Nhọc nhằn tìm hướng quảng bá tác phẩm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau rất nhiều phàn nàn và đổ lỗi cho tình trạng nhiều nghệ sĩ không sống được với nghề, phải vất vả bươn chải để kiếm sống, một số người trong giới làm nghệ thuật đã nhận ra "quảng bá" là bí quyết duy nhất để vừa sáng tạo vừa hưởng thụ.

Mổ xẻ nguyên nhân khiến một số văn, nghệ sĩ than không sống được bằng nghề bấy lâu, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội Bằng Việt cho rằng: Quá trình lao động nghệ thuật gồm sáng tạo, quảng bá và hưởng thụ, song hầu hết văn nghệ sĩ chỉ làm tốt khâu sáng tạo mà không quan tâm đến việc quảng bá những "đứa con tinh thần" của mình. Và khi không bán được tác phẩm, nghệ sĩ sẽ không sống được với nghề, tức là không được hưởng thụ theo đúng nghĩa để tiếp tục nuôi cảm hứng sáng tạo. Vậy nên, không cách gì khác, người sáng tác phải tìm cách quảng bá tác phẩm của mình, đặc biệt trong bối cảnh thị trường nghệ thuật đang trở nên bão hòa như hiện nay.

 

Cách đây không lâu, trong một không gian nhỏ bé của quán café Trung Nguyên (số 3 Ngô Quyền, Hà Nội), "Adam & Eva" của Di Li đã trình làng ấn tượng bằng cách phá môtíp truyền thống của một buổi họp báo. Khách mời của buổi giới thiệu sách chủ yếu là chủ nhân các blog nổi tiếng trên trang mạng xã hội như: Facebook, Wordpress, Blogspot, Google+, Tamtay.vn... và các web cá nhân hạng "hot". Dù được gọi là cuộc hội ngộ của những tay "chém gió" chuyên nghiệp hay là màn PR sách chuyên nghiệp của Di Li, buổi giới thiệu sách đã thành công ngoài sức mong đợi khi cuốn sách đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các diễn đàn, trang mạng xã hội. Vì thế, một số nghệ sĩ đã cố gắng tìm thêm những hình thức quảng bá tác phẩm mới như Vi Thùy Linh ra mắt hai cuốn sách trong một buổi diễn độc đáo và hoành tráng tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

 
Nhà văn Di Li trong buổi họp báo giới thiệu cuốn sách "Adam & Eva"
Nhà văn Di Li trong buổi họp báo giới thiệu cuốn sách "Adam & Eva"
Tuy nhiên, những cách làm này cũng chỉ có thể quảng bá tác phẩm trong khoảng thời gian ngắn, không mang tính lâu dài. Không phải nghệ sĩ nào cũng có đủ tài năng, có thừa sự sáng tạo để tạo ra một hình thức quảng bá mới mẻ cho tác phẩm của mình. Họa sĩ Bằng Lâm từng chia sẻ, một cuộc triển lãm tranh, ảnh, ra mắt sách, đêm biểu diễn ca nhạc... chỉ tồn tại trong khoảng thời gian rất ngắn, số lượng người biết và tham dự rất ít. Muốn tác phẩm được nhiều người biết phải quảng bá chúng một cách lâu dài và một trong những hướng được các nghệ sĩ Việt yêu thích hiện nay là tìm kiếm sự bảo trợ từ các tổ chức văn hóa nước ngoài. Sự chuyên nghiệp, mối quan hệ rộng với các cơ quan báo chí cũng như nguồn tài trợ dồi dào từ Trung tâm văn hóa Pháp, Đức, Nhật Bản hay Hàn Quốc… chính là lý do mà nhiều nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ trẻ phải tìm cách để tiếp cận từ đó góp phần tiếp thị, quảng bá cho tác phẩm của mình.