Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhớ về người nhiều lần đóng vai Bác Hồ nhất - NSƯT Tiến Hợi

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – NSƯT Tiến Hợi – người hơn 40 lần hóa thân xuất sắc vai Bác Hồ từ sân khấu đến điện ảnh đã từ trần.

34 năm đóng vai Bác Hồ

Theo thông tin từ gia đình, NSƯT Tiến Hợi đã trút hơi thở cuối cùng lúc 4 giờ ngày 10/2 sau thời gian điều trị bệnh. Ông đã có thâm niên trên 34 năm đóng vai Bác Hồ kính yêu của dân tộc, được đánh giá là diễn viên thể hiện vai về Người xuất sắc nhất trên cả hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh.

Với hơn 40 lần vào vai Bác Hồ trong các vở kịch và phim điện ảnh, tham gia phim truyền hình và hàng trăm lần vào vai Bác trong những sự kiện chương trình lễ hội, lễ kỷ niệm,NSƯT Tiến Hợi đã khắc họa sâu đậm hình tượng Bác được công chúng yêu mến.

NSƯT Tiến Hợi lần đầu tiên được vinh dự thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh là năm 1987 trong vở kịch "Đêm trắng" của Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn Quân khu II (tác giả Lưu Quang Hà; đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang). Đó là năm ông 28 tuổi, Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn Quân khu II đã có ý định mời một số nghệ sĩ lớn tuổi hơn ông để đóng vai Bác Hồ. Tuy nhiên, đặc thù của Đoàn là đi diễn phục vụ chiến sĩ ở vùng núi phía Bắc, nếu mời nghệ sĩ các đoàn khác sẽ rất khó khăn trong việc di chuyển. Đạo diễn đã chọn ra hai người trong đoàn để thử hóa trang, trong đó có ông. Khi chụp ảnh gửi về đoàn, không ngờ mọi người đánh giá cao, trông dáng dấp từ khuôn mặt, ánh mắt, dáng vóc giống Bác Hồ nên ông đã được chọn.

Nghệ sĩ từng nói, hóa thân hàng trăm vở diễn lớn nhỏ trên sân khấu đến phim truyền hình, điện ảnh nên tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh đã thấm đậm vào trong con người và trái tim ông lúc nào không hay. Vì thế, mà phong cách sống của Bác cứ tự nhiên ngấm dần và thành một phần tính cách con người ông.

Cũng nhờ hóa thân vào vai Bác Hồ mà ông có cơ duyên gặp nghệ sĩ hóa trang Vương Đạm Thủy, rồi yêu và kết hôn. Cả hai gặp nhau khi Đạm Thủy công tác ở đoàn nghệ thuật Trường Sơn và được cử đi học hóa trang hình tượng Bác Hồ. Hai vợ chồng luôn thể hiện sự tôn trọng, yêu thương mỗi khi nhắc tới người bạn đời của mình.

Thương xót nghệ sĩ tài năng

Sự ra đi của người nghệ sĩ khiến nhiều người không khỏi thương tiếc và xót xa. Trước sự ra đi của chồng, nghệ sĩ hóa trang Đạm Thủy - người vợ đã đồng hành cùng ông trong hơn 30 năm hóa trang cho chồng thành Hồ Chủ Tịch vô cùng đau lòng. Bà chỉ nhắn nhủ tới người chồng quá cố đầy xót xa: "Anh là tình yêu vĩnh cửu của em".

Nhà văn Nguyễn Quang Vinh xót xa trước người bạn mà mình yêu mến. Ông cho biết, cả hai còn lời hẹn chuẩn bị thực hiện một chương trình cho dịp 7/5 tới, nhưng giờ đã không thể thực hiện được nữa. "Ngày mùng 10 Tết, trái tim của bạn tôi, NSƯT Nguyễn Tiến Hợi ngừng đập. Vô cùng thương xót!" – nhà văn Nguyễn Quang Vinh chia sẻ,

Trên sân khấu kịch, nghệ sĩ Tiến Hợi từng tham gia nhiều vở diễn như "Xin lĩnh án tử hình", "Vùng lạnh", Chùm hài "Oái oăm Đời!", "Sám hối", "Những người con Hà Nội". Trong đó, vai Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở "Xin lĩnh án tử hình" từng giúp ông đoạt Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1992. Ngoài ra, nghệ sĩ cũng xuất hiện trong nhiều tác phẩm phim điện ảnh và truyền hình, tiêu biểu như "Hà Nội - mùa Đông 46"; "Hẹn gặp lại Sài Gòn"; "Hoa ban trắng", "Cảnh sát hình sự".

Năm 2011, nghệ sĩ Tiến Hợi nhận giải thưởng đóng vai Bác Hồ ấn tượng nhất do Ban Chỉ đạo T.Ư Cuộc vận động học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trao tặng.

Không chỉ ngoại hình sau khi hóa trang rất gần với Hồ Chủ tịch, nghệ sĩ Tiến Hợi sở hữu giọng nói truyền cảm, đúng chất làng Kim Liên, Nam Đàn (Nghệ An). Khi nhận giải thưởng, NSƯT Tiến Hợi từng chia sẻ: “Quê gốc Nghệ An, tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng vẫn giữ được âm hưởng miền quê xứ Nghệ. Vì thế tôi nắm bắt giọng nói của Bác rất nhanh. Vở kịch khởi điểm vai Bác Hồ của tôi là Đêm trắng (1987), sáng sáng lên sàn tập, chiều xem phim tư liệu, tối về nghe băng giọng nói Bác, gần 3 tháng trời”.