Nhu cầu cho sự phát triển đô thị tương lai

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong bối cảnh sự thiếu hụt năng lượng đang trở nên ngày càng trầm trọng trên phạm vi toàn thế giới, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là hướng đi tất yếu cho sự phát triển bền vững trong tương lai của các đô thị tại Việt Nam.

Sẽ thiếu hụt 70% năng lượng

Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có khoảng 756 đô thị các loại; con số này được dự báo sẽ tăng lên 1,5 lần trong giai đoạn 2015 - 2020. Đến năm 2025, dân cư đô thị được dự báo sẽ đạt xấp xỉ 52 triệu người, chiếm khoảng 50% tổng dân số cả nước. Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu xây dựng hạ tầng đô thị, đặc biệt là nhà ở tăng cao; kéo theo đó là nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng lớn hơn.

 
Nhu cầu cho sự phát triển đô thị tương lai - Ảnh 1
 
Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là hướng đi tất yếu cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Trong ảnh: Lắp ráp linh kiện bóng đèn Compact tại Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông.Ảnh: Hải Linh
 

GS Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, chia sẻ, việc phát triển theo hướng những "siêu đô thị" là ý tưởng chưa thực sự phù hợp trong bối cảnh nguồn lực còn nhiều hạn chế của Việt Nam hiện nay. Đô thị hóa nông thôn chưa được quan tâm đúng mức, quản lý đô thị có nhiều bất cập gây lãng phí lớn nguồn lực đất đai. Cùng với đó, ô nhiễm môi trường cũng ngày càng trầm trọng hơn,…

Với việc phát triển thiếu quy hoạch như hiện nay, tới năm 2025, Việt Nam được dự báo sẽ thiếu hụt tới 70% tổng năng lượng tiêu dùng cần thiết, kéo theo đó là nhu cầu nhập khẩu tăng cao và giá cả năng lượng sẽ biến động rất phức tạp.

Cần có chính sách khuyến khích

Theo nghiên cứu mới đây của Hội đồng Công trình xanh tại Việt Nam (VGBC), các công trình xanh có thể giảm tiêu thụ năng lượng tới 30%, giảm phát thải khí nhà kính (CO2) ở mức 35%, tiết kiệm khoảng 40% lượng nước tiêu thụ và 40 - 50% vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, hiện hầu hết các dự án xây dựng mới thực hiện tại Việt Nam vẫn chưa (hoặc không biết) kết hợp sử dụng các thiết kế và vật liệu xanh nhằm mang lại hiệu quả cao về mặt năng lượng. Bên cạnh đó, hiểu biết còn hạn chế về các giải pháp hiệu quả đối với các công trình hiện có làm trầm trọng hơn sự lãng phí trong tiêu thụ.

Ở một khía cạnh khác, TS Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP Hồ Chí Minh cho rằng, không thể phủ nhận, chi phí cho các dự án xây dựng tiết kiệm năng lượng thường cao hơn khoảng 15 - 20% so với chi phí xây dựng thông thường nhưng nếu xét về hiệu quả trong trung và dài hạn thì lợi ích từ các công trình xanh mang lại lớn hơn rất nhiều. Ông Yannick Millet, Giám đốc VGBC cho biết thêm, một trong những vấn đề khó nhất trong việc phát triển năng lượng xanh tại Việt Nam hiện nay là vốn đầu tư đổi mới công nghệ và cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư còn rất hạn chế. Cuối năm 2012, Đại sứ quán Hoa Kỳ phối hợp cùng các bộ, ban, ngành Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển Chương trình Năng lượng sạch cho Việt Nam giai đoạn 2012 - 2017. Để đề án đạt được kết quả như mong đợi, ông Yannick khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam cần cố gắng nhiều hơn trong việc nâng cao năng lực quản lý Nhà nước nhằm thi hành tốt các quy chuẩn, tiêu chuẩn; xây dựng các chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư phát triển, tiêu dùng năng lượng xanh từ khu vực tư nhân; thúc đẩy và quảng bá Hệ thống đánh giá Công trình xanh LOTUS (hiện đang được áp dụng phổ biến tại các quốc gia châu Á) cho Việt Nam,...

 

Ghi nhận tại một trong những hội chợ chuyên ngành được tổ chức hàng năm về những giải pháp tiết kiệm năng lượng ở Việt Nam hiện nay (Hội chợ ENTECH HÀ NỘI), ý kiến của hầu hết các nhà khoa học, chuyên gia chính sách cho rằng, để khuyến khích người dân cũng như các nhà đầu tư quan tâm hơn tới việc sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng trong xây dựng thì bên cạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng, các cơ quan hữu quan cần có những nghiên cứu cải tiến công nghệ mới nhằm hạ giá thành sản phẩm, đồng thời có những hỗ trợ cụ thể về mặt tài chính nhằm thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ xanh trong phát triển hạ tầng đô thị.