Nhóm vitamin cần thiết cho sức khỏe đôi mắt

ThS.BS Nguyễn Thị Tuyết Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Một quả táo mỗi ngày giúp chúng ta không phải gặp bác sĩ” là một câu tục ngữ phổ biến ủng hộ việc ăn táo và nói rộng ra là những thực phẩm tốt cho sức khỏe.

Tương tự, dinh dưỡng đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người, trong đó có sức khỏe đôi mắt.

Các loại bệnh về mắt phổ biến

Đục thủy tinh thể: tình trạng thủy tinh thể mắt bị mờ và ngăn không cho ánh sáng đi vào một cách rõ ràng. Đục thủy tinh thể là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực trên toàn thế giới. Đục thủy tinh thể còn có tên gọi khác của bệnh cườm khô, cườm đá, cườm hạt ở mắt. Nói gọn hơn, đục thủy tinh thể bệnh lý là tình trạng thể thủy tinh - ống kính trong suốt của mắt bị mờ, giống như một tấm kính bám đầy bụi hoặc phủ sương mù.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Bệnh xuất hiện phổ biến ở những người trung niên và cao tuổi, thường là sau tuổi 40. Bệnh tiến triển dần theo thời gian, từ khi phát hiện ra dấu hiệu đầu tiên cho đến khi mất thị lực hoàn toàn thì có thể mất tới vài năm. Do vậy, dù đục thủy tinh thể bệnh lý nguy hiểm nhưng mọi người vẫn có cơ hội để đảo ngược tình thế, ngăn chặn bệnh ngay từ giai đoạn đầu để bảo tồn thị lực cho mình.

Thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác (AMD): điểm vàng là trung tâm của võng mạc và chịu trách nhiệm cung cấp tầm nhìn rõ các vật thể chi tiết. AMD do tuổi tác là nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực ở người lớn tuổi ở các nước phát triển và gây tổn thương trung tâm võng mạc. Đây là tình trạng lão hóa ở mắt liên quan đến tuổi, thường gặp từ độ tuổi từ 60 trở lên. Quá trình tiến triển của AMD thường rất chậm, khiến cho người bệnh khó có thể nhận ra sự thay đổi của thị lực.

Bệnh võng mạc tiểu đường: bệnh liên quan đến bệnh tiểu đường, trong đó lượng đường trong máu cao gây tổn thương thành mạch máu ở võng mạc và là nguyên nhân số 1 gây mù lòa có thể phòng ngừa được trên thế giới. Các biểu hiện gồm vi phình mạch, xuất huyết trong võng mạc, xuất tiết cứng, phù hoàng điểm, thiếu máu hoàng điểm, tân mạch, xuất huyết dịch kính và bong võng mạc co kéo.

Bệnh có thể không biểu hiện triệu chứng cho tới giai đoạn cuối. Điều trị bao gồm kiểm soát đường huyết và huyết áp (HA). Các phương pháp điều trị tại mắt bao gồm laze quang đông võng mạc, tiêm nội nhãn các thuốc ức chế yếu tố tăng trưởng nội mạc mạch máu (ví dụ, aflibercept, ranibizumab, bevacizumab), corticosteroid tiêm nội nhãn, phẫu thuật cắt dịch kính, hoặc kết hợp.

Bệnh tăng nhãn áp: đây là một nhóm các tình trạng gây tổn thương dây thần kinh thị giác, thường là do sự tích tụ áp lực trong mắt. Căn bệnh này còn có tên dân gian là bệnh thiên đầu thống. Bệnh xảy ra khi áp lực của thủy dịch bên trong nhãn cao tăng cao hơn bình thường, tạo nên một áp lực nặng lên mắt. Tăng nhãn áp hiện nay không phải là một loại bệnh hiểm nghèo nhưng nếu bệnh nhân không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến bị tổn thương dây thần kinh thị giác xung quanh mắt và dẫn tới khả năng bị mù.

Bệnh khô mắt: bệnh diễn ra do không đủ nước mắt trên bề mặt mắt, gây khó chịu và giảm thị lực. Khô mắt xảy ra do một khâu nào đó trong quá trình sản xuất và bài tiết nước mắt bị rối loạn, hoặc do tiếp xúc với môi trường có nhiều khói bụi, nóng ẩm.

Nhiệm vụ của nước mắt là giữ ẩm, bôi trơn, rửa sạch bụi, ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn vào bên trong mắt. Khi bị mắt khô sẽ làm giảm nguồn cung cấp chất dinh dưỡng cho giác mạc, lâu dần gây bệnh giác mạc, nhìn mờ nhòe. Nguy cơ bị mất thị lực vĩnh viễn do khô mắt là rất thấp, nhưng lâu ngày sẽ để lại sẹo giác mạc, gây ra một số bệnh về mắt, làm giảm thị lực và gây khó khăn hơn khi thực hiện một số công việc chẳng hạn như đọc sách, sử dụng máy tính…

Nhóm vitamin cần thiết để giữ cho đôi mắt khỏe mạnh

Vitamin được sản xuất từ thực vật và động vật và được coi là “thiết yếu” vì chúng chủ yếu đến từ thực phẩm. Có hai loại vitamin, vitamin tan trong chất béo (vitamin A, D, E, K), được lưu trữ trong chất béo và vitamin tan trong nước (vitamin B và C), được hấp thụ hoặc bài tiết qua nước tiểu.

Di truyền, môi trường, dinh dưỡng và các yếu tố bổ sung ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của mắt bên cạnh sức khỏe tổng thể của cơ thể. Vitamin cần thiết cho cơ thể để thực hiện các chức năng bình thường của bạn và phải đến từ thực phẩm bạn ăn.

Lutein và Zeaxanthin: các sắc tố caroten mang lại màu vàng và cam trong nhiều loại thực phẩm và được tìm thấy với số lượng lớn trong các loại thực phẩm như rau bina, cải xoăn, lòng đỏ trứng, rau mùi tây và bông cải xanh. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra lợi ích của lutein và zeaxanthin đối với sức khỏe của mắt. Những sắc tố này được tìm thấy trong điểm vàng của mắt và làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng và đục thủy tinh thể do tuổi tác.

Vitamin A: đóng một vai trò quan trọng đối với sức khỏe của mắt, đặc biệt là trong quá trình chuyển hóa võng mạc và bôi trơn giác mạc. Vitamin A có nhiều trong các loại rau lá xanh, rau có màu cam và vàng, các sản phẩm từ cà chua, trái cây và một số loại dầu thực vật.

Vitamin C: thực phẩm giàu vitamin C bao gồm quả mọng, trái cây họ cam quýt, bông cải xanh, ớt chuông, cải xoăn và cải Brussels. Nó là một chất chống oxy hóa đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các vitamin khác, sức khỏe miễn dịch của mắt và tính toàn vẹn của các mạch máu và mô liên kết.

Vitamin E: một chất chống oxy hóa hòa tan trong chất béo được tìm thấy trong hạnh nhân, đậu phộng (lạc) và dầu, chẳng hạn như mầm lúa mì, hạt hướng dương và đậu tương. Có nồng độ axit béo cao trong võng mạc dễ bị tổn thương bởi các gốc tự do. Vitamin E có tác dụng tấn công các gốc tự do có thể phá hủy màng tế bào.

Axit béo omega-3: giúp sản xuất nước mắt để giảm các triệu chứng khô mắt và có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh võng mạc tiểu đường. Bạn có thể tìm thấy những chất dinh dưỡng thiết yếu này trong cá và thực phẩm có nguồn gốc thực vật, như hạt chia và hạt lanh.