Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhọc nhằn trả nợ đời của người đàn bà buôn heroin

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chị nấn ná, tiếp cận họ dần dần, trò chuyện nỗi thống khổ khi dính đến pháp luật, bị mất tự do, gia đình tan nát. Với bài học từ chính sự vấp ngã của cuộc đời mình, chị Loan đã khuyên can thành công một số người nghiện.

Chuỗi ngày ở tù vì mua bán ma túy, chị Loan thấu hiểu cảnh mất tự do, lo chồng bỏ, con rời xa nên tích cực cải tạo. Được ra tù trước thời hạn, chị lao vào công việc tuyên truyền người dân tránh xa "cái chết trắng".

Chị Tô Thị Kim Loan (41 tuổi, ở thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) từng có gia đình đầm ấm với hai đứa con. Không bằng lòng với số phận lo từng bữa, chị nghĩ ra đủ mọi cách làm ăn với hy vọng một ngày nào đó kinh tế gia đình sẽ khá giả.

Vay tiền của người thân, hai vợ chồng mở một xưởng làm bì lợn tại nhà. Đúng lúc đang làm ăn phát đạt, hàng xuất vào miền Nam làm không kịp thì tai họa ập đến. Trước ngày giao một lượng hàng lớn thì căn nhà bỗng dưng bốc cháy. Tài sản thành tro bụi trong tích tắc…

Trong lúc túng quẫn, thất vọng, thấy nhiều gia đình giàu có lên nhờ buôn bán ma túy, Loan tính liều. “Hồi đó ở quê tôi người ta bán bạch phiến gần như công khai. Người mua, kẻ bán đầy nhan nhản chứ không như bây giờ đâu. Qua một vài người ở cùng làng, tôi lấy “hàng” về bán lẻ tại nhà cho các con nghiện", chị tâm sự. Chỉ sau thời gian ngắn, kinh tế gia đình phục hồi, không còn cảnh nghèo túng như xưa. Càng ngày càng lún sâu, rồi Loan bị bắt quả tang.

 
Nhọc nhằn trả nợ đời của người đàn bà buôn heroin - Ảnh 1
 

Chị Loan (thứ hai từ phải sang) trong một lần đi đến nhà dân tuyên truyền tác hại của ma túy.

Loan bị tuyên phạt 7 năm tù về tội Buôn bán, tàng trữ trái phép ma túy và về trại giam Ngọc Lý (Bắc Giang) cải tạo. Chị tâm sự: “Vào trại, tôi mới thực sự hiểu hết tác hại của việc mình làm. Nhưng điều quan trọng nhất đó là hai đứa con nhỏ đang ở nhà của tôi. Tôi sợ khi lớn lên, chúng sẽ đi vào vết xe đổ của mẹ thì tôi có chết cũng không thể nhắm mắt". Nỗi nhớ con tha thiết cùng với nỗi sợ chồng ở nhà lấy vợ khác thì các con sẽ khổ đã thành động lực để người đàn bà lầm lỡ này cải tạo tốt.

Chị được tha tù trước thời hạn 2 năm. Ngày trở về với cuộc sống đời thường, với sự mặc cảm, chị sợ xã hội sẽ không tiếp nhận một con người tù tội quay trở lại. Chính quyền, đoàn thể địa phương động viên, giúp đỡ chị có thêm nghị lực, quyết tâm làm lại cuộc đời. Lúc đó, số người nghiện ở thôn khá đông và cả những thành phần bán ma túy vẫn còn, chị quyết định đi tuyên truyền về tác hại của ma túy. Chị xin một “chân” trong Hội Phụ nữ ở thôn để thực hiện quyết tâm của mình.

Từ giữa năm 2005, chị đến từng gia đình để tuyên truyền, tiếp cận người nghiện và tranh thủ mọi lúc để khuyên can. Điều khó khăn ban đầu, mọi người không ai nghe chị nói, họ bảo chị vô công rỗi nghề. Tuy nhiên, chị không nao núng tinh thần.

Chị nấn ná, tiếp cận họ dần dần, trò chuyện nỗi thống khổ khi dính đến pháp luật, bị mất tự do, gia đình tan nát. Với bài học từ chính sự vấp ngã của cuộc đời mình, chị Loan đã khuyên can thành công một số người nghiện. Họ không còn khinh miệt “bà tuyên truyền thôn” như những ngày đầu mà tin rằng, những con người lỗi lầm chỉ cần thực sự quyết tâm quay trở lại con đường lương thiện thì không có gì khó khăn cả. Cảm phục tấm lòng và nghị lực của chị Loan, không ít người nghiện ma túy đã tìm đến tận nhà để nhờ giúp đỡ. Những lúc như thế, chị lại ở bên động viên thậm chí là giúp đỡ về kinh tế để họ yên tâm cai nghiện.

Bà Nguyễn Thị Tám, một người dân địa phương cho biết: “Chị Loan “tuyên truyền” thì có ai mà không biết. Ngày nào tôi cũng thấy chị ấy tìm đến những nhà có người nghiện để trò chuyện. Chị ấy cũng giỏi giang và chịu khó nữa, nếu không thế thì làm sao mà thuyết phục được những đứa nghiện ngập nhiều năm liền đi cai nghiện”.

Đến nay, chị nhiều lần được Ban chấp hành Liên hiệp phụ nữ huyện Văn Lâm tặng giấy khen, đạt danh hiệu cán bộ hội cơ sở giỏi… Khi được hỏi: “Có khi nào chị nghĩ sẽ từ bỏ công việc này không?”, chị trải lòng: "Nếu không được sự giúp đỡ nhiệt tình của chính quyền địa phương, của mọi người chắc có lẽ cuộc đời của tôi sẽ không bao giờ trở lại như ngày nay. Chính vì vậy, tôi làm công việc này cho những người dân quê tôi và cũng là cho tôi. Tôi sẽ làm đến lúc không còn làm được nữa, chỉ có đi làm như vậy tôi mới xóa được lỗi lầm trước kia của mình".