Hối hả phố nghề
Dọc đường 442, đoạn qua xã Đức Giang luôn có sự tấp nập của một làng nghề mà ít nơi nào có được. Những chiếc xe container đỗ xếp hàng hối hả “ăn hàng” để kịp xuất đi các nơi. Những thợ bốc vác lực lưỡng nhấc bổng bao gạo chuyền lên xếp ngay ngắn trong thùng xe. Một vài nhóm khác lại chuyển những bao gạo nguyên liệu mới được xay xát xuống kho để đánh bóng. Các cửa hàng, cơ sở chế biến gạo nối tiếp nhau lúc nào cũng nhộn nhịp người làm và xe cộ đến chuyển hàng.
Bà Phạm Thị Nhạ, chủ cơ sở chế biến gạo Dương Nhạ, thôn Lưu Xá vui vẻ trò chuyện với chúng tôi về những buồn vui, thăng trầm của quãng thời gian hơn 20 năm làm nghề chế biến gạo. Như một nghề cha truyền con nối, vợ chồng bà Nhạ tiếp nhận nghề từ bố mẹ để lại, rồi nay lại dần chuyển giao cho cậu con trai. Bà cho biết, từ khoảng 10 năm trở lại đây, nghề chế biến gạo của làng Lưu Xá đã thay đổi khá nhiều. Hầu hết các hộ dân không còn xay lúa, xát gạo như trước, mà đầu tư máy móc đánh bóng hiện đại để làm ra sản phẩm hạt gạo thành phẩm cuối cùng. “Mỗi tháng, cơ sở nhà tôi chế biến khoảng 20 tấn gạo, thu lãi trên 10 triệu đồng” - bà Nhạ tâm sự.
Cách đó không xa, cơ sở chế biến gạo Vinh Hoa khá ồn ào với tiếng máy chà bóng gạo. 2 nữ nhân công nhanh tay đóng và cân gạo thành phẩm trắng ngần thành từng bao 50kg. Mỗi tháng, cơ sở Vinh Hoa chế biến được trên 100 tấn gạo, tiền lãi thu về từ 10.000 - 20.000 đồng/tạ tùy theo thời điểm. Ông Vinh chia sẻ, nghề chế biến gạo chỉ được “lơi tay” một, hai tháng vào mùa gặt, còn lại hoạt động nhộn nhịp quanh năm nên thu nhập của các hộ dân khá ổn định.
Trăn trở mở rộng sản xuất
Làng nghề chế biến nông sản thực phẩm Lưu Xá là một trong 9 làng nghề chế biến thực phẩm được công nhận là làng nghề truyền thống của huyện Hoài Đức. Đây là nghề mang lại thu nhập chính cho các hộ dân, đồng thời tạo việc làm cho hàng trăm lao động với tiền công khoảng 200.000 đồng/người/ngày.
Hiện nay, nguồn gạo nguyên liệu của làng nghề Lưu Xá được nhập từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình, khu vực miền Trung. Sau khi được chế biến, đánh bóng, đóng bao, gạo được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội và khắp các tỉnh, thành từ Bắc vào Nam . Mặc dù hoạt động của làng nghề, phố nghề đã mang lại nhiều đổi thay cho cuộc sống của người dân nơi đây, song hiện nay, để phát triển nghề còn gặp khá nhiều khó khăn. Đó là mặt bằng sản xuất chật hẹp, bình quân mỗi cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ đạt 90 - 100m2. Mặt khác, mặt đường 442 dù đã được cải tạo khang trang song còn chưa đáp ứng yêu cầu, dẫn tới tình trạng tắc đường thường xuyên xảy ra. Để hạn chế ùn tắc giao thông, huyện Hoài Đức đã phải quy định cấm xe container, xe tải hoạt động trên tuyến đường này từ 7 - 9 giờ sáng hàng ngày.
Hơn nữa, đa số các hộ dân chưa xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình và hoạt động một cách đơn lẻ, thiếu sự liên kết để tăng sức cạnh tranh. Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, ông Cao Văn Đoàn - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Giang cho biết, trước tình hình mặt bằng sản xuất chật hẹp và phương tiện giao thông lưu thông còn khó khăn, UBND xã đã có tờ trình đề xuất UBND huyện Hoài Đức quy hoạch khu tiểu thủ công nghiệp làng nghề và trung chuyển hàng hóa. “Hiện nay, bà con rất mong mỏi có mặt bằng để mở rộng sản xuất, do vậy đề nghị huyện sớm có hướng tháo gỡ cho địa phương” - ông Đoàn bày tỏ.