Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tái chế rác thải: Bao giờ hết manh mún? Bài cuối:

Nhóm giải pháp nâng cấp quy mô khai thác rác tái chế

Vũ Khoa (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuất phát từ những thế mạnh của một mô hình tương lai, trong những năm qua, TP Hà Nội đã đầu tư không nhỏ về cả nhân lực và vật lực nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn.

>>> Bài 1: Mất cân bằng giữa kinh tế và bảo vệ môi trường

>>> Bài 2: Hệ lụy từ những dự án, mô hình thất bại

>>> Bài 3: Rơi rớt tài nguyên, môi trường bị xâm hại

Những nỗ lực chung của cả hệ thống chính quyền, Nhân dân và DN trên địa bàn TP đã mang lại thành quả không hề nhỏ, nhưng với xu hướng phát triển ngày càng cao của xã hội, dẫn đến các mô hình tái chế cũng cần được đẩy mạnh để đến gần hơn với đời sống, giảm dần tính manh mún, nhỏ lẻ để đi đến hoàn thiện công nghiệp hóa.

Nhóm giải pháp nâng cấp quy mô khai thác rác tái chế - Ảnh 1

GS.TS Hoàng Xuân Cơ (nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường): Rõ vai trò, trách nhiệm

Chúng ta đều hiểu phân loại rác tại nguồn chính là tiền thân của mô hình 3R, nhưng việc phân loại là dễ hay khó? Xét trên khía cạnh lý thuyết là không khó, tuy nhiên đi vào thực tế, rất nhiều mô hình đã thất bại. Tại sao tình trạng này lại diễn ra? Chính là do chúng ta chưa chỉ rõ ra được ai là người phải chịu trách nhiệm với từng trường hợp cụ thể.

Ví dụ như vấn đề ô nhiễm, hoạt động bát nháo ở các “làng nghề tái chế” thực chất chỉ mang lại lợi ích cho một nhóm chủ DN, còn hậu quả lại do người dân gánh chịu, trong khi chính quyền các địa phương tỏ ra bối rối.

Vẫn biết đây không phải là bài toán dễ bởi các yếu tố còn liên quan đến sinh kế của người dân nên việc cấm đoán, xử phạt không phải là phương án tối ưu. Chúng ta cần tìm được phương án tổng hòa, giảm thiểu tối đa tất cả các tác động.

Thu gom rác thải tái chế trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Thu gom rác thải tái chế trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Muốn làm được điều đó, Nhà nước phải giữ vai trò dẫn dắt, đưa vào thực tế những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, hướng dẫn người dân thực hiện các nguyên tắc, yêu cầu DN thực hiện đúng và đầy đủ quy định. Tôi đề nghị làm rõ những điểm này, đồng thời thực hiện minh bạch, không để xảy ra tiêu cực trong tất cả các hình thức xử lý.

Nhóm giải pháp nâng cấp quy mô khai thác rác tái chế - Ảnh 2

Bà Lưu Thị Thanh Chi (Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường -
Sở TN&MT Hà Nội): Hà Nội đang thí điểm thận trọng

Sở TN&MT Hà Nội đã triển khai mô hình phân loại rác từ hộ gia đình tại huyện Đông Anh, sau một năm thực hiện đã nhận về những tín hiệu rất tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, giảm 50 – 70% khối lượng rác thải phát sinh từ hộ gia đình. Từ đó, những điểm tích cực cũng như chưa hoàn chỉnh sẽ được rút kinh nghiệm để đưa vào “Đề án Phân loại rác tại nguồn” và trình UBND TP.

Bước đầu, mô hình nhận được sự hưởng ứng của nhiều địa phương, có những huyện đã trình kế hoạch, thể hiện quyết tâm không nhỏ. Tuy nhiên, do đặc thù khác nhau ở từng địa bàn, việc áp dụng triển khai mô hình phân loại rác trên diện rộng toàn TP vẫn cần nghiên cứu, bổ sung giải pháp và không thể nóng vội.

Trước mắt, chúng tôi sẽ phối hợp và sẽ hỗ trợ cả về chuyên gia, công nghệ kỹ thuật để đạt hiệu quả ngay khi triển khai. Nếu áp dụng thành công ở các quận nội thành, dù các hộ gia đình không sử dụng phân vi sinh nông nghiệp, nhưng câu chuyện thiếu nguyên liệu dẫn đến phải tạm dừng hoạt động đã từng diễn ra ở các nhà máy xử lý rác hữu cơ như Kiêu Kỵ, Cầu Diễn sẽ được giải quyết.

Các bước phân loại, thu gom và tái chế bắt buộc phải được kết nối lại với nhau, qua quá trình nghiên cứu, đúc rút và xây dựng bức tranh tổng thể, chúng tôi sẽ trình TP các phương án cụ thể để kịp thời triển khai Luật BVMT 2020.

Nhóm giải pháp nâng cấp quy mô khai thác rác tái chế - Ảnh 3

TS Nguyễn Phương Đông (Giảng viên Khoa Môi trường, Đại học Mỏ - Địa chất): Cần sòng phẳng với môi trường

“Làng tái chế” vốn là vấn đề nan giải, công tác quản lý liên quan đến nhiều ngành như môi trường, công thương, địa phương.. Trước đây, Hà Nội đã triển khai nhiều bước di dời các cơ sở vào cụm công nghiệp nhưng gặp rất nhiều khó khăn vì các hộ thường xuyên trốn tránh.

Trong khi đó, vấn nạn phế phẩm không được thu gom xử lý đúng cách, bị vứt bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường sống và hệ sinh thái khu vực ngày càng trầm trọng. Bởi vậy, đã đến lúc chúng ta phải sòng phẳng với môi trường trước khi quá muộn.

Chúng ta không thể đưa ra lý do lo ngại người lao động ở các “làng tái chế” mất việc để bao biện khi thực chất, chỉ có các chủ xưởng mới là nhóm được hưởng lợi nhiều nhất.

Người lao động thủ công chỉ nhận được thu nhập thiếu ổn định, các chế độ phúc lợi xã hội, bảo hộ sức khỏe lao động lúc ốm đau, làm việc trong môi trường độc hại... gần như không có. Chính vì vậy, Nhà nước phải yêu cầu DN nâng cấp quy mô, quy trình, áp dụng công nghệ và phải được xem là trách nhiệm bắt buộc.

Nếu 1 cơ sở không đủ năng lực, tài chính thì 2 – 3 hay 10 cơ sở phải cùng nhau đóng góp, hợp nhất để thành lập ra một DN đủ khả năng đáp ứng các quy định. Qua đó tạo ra cơ chế đào thải đối với những cá nhân, tổ chức không đáp ứng mục tiêu chung, quyết “không đổi môi trường lấy kinh tế”. Chính quyền địa phương phải kiên quyết xử lý đối với những trường hợp vi phạm, tránh nể nang, o bế.

Nhóm giải pháp nâng cấp quy mô khai thác rác tái chế - Ảnh 4

TS Bùi Đức Hiển (Phòng Luật Tài nguyên và Môi trường, Viện Nhà nước và Pháp luật): Nhân dân cùng tham gia thực hiện và giám sát

Tại Hà Nội, những khoản chi phí đắt đỏ cho mặt bằng, thuế, phí... là lý do chủ yếu khiến nhiều người né tránh đưa cơ sở thu gom, tái chế của mình vào cụm công nghiệp, làng nghề. Chính vì những yêu cầu thực tế rất riêng của “tín dụng xanh”, “trái phiếu xanh” tương lai, người dân cần hơn nữa động lực để tham gia vào sơ đồ phát triển chung.

Trong đó, Nhà nước cần đẩy mạnh hỗ trợ về đất đai, vốn đầu tư, thuế, phí và lệ phí, các cơ chế về trợ giá sản phẩm, nguyên liệu. Những vấn đề này được quy định khá rõ ràng tại Luật Bảo vệ Môi trường 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022, tuy nhiên việc áp dụng vẫn còn bối rối, hoặc cố ý triển khai chậm để làm "luật" diễn ra ở không ít địa phương có “làng tái chế”.

Tôi cho rằng, trong thời gian tới chúng ta cần nhấn mạnh đến vai trò của của Nhân dân (lực lượng đặc biệt quan trọng quyết định thành bại phát triển kinh tế tuần hoàn) ở vị trí giám sát, soi chiếu các DN, cơ quan Nhà nước liên quan trong thực thi, chống tham nhũng, lợi ích nhóm, bảo vệ môi trường đối với các mô hình, dự án liên quan đến kinh tế tuần hoàn.

Từ đó, đảm bảo tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình cụ thể đối với DN, cơ quan quản lý Nhà nước nếu để xảy ra vi phạm, thực hiện thiếu hiệu quả gây ô nhiễm, ảnh hưởng môi trường đối với những cơ sở, dự án tái chế rác thải.