Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhộn nhịp chợ chim cảnh ngày cuối năm

Bài, ảnh: Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 7 giờ sáng một ngày cuối năm, chợ chim Yên Phúc (phường Phúc La, quận Hà Đông) đã có rất đông người từ khắp nơi đổ về họp chợ.

Nhiều năm qua, khu chợ trở thành điểm đến yêu thích của người buôn bán và chơi chim khắp Hà Nội, cũng như các địa phương lân cận.

 Thú chơi chim cảnh thu hút đông dảo người dân thuộc nhiều lứa tuổi, địa vị xã hội.

Sáng cuối tuần, anh Đỗ Văn Long (quê phường Mai Lĩnh, quận Hà Đông), chở theo hàng trăm chú chim họa mi, chào mào tới chợ. Đã có thâm niên trên 10 năm chăm sóc và bán chim cảnh, anh Long tư vấn nhiệt tình cho những người ghé thăm những “tổ chim” của mình, ngay cả với những người không mua. Theo anh Long, thức ăn cho chim không quá tốn kém, nhưng có khá nhiều loại chim cảnh đắt tiền. Đơn cử như chim yến loại thường có giá thấp nhất cũng 300.000 đồng/con. Loại khá (Hồng yến, Agate, Issabel) tương đối thuần chủng có giá 800.000 đồng/cặp, con đực rẻ nhất cũng 500.000 đồng/con. Trong khi đó, một số loại đặc biệt (Mosaic, Lizard, Crested, Frill) thuần chủng có giá lên tới 5 - 7 triệu đồng/cặp!
 Thú chơi chim cảnh thu hút đông dảo người dân thuộc nhiều lứa tuổi, địa vị xã hội.

Nhưng chi phí cho chơi chim cảnh không chỉ nằm ở những chú chim. Nhiều người chơi “cưng chiều” chim, sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền lớn, thậm chí là rất lớn để đầu tư những “ngôi nhà” dành cho chim. Chị Đào Thị My ở làng Vác (xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai), từ khi 7 tuổi đã làm quen với nghề làm lồng chim, đến nay đã gần 30 năm trong nghề cho biết, giá lồng chim rất… vô cùng. Lồng phổ biến có giá từ vài chục ngàn đồng cho tới vài triệu đồng. Tuy nhiên, người chơi chim muốn đầu tư “biệt thự” cho chim giá vài chục triệu đồng cũng có!

  Người chơi chim thích thú ngắm nhìn, lựa chọn những chú chim cảnh tại chợ chim Yên Phúc (Phường Phúc La, quận Hà Đông).

Tại Hà Nội, ngoài chợ chim Yên Phúc, người chơi chim cũng thường tìm đến các chợ chim cảnh tại khu vực Dốc Tam Đa và chợ Đền Lừ. Tuy nhiên, quy mô của 2 khu chợ kể trên là không lớn bằng. Nhưng ngoài các chợ chim truyền thống, người chơi chim cũng có thể giao lưu học hỏi cách thức chăm sóc, nuôi dạy chim, cũng như trao đổi, mua bán các loại chim với người chơi khắp cả nước thông qua những hình thức đa dạng khác.

 Những trường chim thu hút rất đông người ghé thăm. Trong ảnh: Một trường chim tại phường phúc La, quận Hà Đông. 

Nhiều hội, nhóm, câu lạc bộ chơi chim hoạt động online thông qua mạng xã hội, nhưng vẫn thường xuyên tổ chức offline, gặp mặt hành viên. Anh Trần Nghĩa Dũng - Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức chim cảnh miền Bắc (trực thuộc T.Ư Hội sinh vật cảnh Việt Nam) cho biết, định kỳ hàng tháng, đơn vị tổ chức các cuộc thi chim cảnh. Sân chơi quy tụ người chơi đến từ nhiều tỉnh, TP phía Bắc. Đây được xem là ngày hội đối với những người chơi chim cảnh, nơi họ có thể học hỏi được nhiều kiến thức hữu ích, hoặc đơn giản là có cơ hội được “khoe”, được thưởng thức và chiêm ngưỡng tài năng của những chú chim... 

 Người chơi chim cảnh chọn mua lồng tại chợ chim Yên Phúc (Phường Phúc La, quận Hà Đông). 
 

Rời xa cuộc sống thường nhật, mỗi người cũng có thể dễ dàng tìm đến những không gian chim cảnh được gọi là “trường chim”. Anh Trịnh Phú Hà - ông chủ trẻ của trường chim Trịnh Hà (phường Phúc La, quận Hà Đông) cho biết, trên địa bàn Hà Nội hiện có hàng chục trường chim.

 Thức ăn cho chim cảnh rất đa dạng, bao gồm cả thức ăn khô và các loại sâu bọ, giun dế…
 Thức ăn cho chim cảnh rất đa dạng, bao gồm cả thức ăn khô và các loại sâu bọ, giun dế…

Có thể kể tới một số trường chim quy tụ đông đảo người chơi nằm trên các tuyến phố Tô Ngọc Vân (quận Tây Hồ), Hoàng Ngọc Phách (quận Đống Đa), Đội Cấn (Ba Đình), Nguyễn Du (quận Hai Bà Trưng)… Nhưng trường chim không chỉ thu hút người chơi. Nhấm nháp tách cà phê nóng, ngắm nhìn những chú chim nhảy nhót vui đùa, hát ca trong những ngày mùa Đông cuối năm, nhiều người hẳn sẽ thấy lòng thêm phần nhẹ nhàng, thư thái.