Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhớ về cội nguồn, hướng tới tương lai

KT&ĐT
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10 tháng Ba Âm lịch, những người con Việt Nam ở mọi miền Tổ quốc và trên khắp thế giới lại hướng về Ngày giỗ Tổ, hướng về cội nguồn.

Chính những ngày này, mỗi người lại càng thấm sâu hơn truyền thống của dân tộc, nhớ ghi lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sức mạnh của đoàn kết, của tinh thần, ý chí người Việt trong xây dựng đất nước, hiện thực khát vọng phát triển.

Cách nay 68 năm trước, trong lần về thăm đền Hùng (ngày 19/9/1954), Bác căn dặn “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Làm theo lời Bác, hơn nửa thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, con thuyền cách mạng Việt Nam đã vượt qua bao thử thách cam go và giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, ghi những mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc; bảo vệ sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển.

Thời kỳ đổi mới, Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Khát vọng đưa đất nước bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu đang ngày trở nên mạnh mẽ, thôi thúc hơn bao giờ hết. Tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, ý chí, khát vọng chiến thắng luôn là động lực để chúng ta vươn ra biển lớn, hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế Việt Nam.

Nhìn lại để đi tới, hướng về cội nguồn, nhìn lại quá khứ hào hùng hôm qua không chỉ để hoài niệm. Bởi lịch sử là một quá trình liên tục, ngày hôm nay vẫn ẩn chứa trong mình những tư tưởng của ngày hôm qua, quá khứ vẫn tác động mạnh mẽ tới hiện tại.

Từ thuở vua Hùng dựng nước, qua hàng nhiều thế kỷ đấu tranh với thiên tai, giặc giã, dẫu đầy gập ghềnh, chông gai, nhưng tinh thần đại đoàn kết - sức mạnh vô địch của dân tộc luôn là nguồn lực để viết nên những thành quả đáng tự hào trong công cuộc đổi mới.

Việt Nam đã chuyển từ một nền kinh tế thiếu hụt lớn sang một nền kinh tế quan hệ cung - cầu, tăng trưởng kinh tế của nước ta luôn giữ ở mức cao, kể cả trong thời điểm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Thứ hạng của Việt Nam trên nhiều bảng xếp hạng của thế giới về môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo... liên tục được cải thiện mạnh mẽ.

Việt Nam hiện nay đã trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu, thành viên chính thức của nhiều tổ chức quốc tế. Vị thế trên trường quốc tế; bản lĩnh, sự đổi mới, sáng tạo để vượt khó khăn là cơ sở, nền tảng quan trọng để chúng ta hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Những thành tựu của ngày hôm nay có được bởi nhiều yếu tố cộng hưởng, nhưng trên hết là tinh thần đoàn kết, đồng lòng. Không chỉ người dân Việt trên mảnh đất hình chữ S mà cả đồng bào ta ở nước ngoài cũng luôn hướng về quê hương với những việc làm cụ thể, trên tinh thần hòa hợp dân tộc, cùng nhau vun đắp để thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Nhớ về cội nguồn, hướng tới tương lai, đất nước đang tiến về phía trước, vững bước trên con đường hội nhập và phát triển. Dẫu còn không ít những khó khăn thách thức, nhưng những giải pháp mang tính đột phá, khơi dậy động lực sáng tạo toàn dân được xây dựng dựa trên cơ sở khoa học của thành tựu đã có, cộng hưởng với sức mạnh của khối đại đoàn kết, sẽ tạo ra động lực thúc đẩy ý chí tự chủ, tự cường, nỗ lực, phấn đấu trong thời cơ, vận hội mới, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.