Chúng ta đang bước vào thời khắc chuyển giao từ năm Đinh Dậu sang năm Mậu Tuất. Thời khắc này, cả dân tộc nhớ đến một cái Tết lịch sử cách đây tròn 50 năm, Tết Mậu Thân 1968, khi quân và dân miền Nam mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy, giáng những đòn chí tử vào Mỹ Ngụy, góp phần mở đường “đánh cho Mỹ cút”, tiến đến Đại thắng mùa xuân, thống nhất đất nước 30/4/1975. Mùa Xuân năm 1968 trở thành niềm tin bất tử về khát khao độc lập dân tộc.
Như đã thành thông lệ cứ đến ngày 30 Tết, ông Nguyễn Trung Quế (ở phường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) - nguyên là chiến sĩ thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 304 đánh chiếm sân bay Kon Tum ở thị xã Kon Tum trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968 lại chuẩn bị hương, hoa, bánh chưng xanh nhờ con cháu chở lên nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Tự tay ông sắp lễ, thắp nhang tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968. Tuy tuổi càng cao, sức càng yếu nhưng trong ông vẫn vẹn nguyên những ký ức về mùa xuân năm ấy.“Biết trận đánh này là ác liệt cho nên cơ quan hậu cần chuẩn bị cho anh em ăn Tết. Cũng là bánh, thịt, lợn, gà và không hiểu tại sao ai cũng phấn khởi, ai cũng tưng bừng, rộn ràng. Thấp thỏm chờ giờ G mà không biết giờ G đó là khi nào? Mình có biết Xuân Mậu Thân 1968 đâu, chỉ chờ chuẩn bị sẵn sàng. Hậu cần chuẩn bị tất cả ăn uống lại ăn trước Tết cả 4, 5 ngày, cả tuần không biết tại sao năm này lại cho ăn Tết như thế? Từ cán bộ, chiến sĩ không ai bảo ai, luôn luôn chuẩn bị một chuyến đi vô cùng quyết tâm” – ông Quế kể lại.
Nhớ về cái Tết trước cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân 1968 tại mặt trận Buôn Ma Thuột, một trong những địa bàn trọng điểm tại chiến trường Tây Nguyên, ông Tô Tấn Tài (bí danh là Ama Oanh), nguyên Bí thư Huyện ủy huyện Lak, tỉnh Đắk Lắk cho biết, với ông, thời khắc chuyển giao giữa năm Đinh Mùi và Mậu Thân 1968 là không thể nào quên. Khi ấy, từ thị xã Buôn Ma Thuột tới các buôn làng trong tỉnh, nơi nào cũng tràn đầy niềm tin vào một mùa xuân thắng lợi.
“Hồi đó công tác tuyên truyền vận động là trăm năm có một lần lịch sử, ai cũng nao nức vừa chuẩn bị ăn Tết, vừa tranh thủ tham gia vào thực hiện Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, giải phóng, cho nên tinh thần, tâm lý khát khao hòa bình độc lập cao lắm, nên sung sướng lắm. Dân trong vùng căn cứ sung sướng tham gia mọi mặt công tác” – ông Tài kể lại.
Tết Mậu Tuất nhớ về Tết Mậu Thân còn là nỗi nhớ về những hy sinh to lớn mà quân và dân ở Đắk Lắk trải qua. Thiếu tá Nguyễn Hữu Trí, nguyên Trưởng ban công tác nội tuyến, thuộc Ban binh địch vận Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, những trận đánh trong Tết Mậu Thân 1968, Tiểu đội ông hy sinh hơn một nửa, người thân, bạn bè ngã xuống trong đêm 30 rạng sáng mùng 1 cũng không ít.
Chiến thắng lớn đã phải đánh đổi bằng nhiều máu xương. Mỗi năm, đón thêm một cái Tết thanh bình, lòng ông Trí lại nghèn nghẹn khi nhớ về đồng đội cũ và ông tự hào mình từng tham gia trận tiến công oai hùng.
“Có người có thể thấy những hy sinh mất mát và họ cho rằng nếu không có cuộc chiến này, không có hy sinh như thế thì làm sao có việc Mỹ rút quân và làm sao có chuyện năm 1975 mình giải phóng đất nước. Phải thấy cái lớn đó thì mới đánh giá được kết quả Mậu Thân. Bạn bè tôi hy sinh nhiều lắm, người thân họ hy sinh cũng rất nhiều nhưng cái mình được lớn hơn nhiều lắm, cho hạnh phúc dân tộc, cho đất nước hòa bình, thống nhất” – ông Trí nghẹn ngào nói.
Từng đi qua nỗi đau bởi chiến tranh chia cắt, nay sống trong niềm vui hòa bình, hơn ai hết trong ngày cuối cùng chuyển giao giữa năm cũ và mới, những người như ông Quế, ông Tài, ông Trí từng hy sinh tuổi xuân, hạnh phúc riêng năm nào giờ quây quần bên con cháu với một cảm giác ấm áp ngập tràn trong giờ phút gia đình đoàn tụ. Trong không gian đầy hoa tươi và điện sáng, các gia đình vẫn dành những khoảng lặng tưởng nhớ những người đã ngã xuống cho độc lập hôm nay./.