Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhóm vận động hủy bỏ vũ khí hạt nhân thắng Nobel Hòa bình

Lan Hương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiến dịch quốc tế hủy bỏ vũ khí hạt nhân (ICAN) đã giành giải Nobel Hòa bình trong bối cảnh nguy cơ xung đột hạt nhân đang lớn dần lên.

ICAN tự mô tả như một liên minh các nhóm phi chính phủ của hơn 100 quốc gia. Nhóm này được khởi xướng ở Australia và chính thức ra đời tại Vienna, Áo năm 2007.
 Nhóm ICAN ăn mừng chiến thắng giành giải Nobel Hòa bình.
“Chúng ta đang sống trong một thế giới mà nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân đang ngày càng lớn dần theo thời gian”, Berit Reiss-Andersen, Lãnh đạo Hội đồng Nobel cho hay.
Hồi tháng 7, 122 quốc gia đã nhất trí với Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên Hợp quốc (LHQ) nhưng các quốc gia hạt nhân bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh và Pháp vẫn đứng ngoài các cuộc đàm phán.
Giải Nobel Hòa bình nhằm thúc đẩy việc giải trừ vũ khí hạt nhân trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng quanh chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên đang leo thang, cũng như việc Thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết hồi năm 2015 có nguy cơ đứng bên bờ vực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi thoả thuận của Iran là "thỏa thuận tồi tệ nhất từng được đàm phán" và một quan chức chính quyền cấp cao hôm 5/10 cho biết, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ sửa đổi các điều ước.
Giải Nobel Hòa bình trị giá 1,1 triệu USD sẽ được trao tại thủ đô Oslo, Na Uy, vào ngày 10/12 tới. Cho tới nay đã có 97 giải Nobel Hòa bình được trao (từ 1901-2016), trong đó có 16 phụ nữ.