70 năm giải phóng Thủ đô

Nhớ về thầy cô

Thành Thực
Chia sẻ Zalo

kinhtedothi - Người ta ví thầy cô như người lái đò thầm lặng cả đời chở khách là những lứa học trò sang sông. “Lái đò” thì ít, “hành khách" nhiều nên thường là học trò nhớ đến thầy cô của mình nhiều hơn là thầy cô nhớ đến học trò.

Ấy vậy mà, chúng tôi còn nhớ đến một thầy hiệu trưởng trường cấp 1 - 2 (nay gọi là trường tiểu học và trung học cơ sở) ở làng tôi, vùng đất nghèo Hà Tĩnh. Thầy có trí nhớ tuyệt vời, nhớ có lẽ hết tên của tất cả học trò, mọi lứa.

Nên nhớ, thầy là lãnh đạo nhà trường và hồi đó thầy chỉ dạy mỗi lớp 7 (hệ 10 năm, như lớp 9 bây giờ) và mỗi lớp một số ít tiết học về đạo đức. Thầy chỉ hay gặp học trò những buổi chào cờ, lao động trồng cây hay gì đó…

Một hôm, chúng tôi gặp thầy đi bộ trong làng và chào thầy. Lúc đó, thầy gật đầu và cười thật hiền, khác với những ngày ở trường có nét mặt rất nghiêm khắc. Rồi thầy gọi tên từng đứa, hỏi: “Các em đi học về à?”.

Lúc đó, chúng tôi cảm giác thật vinh dự, tự hào vì được thầy nhớ tên. Dù sau này, chúng tôi được biết, thầy nhớ tên gần như tất cả các học trò, gặp họ, thầy gọi tên từng đứa một cách trìu mến.

Hồi đó, lớp học của chúng tôi gần bếp ăn nhà trường làm bằng tranh tre nứa lá. Chúng tôi vẫn thấy vào buổi trưa thầy xuống bếp ăn cơm, bữa ăn đạm bạc (vách bếp tuềnh toàng, nên đi qua hay chơi gần đó là chúng tôi có thể thấy… mâm cơm). Thầy khi nhìn chúng tôi vẫn hồn hậu, như lão nông tạm nghỉ giữa buổi vậy.

Đó là một trong những thầy cô của tuổi học trò chúng tôi hằng kính trọng.
Những người thầy khác chúng tôi còn nhớ: thầy giáo dạy giỏi toán, truyền cảm hứng cho các học trò nghèo, cho học trò mượn các tờ tạp chí “Toán học và tuổi trẻ” để thử giải dù đa số chúng tôi gần như đọc lời giải cũng chẳng hiểu…

Còn cô giáo dạy môn hóa thì vừa giỏi vừa hiền lại vừa… đẹp. Chúng tôi còn nhớ, mùa Đông rét và thiếu ăn thuở ấy, trong lớp học, cô nhắc một bạn gái rằng, không nên mặc áo phong phanh như vậy, “đừng xấu hổ, em có bao nhiêu áo cứ mặc vào; áo rách mặc trong…”.

Những người thầy luôn tận lực trong việc “chèo đò” và nhiều khi lơi tay chèo dừng lại, nhìn và để thương cảm cho từng em học sinh.

Mới đây, ngôi trường cũ đó kỷ niệm 100 năm ngày thành lập (1923 - 2023), nhiều học trò tụ hội về trường, nhiều người vắng mặt. Nhưng có lẽ học trò qua các thế hệ của nhà trường luôn tự hào về trường mình. Mỗi lứa học trò đều có những hình ảnh thầy cô trong tâm trí.

Sau này lớn lên, chúng tôi lại có những đứa con đi học. Không biết chúng nhớ gì về những thầy cô của mình?

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới, nhiều học trò trên khắp cả nước sẽ biểu lộ lòng biết ơn những thầy cô giáo của mình. Đó là nét đẹp của dân tộc hiếu học. Học trò cũ đã xa mái trường nhiều năm như chúng tôi cũng sẽ biết ơn các thầy cô, bằng cách giữ lại hình ảnh đẹp về “những người lái đò” thầm lặng ấy.