Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhóm “Big 4” ngân hàng ráo riết tăng vốn

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến cuối tháng 8, vốn điều lệ của các ngân hàng Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank chiếm 23,1% toàn hệ thống, tăng 6,3% so với cuối năm 2016.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) lại chiếm 46,1% và tăng đến 44,4% trong cùng thời gian. Điều này cho thấy trong nhiều năm qua, nhóm “Big 4” đã rất chậm chân so với thị trường, đặt ra áp lực không nhỏ. 
Mở cửa tăng vốn

Chính phủ mới ban hành Nghị định 121/2020/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn Nhà nước vào DN và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN. Theo đó, bổ sung các NHTMCP do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ vào danh mục DN được tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp của Nhà nước tại các DN này. Điều này đồng nghĩa với việc nhóm Big 4 gồm: VietinBank, Vietcombank, BIDV và Agribank đã có cửa tăng vốn điều lệ từ nguồn ngân sách Nhà nước.
 Khách hàng giao dịch tại Vietinbank, chi nhánh Chương Dương.  Ảnh: Thanh Hải
Tăng vốn cho các NHTM vốn Nhà nước là nhiệm vụ quan trọng của ngành để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) và tạo tiền đề tăng trưởng các năm sau. “Trong nhiều năm qua, Agribank chưa được Nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ, tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản, khiến tỉ lệ an toàn vốn của Ngân hàng bị suy giảm” - đại diện Agribank từng chia sẻ. Mức vốn tự có thiếu hụt trong giai đoạn 2019 - 2021 để đáp ứng chuẩn mực theo Basel II là rất lớn. Tỷ lệ an toàn vốn của Agribank theo Thông tư 22/2019 của NHNN chỉ đạt 9,2%, đã sát ngưỡng tối thiểu quy định (9%). Theo báo cáo của Agribank, trường hợp không được cấp đủ 3.500 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ trong năm 2020, tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ có thể đạt mức 4,5 - 5%.

Trước khi Nghị định được ban hành, các NHTMCP có vốn Nhà nước đều đã tìm cách lên phương án tăng vốn, đảm bảo vai trò cung ứng tín dụng cho nền kinh tế. Trong đó, BIDV đã bán 15% vốn cho Keb Hana Bank từ cuối 2019 để tăng vốn. Riêng Agribank là ngân hàng 100% sở hữu của Nhà nước, chỉ có thể tăng vốn từ nguồn ngân sách, do đó họ dự kiến được bổ sung không quá 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ trong năm nay. Với VietinBank, vốn điều lệ của ngân hàng này đã không thể tăng kể từ năm 2014 đến nay. Vì thế, ngay khi Nghị định 121 được ban hành, VietinBank cho biết đang khẩn trương thực hiện các thủ tục tăng vốn điều lệ trong thời gian sớm nhất. Việc tăng vốn điều lệ là điều kiện đủ để ngân hàng đảm bảo yêu cầu tỷ lệ CAR tối thiểu theo chuẩn mực Basel II.

Tính đến cuối tháng 9/2020, tổng tài sản Vietcombank đạt hơn 1,18 triệu tỷ đồng, giảm 2,8%. Hoạt động kinh doanh trong quý III chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19. So với cùng kỳ năm 2019, thu nhập lãi thuần và lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cùng giảm 2%, lần lượt đạt 8.723 tỷ đồng và 1.257 tỷ đồng. Đáng chú ý, quy mô nợ xấu của ngân hàng này đến quý III đã tăng 15% so với thời điểm đầu năm, lên gần 7.900 tỷ đồng. Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, lợi nhuận sụt giảm trong bối cảnh rủi ro nợ xấu gia tăng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến an toàn vốn của ngân hàng. Nếu không sớm được cấp vốn, 4 ngân hàng này sẽ khó làm tốt nhiệm vụ “bệ đỡ” cho nền kinh tế. Do đó, Nghị định 121 là cơ sở pháp lý cho phép các NHTM được tăng vốn điều lệ bằng nguồn vốn Nhà nước.

Đảm bảo tỷ lệ an toàn, hỗ trợ nền kinh tế

Theo kế hoạch, trong năm 2020, các NHTMCP có vốn Nhà nước phải giảm khoảng 40% lợi nhuận để hỗ trợ giảm lãi suất. Thực tế từ đầu năm đến nay, các ngân hàng này đã nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay và đưa ra nhiều gói vay ưu đãi phù hợp với “sức khỏe” của DN trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Các ngân hàng như Vietcombank, BIDV… đã công bố báo cáo tài chính quý III cho thấy, dưới tác động của đại dịch đều có xu hướng giảm lợi nhuận, nợ xấu lại tăng lên.

Trong 4 NHTMCP có vốn Nhà nước, BIDV là ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống với 40.220 tỷ đồng, tiếp đến VietinBank (37.234 tỷ đồng), Vietcombank (37.088 tỷ đồng), Agribank (30.641 tỷ đồng). 4 ngân hàng này đã chiếm tới 50% thị phần tín dụng, nên nếu các ngân hàng này dồi dào vốn sẽ có cơ hội giảm tiếp lãi suất, từ đó góp phần thúc đẩy dòng vốn mạnh hơn, tăng trưởng tín dụng tốt hơn. Hiện cả 3 ngân hàng Vietcombank, VietinBank và BIDV đều đề xuất chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Báo cáo cập nhật mới đây của SSI cho biết, thách thức về vốn vẫn còn tồn tại trong ngành ngân hàng. Theo đó, các khoản nợ xấu mới từ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ đặt ra nhiều thách thức hơn nữa về vốn cho các ngân hàng. “Với mỗi 1% nợ xấu tăng thêm, CAR sẽ giảm từ 40-80 điểm cơ bản. Do đó, đối với các ngân hàng có hệ số CAR trên 11%, áp lực về vốn sẽ không quá lớn trong năm 2021 nếu nợ xấu tăng 1 - 2%. Tuy nhiên, đối với BIDV, Vietinbank và Vietcombank, nhu cầu tăng vốn trong năm 2021 là khá rõ ràng” - báo cáo SSI nhận định.

"Việc tăng vốn cho các ngân hàng quốc doanh càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết khi các ngân hàng này đang căng sức hỗ trợ DN, hỗ trợ kinh tế vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. " - TS Cấn Văn Lực