Nhộn nhịp vào mùa lễ hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong không khí tưng bừng đón chào xuân mới, Hà Nội đã nhộn nhịp bước vào mùa lễ hội Xuân Giáp Ngọ 2014 với Lễ hội gò Đống Đa, Hội chùa Hương - lễ hội dài ngày nhất trong cả nước cùng với lễ hội đền Sóc (Sóc Sơn), lễ hội Cổ Loa (Đông Anh) và lễ hội đền thờ Hai Bà Trưng (Mê Linh).

Tưng bừng khai hội gò Đống Đa

Sáng 4/2 (tức mùng 5 Tết Giáp Ngọ), trong tiết xuân ấm áp của ngày đầu năm mới, hàng ngàn người dân đã tụ hội về gò Đống Đa dâng hương và tham dự Lễ kỷ niệm 225 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Công Soái, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi đã đến dự.

Ngay từ sáng sớm, các ngả đường hướng về gò Đống Đa đã đông kín dòng người trẩy hội. Các vị chức sắc, bô lão từ Bình Định ra, từ Thái Nguyên xuống, từ Quảng Ninh về tề tựu đông đủ và tiến hành tế lễ tại chùa Bộc và chùa Đồng Quang, trước bài vị vua Quang Trung và vong linh các binh sĩ tử trận trong trận chiến Ngọc Hồi - Đống Đa năm xưa. 
Tiết mục múa rồng tại Lễ hội gò Đống Đa sáng 4/2.Ảnh: Thanh Hải
Tiết mục múa rồng tại Lễ hội gò Đống Đa sáng 4/2.Ảnh: Thanh Hải
Mở đầu cho chuỗi lễ hội lớn đầu xuân trên địa bàn Thủ đô, lễ hội kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa chứa đựng nhiều tầng ý nghĩa, gồm nhiều nghi lễ trang trọng. Đây là lễ hội lớn nhất cả nước tưởng nhớ các thủ lĩnh của phong trào Tây Sơn, đặc biệt là người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ đã lãnh đạo nghĩa quân Tây Sơn đánh tan quân Thanh xâm lược, mang lại hòa bình cho đất nước. Bởi thế, lễ hội gò Đống Đa trước hết là lễ hội tôn vinh lòng yêu nước, truyền thống đoàn kết chống giặc ngoại xâm và ý chí quật cường của dân tộc. Câu chuyện tình đậm màu huyền thoại của người anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ với công chúa Lê Ngọc Hân cũng đã được tái hiện sinh động trong chương trình nghệ thuật "Sắc thắm tình xuân" do gần 200 nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát Chèo Hà Nội biểu diễn, thể hiện khao khát cuộc sống yên bình của nhân dân ta. 

Công khai số điện thoại của Ban tổ chức lễ hội chùa Hương

Mặc dù, phải đến ngày 6 Tết mới khai hội chùa Hương nhưng từ 5 giờ sáng mùng 2 Tết, toàn bộ lực lượng của Ban tổ chức lễ hội chùa Hương đã có mặt để thực hiện nhiệm vụ. Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban tổ chức Lễ hội 2014 cho biết, năm nay, công tác quản lý, tổ chức lễ hội được tăng cường nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan lễ hội, các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng theo quy định của pháp luật; đồng thời thực hiện tốt quy chế tổ chức lễ hội của Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTT&DL nhằm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích thắng cảnh Hương Sơn. Mang chủ đề "Lễ hội Du lịch Chùa Hương - nét đẹp truyền thống văn hóa Việt", lễ dâng hương ngày khai hội được tổ chức trang trọng, đúng nghi thức tôn giáo. Khách tham quan được hướng dẫn không đặt tiền lễ, công đức lên ban thờ hoặc gài tiền vào tượng Phật, các hiện vật khác làm ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích. Những người tham gia phục vụ ở các đền, chùa, động trong khu di tích đều phải được sự cho phép của Ban tổ chức. 
Màn tái hiện chiến thắng lịch sử tại Lễ hội gò Đống Đa năm 2014.                              Ảnh: Thanh hải
Màn tái hiện chiến thắng lịch sử tại Lễ hội gò Đống Đa năm 2014. Ảnh: Thanh Hải
 
Cùng với việc bố trí cán bộ y tế, phương tiện, cơ số thuốc, Trung tâm Y tế huyện và Trạm y tế xã Hương Sơn còn tổ chức các điểm cấp cứu, điều trị trong khu vực lễ hội; thường xuyên kiểm tra việc phòng chống dịch bệnh, đảm bảo ATTP, nguồn nước, tổ chức phun thuốc diệt ruồi muỗi ở khu vực Thiên Trù, chợ và các nhà vệ sinh để đảm bảo vệ sinh môi trường khu vực lễ hội. Các lò đốt rác được đưa vào hoạt động, trên bờ và dọc suối Yến thường xuyên có người đi nhặt và vớt rác.
Nhân kỷ niệm 225 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2014), chiều 3/2 (tức mùng 4 Tết Giáp Ngọ), tỉnh Bình Định đã tổ chức lễ dâng hoa, dâng hương tại Bảo tàng Quang Trung và Đàn tế Trời đất ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Ban tổ chức còn cấm quảng cáo và tổ chức các dịch vụ ăn uống được chế biến từ động vật hoang dã trong khu vực lễ hội. 317 hộ, cá nhân kinh doanh đều cam kết không bày bán những mặt hàng cấm, hàng ăn phải có tủ kính bảo quản, thịt thú (nhím, hươu, nai, thỏ…) có ghi nguồn gốc xuất xứ, niêm yết giá bán công khai. 4.500 chủ phương tiện xuồng đò ký cam kết thực hiện giữ vệ sinh môi trường, đưa đón khách an toàn, tận tình, chu đáo, lịch sự, tuyệt đối không ép giá, vòi vĩnh thêm tiền của khách. Không chỉ công tác đảm bảo an ninh trật tự được tăng cường với 170 cán bộ, chiến sĩ công an TP, huyện, xã, mà năm nay Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương còn công khai hai số điện thoại của Trưởng ban tổ chức (0912.588.905) và Phó ban Thường trực (0913.327.430) để hỗ trợ kịp thời khi du khách cần sự giúp đỡ. Ông Nguyễn Văn Hậu khẳng định, Ban tổ chức sẽ xử lý nghiêm những trường hợp cố tình gây thương tích, ép giá, ép khách; dùng loa đài quảng cáo bán hàng, các điểm cờ bạc trá hình; những trường hợp dẫn khách trốn vé thắng cảnh, sử dụng vé thắng cảnh giả hoặc quay vòng. 

Sóc Sơn, Đông Anh, Mê Linh  sẵn sàng vào hội

Diễn ra trong 3 ngày (6, 7 và 8 tháng Giêng), nhưng hội đền Sóc (huyện Sóc Sơn) đã được chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước Tết Nguyên đán. Cùng với Gia Lâm, đây là một trong hai vùng đất của Hà Nội lưu giữ và duy trì Hội Gióng - lễ hội đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Phải nói rằng, từ khi được vinh danh, Hội Gióng ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Không chỉ chính quyền địa phương, mà người ta còn thấy rất rõ vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản thông qua việc người dân tự nguyện đóng góp công sức để tổ chức lễ hội. Năm nay cũng vậy, mỗi thôn được "giao" một việc, nơi "kiếm" trầu cau, nơi vót hoa tre, nơi chuẩn bị hành lễ rước tướng. Các xã trong vùng chia nhau dọn dẹp, làm vệ sinh khu vực di tích, và cũng chính những người dân Sóc Sơn đóng vai trò của các nghệ sỹ trong hội để tái hiện lại lịch sử. Theo Phó Giám đốc Trung tâm quản lý khu du lịch - di tích đền Sóc Phạm Văn Hiến, năm nào Sóc Sơn cũng phải lập kế hoạch chi tiết và cụ thể. Ở đó có cả sự chuẩn bị chu đáo từ mỗi làng xã, sự tận tâm của các cán bộ trung tâm quản lý di tích, tinh thần trách nhiệm ứng trực 24/24 giờ của các thành viên trong Ban tổ chức lễ hội, và đặc biệt là ý thức của người dân tham gia. Năm nay, Ban tổ chức hội đền Sóc đặc biệt quan tâm chấn chỉnh tình trạng ùn tắc cục bộ trong những ngày chính hội và "dẹp" tình trạng bán hàng rong gây sự lộn xộn, mất trật tự. 
Biểu diễn se đài tại Hội vật làng Mai Động, quận Hoàng Mai năm 2014.      Ảnh: Hoàng Yến
Biểu diễn se đài tại Hội vật làng Mai Động, quận Hoàng Mai năm 2014. Ảnh: Hoàng Yến
Với lễ hội đền Cổ Loa, huyện Đông Anh đã phân công trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, cá nhân liên quan và huy động các nguồn lực để tổ chức lễ hội. Lễ hội tái hiện lại những nghi lễ dân gian truyền thống độc đáo của nhân dân bát xã Loa Thành (Cổ Loa, Văn Thượng, Mạch Tràng, Sằn Giã, Ngoại Sát, Đài Bi, Cầu Cả, Thu Cưu) và xã Thụy Lâm. Bà Nguyễn Kim Ngân - Trưởng phòng Văn hóa Thể thao huyện Đông Anh, Phó trưởng Ban chỉ đạo lễ hội cho biết: Phần lễ có các hoạt động rước vua, chúa giả, lễ tế thánh và ướm gươm; Phần hội có tổ chức các môn vật dân tộc, bóng chuyền mở rộng tranh cúp Loa Thành, cờ tướng, bắn nỏ, ném còn, cờ người. Ngoài ra là diễn văn nghệ, tuồng cổ, các trò chơi dân gian… góp phần giúp nhân dân hưởng thụ các giá trị văn hóa của dân tộc. Việc thu hút đông đảo nhân dân trực tiếp tham gia cũng là cách lan tỏa nét văn hóa dân gian của từng địa phương, qua đó quảng bá hình ảnh văn hóa của huyện Đông Anh. 

Hôm nay cũng là ngày chính hội của lễ hội đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh) với lễ rước kiệu linh thiêng và giàu truyền thống. Mùa lễ hội 2014 này cũng được người Mê Linh hối hả chuẩn bị từ nhiều tháng trước Tết Nguyên đán để dòng người đến chảy hội không bị chen chúc, các phương tiện giao thông có chỗ "dừng chân" thuận tiện; các trò chơi dân gian (đánh du, cờ người, cờ tướng, chọi gà, đấu vật…) diễn ra trong không khí lễ hội thực sự…
10 vạn khách tham quan di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Bà Phạm Thị Thúy Hằng - Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết từ mùng Một - 5 Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đón khoảng 10 vạn khách đến du xuân, xin chữ đầu năm, chiêm bái các bậc tiên Thánh, tiên Hiền, tiên Nho.Đây cũng là biểu hiện của truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo của người dân Hà Nội và các tỉnh thành cả nước trong những ngày đầu xuân mới. (Quỳnh Hoa)