Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Nhóm bạn trẻ Hà Nội truyền cảm hứng sống xanh bằng đổi rác lấy cây

Kinhtedothi - Green Life đã góp phần giảm thiểu rác thải nhựa qua mô hình "Đổi rác lấy cây", "Đổi đồ cũ lấy sen", truyền cảm hứng sống xanh tại Hà Nội vào mỗi cuối tuần cho các bạn trẻ và nhiều người dân.

Khát vọng xanh vì quê hương

Mỗi cuối tuần, khu vực cầu thang 2 nhà A3 ngõ 128C Đại La, Hai Bà Trưng, lại đông đúc, tấp nập với hình ảnh người dân tay cầm những túi rác lớn, kiên nhẫn xếp hàng đổi lấy cây xanh, sen đá. Từ trụ sở tại nhà A3 đến Phố Sách Hà Nội, trường học, trung tâm thương mại, Green Life đã hỗ trợ biến 600 tấn rác (với 54% nhựa) thành tài nguyên, sản phẩm tái chế trong suốt 6 năm qua.

Green Life được thành lập vào cuối năm 2018, khi anh Hoàng Quý Bình còn là sinh viên năm cuối ngành cơ điện tử Đại học Bách Khoa Hà Nội.

“Sau mỗi môn học, mình nhận thấy rác thải trong các thiết bị điện tử chứa khá nhiều axit và kim loại nặng. Nếu cứ thải ra bãi rác sẽ gây ô nhiễm nặng nề. Không những vậy các loại rác này cùng rác thải sinh hoạt khiến nhiều công nhân vệ sinh môi trường mất thời gian xử lý, có những hôm dù đã đêm muộn nhưng mình vẫn thấy các cô, các chú cặm cụi ở bãi rác.

Từ đó, mình đã tìm hiểu các nhà máy tái chế và biết được rằng không chỉ rác điện tử mà nhiều loại rác khác, từ vỏ hộp sữa đến vỏ chai đều có thể tái chế được để trở thành tài nguyên. Đó là động lực ban đầu giúp mình thành lập Green Life”, anh Hoàng Quý Bình chia sẻ.

Anh Hoàng Quý Bình, người sáng lập Green Life là cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội.

Mặc dù những ngày đầu thành lập còn nhiều khó khăn, nhưng sự kiện “Cũ người mới ta” đầu tiên của Green Life tại Phố sách Hà Nội đã thu hút gần 2.000 người tham gia, vượt xa dự kiến. Điều này vừa là động lực nhưng cũng đặt ra thách thức về nhân lực và tài chính cho anh Quý Bình.

Một sự kiện được Green Life tổ chức tại Phố sách Hà Nội.

"Nhiều người dân tham gia nên chúng mình phải sắp xếp một lượng lớn nhân sự, các thành viên hay cộng tác viên để có thể hỗ trợ sự kiện. Thế nhưng lúc đó mình còn chưa có nhiều kinh nghiệm về quản trị hay lên kế hoạch nên khá khó khăn. Đến hiện tại Green Life đã có những cách hiệu quả để tạo ra nguồn kinh phí duy trì hoạt động”, anh Bình cho biết.

Lan tỏa thông điệp sống xanh nhờ sức mạnh cộng đồng

Với hai hoạt động chính là truyền thông và các hoạt động trực tiếp với cộng đồng, Green Life đã từng bước lan tỏa thông điệp sống xanh

Các thành viên của Green Life chủ yếu là sinh viên, những bạn trẻ nhiệt huyết, vui vẻ với hoạt động bảo vệ môi trường.

Đặc biệt hơn, sứ mệnh này được thực hiện bởi hơn 30 thành viên và hơn 1000 cộng tác viên, tình nguyện viên là sinh viên tại các trường đại học như: Đại học Bách Khoa, Đại học Ngoại Thương, Đại học Kinh tế Quốc dân…

Nguyễn Hương Thảo, sinh viên năm 3 Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, thành viên Green Life chia sẻ: “Mình tham gia vào đợt tháng 7 năm 2024. Ngoài việc thỏa sở thích tình nguyện, mình học được thêm cách phân loại rác, kiến thức về các loại rác, cây xanh, và lớn hơn là tình yêu với môi trường”.

Các bạn nhỏ hào hứng không kém người lớn khi được đổi rác lấy cây.

Chỉ từ 3kg rác, mỗi người dân đến với Green Life đã có thể mang về một cây xanh như sen đá hay xương rồng. Các bạn nhân sự, cộng tác viên và tình nguyện viên tại Green Life sẽ chịu trách nhiệm hướng dẫn người dân phân loại bước đầu. Sau đó tuỳ từng loại rác mà sẽ được tái chế theo cách khác nhau.

“Mỗi cuối tuần, chúng mình đều có một sự kiện về môi trường và đăng tải lịch lên ảnh bìa vào đầu tháng. Từ đó, người dân theo dõi Green Life có thể chủ động biết được lịch trình tổ chức và có thói quen tham gia hoạt động môi trường vào cuối tuần. Tại sự kiện các sản phẩm tái chế, lành tính, cây xanh lọc không khí cũng được bày bán để tạo ngân sách hoạt động”, anh Quý Bình chia sẻ.

Với từng loại rác và từng địa điểm tổ chức khác nhau, Green Life sẽ có cách xử lý tái chế khác nhau. Ví dụ với vỏ hộp sữa, Green Life gửi cho La Gom - một tổ chức khác - để tái chế thành móc áo hay chậu trồng cây. Rác khó tái chế như nilon bao bì được gửi cho Urenco 11 để tái chế thành gạch sinh thái hay với giấy, vỏ lon, chai nhựa sẽ gửi đến các nhà máy tái chế ở Hưng Yên.

Đối tượng chính của Green Life là học sinh, sinh viên và các gia đình trẻ. Theo anh Quý Bình, các bạn trẻ có sự năng động, quan tâm đến vấn đề xã hội và môi trường. Còn các gia đình trẻ, bố mẹ rất mong muốn giáo dục con em về việc sống có trách nhiệm, có những hành động thiết thực bảo vệ môi trường, không chỉ qua sách vở.

“Mình dẫn các con tham gia sự kiện của Green Life để con hiểu hơn về tài nguyên, yêu cây xanh, yêu môi trường sống. Sống xanh, yêu môi trường không có nghĩa là mình phải hô hào làm những thứ lớn lao, nhưng mình có thể bắt đầu từ những hành động nhỏ như phân loại rác như thế này”, chị Nguyễn Thành Huyền (22 tuổi, Cầu Giấy), một người tham gia “Đổi rác lấy cây” vui vẻ nói.

Sau 6 năm kiên trì theo đuổi sứ mệnh, fanpage Green Life đã có gần 200.000 người theo dõi, đạt hơn 3 triệu lượt tiếp cận mỗi tháng. Qua 450 sự kiện với sự tham gia của trên 1 triệu người, tổ chức này đã thu gom hơn 600 tấn rác thải. Trong đó, 54% là nhựa (chai lọ, bao bì thực phẩm), 27% là giấy (giấy, bìa, vỏ hộp sữa), và 19% là kim loại, thiết bị điện tử, cùng quần áo cũ.

Green Life không chỉ hoạt động ở Hà Nội mà còn mở rộng đến TP Hồ Chí Minh dưới tên gọi “Nhà nhiều lá”, đã hoạt động được gần 4 năm với quy mô tương đương trụ sở chính tại Hà Nội.

“Trong tương lai, Green Life sắp đăng ký tư cách pháp nhân để hoạt động bền vững hơn và làm việc với các doanh nghiệp hay trường học để tiếp xúc nhiều hơn với người dân. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ triển khai dự án mới có tên là “Đưa cây về phố” để tập trung vào mảng xanh, thúc đẩy người dân trồng thêm cây xanh ở ban công để thanh lọc không khí, tạo môi trường lành mạnh và làm người bạn đồng hành chữa lành tinh thần cho người dân thành phố”, anh Quý Bình chia sẻ về kế hoạch của Green Life.

Với mục tiêu trong 5 năm đầu thu hút 2 triệu người dân Hà Nội tham gia các hoạt động môi trường, và trong 5 năm tiếp theo trở thành tổ chức dân sự tiên phong đồng hành cùng Luật bảo vệ môi trường 2020, Green Life đang từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng một quê hương xanh, sạch và bền vững hơn.

Doanh nghiệp du lịch Hà Nội nói không với rác thải nhựa

Doanh nghiệp du lịch Hà Nội nói không với rác thải nhựa

Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ