Nhớ thành phố hoa đào

Phạm Quốc Toàn - Nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tết cổ truyền Nhâm Dần 2022 đã gõ cửa mọi nhà. Nhìn cây mai vàng trước sân nhà bắt đầu hé nụ, một nỗi nhớ da diết ập đến, thâu đêm nhớ Hà Nội 36 phố phường, nhớ về ký ức chiếc tàu điện leng keng rộn rã phố phường ngày ấy mà chẳng thể chợp mắt.

Tôi điện thoại cho Phan Long, nhạc sĩ tài hoa người yêu Hà Nội đắm say, từng là phóng viên văn hóa - văn nghệ tại đài PT-TH Bà Rịa - Vũng Tàu và sau đó làm việc tại Ban Biên tập âm nhạc đài Tiếng nói Việt Nam, cơ quan Thường trú tại TP Hồ Chí Minh.

Người dân chọn mua hoa đào trên chợ hoa Tết truyền thống Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Người dân chọn mua hoa đào trên chợ hoa Tết truyền thống Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng

- Phan Long ơi, ca khúc “Nhớ TP hoa đào” da diết đến lạ, tôi vừa nghe lại, nghe đến bao lần mà vẫn muốn nghe, cũng là do chúng mình rất yêu Hà Nội đó thôi.

Phan Long khẽ hát qua điện thoại, giọng hát trầm ấm của một nhạc sĩ tài hoa: “Ở TP hoa mai nhớ TP hoa đào/Giữa bến Nhà Rồng nhớ sông Hồng đỏ phù sa/Ở TP hoa mai ta vẫn hướng ra Hà Nội… Bạn bè đi xa. Tung cáng rộng trời mây/Và ta nhớ phố cổ tuổi thơ đã đi qua…”.

Đã có nhiều ca khúc về sự kết nối thân thương, máu thịt Hà Nội - Sài Gòn nhưng ít có ca khúc nào có độ thấm thấu, nhớ về tuổi thơ Hà Thành sâu lắng như “Nhớ TP hoa đào” của Phan Thăng Long - tên khai sinh của Phan Long, chàng trai quê gốc Phú Thọ, lớn lên ở Hà Nội và rất yêu Hà Nội.

Năm 2021, TP hoa mai - Sài Gòn trải qua những ngày đau thương, vật vã giữa tâm dịch Covid-19. TP hoa mai gồng mình chống dịch, ngăn chặn, đẩy lùi virus SARS-CoV-2 quái ác. TP hoa đào - Hà Nội cùng cả nước hướng về TP hoa mai và vùng tâm dịch phía Nam tay trong tay “Chống dịch như chống giặc”, thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế.

Hơn 3 tháng ròng rã chống dịch, hơn 29.000 người là các chiến sĩ áo trắng và lực lượng tình nguyện khác của Hà Nội và cả nước có mặt nơi tuyến đầu. Cộng đồng DN, doanh nhân Hà Nội và cả nước chi viện, chia lửa thực hiện an sinh xã hội cùng TP Hồ Chí Minh và các địa phương lân cận có thêm nguồn lực phòng, chống đại dịch.

Cuối tháng 10, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, cả nước thực hiện “Thích ứng an toàn - linh hoạt, chống dịch hiệu quả”. Sống chung với Covid-19, cuộc sống bừng sắc, khai mở, đi lên, nhịp sống mới nhộn nhịp trở lại từng ngày.

Cận Tết cổ truyền, đào thắm Nhật Tân nở rộ chất đầy nhiều đoàn xe, toa tàu, khoang máy bay chở vào TP Hồ Chí Minh. Và cũng tương ứng khoảng chừng ấy, hàng chục nghìn cành, chậu hoa mai nụ vàng khoe sắc được chở ra bổ sung hương vị Tết cho Hà Nội và nhiều tỉnh, thành phía Bắc. Mai vàng, đào thắm góp mặt muôn nơi, dọc dải đất hình chữ S, lấp lánh một cái Tết đoàn tụ, sum vầy.

TP hoa đào - Hà Nội trung tâm chính trị - văn hóa và TP hoa mai - TP Hồ Chí Minh trung tâm kinh tế thương mại đầu tàu, trải qua một năm nhiều gian nan, thử thách quyết liệt, nhưng vẫn có nhiều điểm sáng, giữ được nhịp độ phát triển, thu ngân sách khá, nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế đạt và vượt kế hoạch…

***

Bác Hồ nói: Văn hóa soi đường quốc dân đi! Trong tiến trình phát triển, văn hóa luôn luôn là nền tảng, động lực tinh thần, đồng thời cũng là giải pháp của tinh thần đoàn kết, chung sức chung lòng để cùng nhau vượt khó đi lên, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội TP hoa đào, TP hoa mai hay bất cứ đô thị, làng quê nào trên Tổ quốc Việt Nam thân yêu.

Tình thương yêu, nghĩa đồng bào, sự sẻ chia - vai kề vai bên nhau chính là nét đẹp tuyệt vời của gần 100 triệu người dân trong nền văn hóa Việt Nam - thể hiện sâu đậm tinh thần tương thân tương ái, để đối phó, ngăn chặn, đẩy lùi sự bùng phát của đại dịch Covid-19.

Hoa mai tượng trưng cho mùa Xuân của đất phương Nam. Hoa đào là loài hoa đẹp của đất phương Bắc nghìn năm văn hiến. Xuân về Tết đến, những cành đào ở làng hoa Nhật Tân - Quảng Bá và trên những vườn đào đẹp từ núi rừng Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc trong cái se lạnh đổ về Hà Nội, chảy vào Trung, vào Nam Bộ. Đẹp vô cùng mùa Xuân hoa nở trên mọi miền của Tổ quốc, sâu nặng một chữ tình.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào dịp cuối năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc bài thơ Chân Quê của nhà thơ Nguyễn Bính viết năm 1936: Hôm qua em đi tỉnh về/ Đợi em ở mãi con đê đầu làng/Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng/Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi/Nào đâu cái yếm lụa sồi/Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang Xuân/Nào đâu cái áo tứ thân/Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc và bình thơ: Nguyễn Bính chỉ mong em ăn mặc như vậy cho đẹp lòng anh, đừng để khi đi tỉnh về mà hương đồng gió nội bay đi ít nhiều. Rằng: Nói ra sợ mất lòng em/Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa/Như hôm em đi lễ chùa/Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhẹ nhàng, lịch lãm mà rất sâu sắc phê phán cuộc sống văn hóa lai căng, làm mất đi vẻ đẹp thuần phác của văn hóa dân tộc. Làm lãnh đạo, làm văn hóa, làm doanh nhân, làm bất cứ công việc gì cũng cần coi trọng vẻ đẹp truyền thống vốn có của văn hóa dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thời đại. Đó cũng là thông điệp mà Tổ quốc, dân tộc, Nhân dân nhắn gửi đến mọi người, mọi nhà khi Tết đến Xuân về!

Cảm ơn nhạc sĩ Phan Long, người con của đất Nghĩa Lĩnh, của Hà Nội đã gợi mở một “TP hoa mai nhớ TP hoa đào”. TP Hồ Chí Minh và cả nước thân thương hướng về Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến. Thăng Long - Hà Nội, TP hoa đào cùng cả nước, vì cả nước vượt qua mọi gian nan, thử thách, vững tin trên con đường xây dựng Thủ đô hòa bình, văn hiến, một nước Việt Nam thống nhất, cường thịnh, mạnh giàu.

Xuân Nhâm Dần, 2022