần của nhân dân được chăm lo. Thông qua thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, mỗi người dân đều đóng góp công sức xây dựng quê hương như lời Bác dặn.

Những kết quả đạt được của Tả Thanh Oai đó là sự đồng thuận trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền; và nhân dân đồng lòng thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, các chủ trương chính sách của Nhà nước.