70 năm giải phóng Thủ đô

Nhớ Tết xưa!

Giám đốc Truyền thông - Ban Thương hiệu và Truyền thông SHB Nguyễn Bùi Thúy Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà cũ. Cha trồng cây bích đào trước sân, mùa Hè là nơi con và em chơi đùa cùng mấy đứa bạn trong xóm, xuân về là nơi tỏa sắc rực rỡ.

Cuối tháng 11 âm lịch, khi trời trở rét thực sự - cái rét khô đậm báo hiệu Tết sắp về - hàng xóm đã sang “nhận phần”, dặn cha để cho một cành chơi Tết. Thế là cha bắc thang lặt hết lá đào. Suốt tuổi thơ, con cứ đợi tới ngày này để ngồi xem cha làm và nghe cha giảng giải “tuốt bỏ lá đào để tập trung dinh dưỡng cho cây làm nụ, cho hoa to đẹp và nở đúng Tết”.
Nhìn bàn tay cha chậm rãi, tỉ mẩn lặt những lá đào bé xíu, con ngong ngóng đợi tới ngày trên cây xuất hiện những chiếc nụ hồng xinh xinh, đợi đến những ngày giáp Tết nắng ấm là bung ra những bông bích đào đỏ thắm.
Ảnh minh họa: Khắc Kiên
23 tháng Chạp - ngày cúng ông Công, ông Táo, hương Tết đã lan tỏa lắm rồi. Cây bích đào đã dày nụ, loáng thoáng những bông hoa đầu tiên. Cha cắt cành đào chia cho từng nhà, dành cho nhà mình một cành. Con nhìn cây đào chỉ còn lại vài nhánh mong manh mà buồn ngơ ngác, nhưng ánh mắt cha lấp lánh niềm vui thì chợt hiểu: Chia sẻ có thể mang lại hạnh phúc nhiều như vậy! Giờ, chỉ cần nửa tiếng, bỏ ra dăm ba trăm nghìn đến một triệu, con cũng có được cành đào chơi Tết với đủ thế rồng phượng nhưng con chẳng thể nào tìm được cành nào quý giá như cây bích đào của cha…
Con nhớ những ngày cùng mẹ đi chợ quê, tíu tít như thể mai đã là Tết rồi. Sau khi mua đủ thức ăn cho 3 ngày Tết, thế nào mẹ cũng rẽ ngang hàng quần áo, mua cho chị em đôi giày mới, chiếc áo đẹp để diện sáng mùng Một đi chúc Tết ông bà. Giờ, con có đủ khả năng mua những gì mình thích mà không cần đợi đến Tết, cũng không cần mất thời gian đi chọn lựa mà chỉ cần ngồi một chỗ, lên internet là có đủ ngay từ gà, giò, măng miến, đến bánh mứt, ô mai…. Nhưng sao con vẫn thèm được chân sáo bên mẹ đi chợ Tết quê mình?
Ảnh minh họa: Khắc Kiên
Chiều 28 Tết, hàng xóm tập trung trên khoảng sân rộng nhà mình để gói bánh chưng. Người góp gạo, người góp thịt, người góp lá, góp đỗ. Tụi trẻ chí chóe đòi mẹ làm bánh dài, bánh vuông be bé để dành, đòi thức đêm canh nồi bánh chưng sôi sùng sục. Giờ, bánh chưng lúc nào cũng sẵn ngoài chợ, to có, bé có, nhân mặn ngọt đủ cả, sao con vẫn nhớ mùi bánh chưng và khói nơi góc bếp đỏ lửa nhà mình ngày xưa!
Tết xưa…. Con háo hức đợi chiều 30 Tết, khi cúng Tất niên xong, cha mang bánh pháo ra đốt. Chẳng biết đốt pháo có tiễn được năm cũ với những điều không may đi không nhưng nghe tiếng nổ vang giòn khắp xóm, con háo hức vô cùng. Giờ, Tết vắng tiếng pháo, vắng hẳn những tiếng cười. Pháo hoa bừng sáng trong đêm Giao thừa dù sắc màu có lung linh đến mấy, cũng sao sánh được tiếng pháo giòn, khói pháo la đà ngày Tết xưa?
Chiều 28 Tết vẫn còn rất nhiều chuyến xe chở đào về thành phố. Ảnh: Khắc Kiên
​Những đứa trẻ như con, đợi chờ nhất là ngày mùng 1 Tết, được xúng xính áo mới đi chúc Tết ông bà, được nhận những lì xì, rồi kéo nhau ra một góc, thủ thỉ xem đứa nào được ít, đứa nào được nhiều nhưng rồi, tiền lì xì đưa cho mẹ hết, chỉ giữ lại những phong bao đỏ xinh xinh. Giờ, chúc Tết qua điện thoại, tin nhắn, thậm chí là lên facebook “Tag” tất cả người quen trong một câu chúc, lì xì thì toàn tiền to nhưng con lại cảm thấy phú quý sinh lễ nghĩa, chứ không còn giá trị của một ngày đầu Xuân như cách nay mấy mươi năm…..
​Con lớn lên, đi xa nhà, xa dần hương vị Tết ngày xưa. Có những lúc như này, khi đồng nghiệp tíu tít hỏi “sắm Tết chưa”, con bỗng muốn sống chậm lại, để hoài niệm về tuổi thơ. Bỗng nhiên, hương Tết quyện trong hương thơm trầm lắng trong ký ức từ bao giờ, nay lại bùng lên mãnh liệt. Lòng bỗng chùng xuống tự hỏi, giữa phố phường chật hẹp, tìm đâu được hương Tết xưa?