Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhu cầu dầu cọ tăng đặt rừng nhiệt đới trước nguy cơ sinh tồn

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Cùng với xu hướng tăng giá các mặt hàng thiết yếu, việc dầu cọ tăng giá là một trong những yếu tố thúc đẩy lạm phát trên toàn cầu.

Indonesia hiện chiếm 60% sản lượng dầu cọ trên toàn cầu.
Indonesia hiện chiếm 60% sản lượng dầu cọ trên toàn cầu.

Áp lực từ các tổ chức môi trường và doanh nghiệp đã phần nào kiềm chế tình trạng phá rừng tại những khu rừng mưa nhiệt đới nhằm sản xuất dầu cọ tại Indonesia, quốc gia hiện chiếm hơn 1/3 lượng dầu thực vật xuất khẩu toàn cầu.

Cho dù nhu cầu toàn cầu đang tăng đối với mặt hàng này đã gây sức ép không nhỏ lên các nỗ lực hiện nay, tình trạng chặt phá rừng được cho vẫn trong tầm kiểm soát.

Giá dầu cọ hiện đã tăng gấp ba trong hai năm qua và dự kiến sẽ còn duy trì ở mức cao trong thời gian tới. Cùng với xu hướng tăng giá các mặt hàng thiết yếu, việc dầu cọ tăng giá là một trong những yếu tố thúc đẩy lạm phát trên toàn cầu.

TheTreeMap, một tổ chức bảo vệ môi trường có trụ sở ở Pháp, trong nhiều năm qua đã giám sát sự phát triển của các đồi cọ thông qua dữ liệu vệ tinh. Ở thời điểm giá dầu cọ tăng vào giai đoạn 2020-2021, David Gaveu, người đứng đầu TheTreeMap, từng dự báo về nguy cơ phá rừng sẽ tăng cao. Nhưng thực tế cho thấy quá trình này không diễn ra nhanh như dự báo. “Ở thời điểm hiện tại, có vẻ như áp lực giá dầu cọ chưa tác động lớn tới tỉ lệ phá rừng”, ông Gaveau nói.

Tuy nhiên, việc hạn chế tình trạng phá rằng cũng phần nào khiến nguồn cung dầu cọ, một trong những loại dầu thực vật phổ biến nhất trên thế giới, không thể đáp ứng nhu cầu tăng cao về dầu ăn do tác động từ cuộc xung đột Nga-Ukraine. Điều này đã buộc các công ty thu mua dầu cọ lớn trên toàn cầu như Unilever hay Colgate-Palmolive phải tăng giá mua vào.

Trong trường hợp dầu cọ, việc hạn chế nguồn cung đã mang lại một yếu tố tích cực, đó là giúp bảo tồn các khu rừng mua nhiệt đới ở Đông Nam Á, vốn là môi trường sống của các loài đười ươi. Trong hơn 3 thập kỉ trở lại đây, nhiều khu rừng đã bị xoá sổ để đáp ứng nhu cầu tăng cao với dầu cọ - vốn được sử dụng trong các sản phẩm như dầu gội đầu, kem hay đồ ăn.

Nhu cầu với dầu cọ lớn đến nỗi vào thời điểm năm 2019, có tới gần 10% diện tích đất nông nghiệp tại Indonesia được sử dụng để trồng cọ. Trong 10 năm qua, việc phát triển mạnh hoạt động sản xuất dầu cọ đã giúp giá duy trì mức giá ổn định.

Tình trạng phá rừng gia tăng thường diễn ra ở thời điểm khi giá tăng cao. Năm 2012, mức giá đạt tới gần 1.000 đô la/tấn, ước tính có gần 7.000 km2 diện tích đất tại Indonesia, tương đương gấp 7 lần diện tích thành phố New York, được chuyển thành đất trồng cọ.

Năm 2018, khi mức giá thành giảm xuống còn 600 đô la, diện tích trồng cọ đã giảm xuống chỉ còn ước tính gần gấp đôi diện tích New York.

Nhưng khi giá tăng lại lên gần 1.100 đô vào 2021, quá trình mở rộng diện tích trồng cọ đã giảm xuống chỉ còn tương đương diện tích New York. Vào tháng 4, giá đã lên 1.700 đô, khi Indonesia công bố quyết định cấm xuất khẩu dầu cọ nhằm giảm sức ép tăng giá dầu ăn trong nước.

Việc hạn chế sản xuất dầu cọ tại Indonesia cũng đang diễn ra tại Malaysia và một số quốc gia sản xuất lớn trên thế giới. Tỉ lệ tăng trưởng dầu cọ ở những nước này tăng gần 18% trong giai đoạn 2015-2018, nhưng chỉ còn 4% trong thời điểm 2018-2021, theo Hội đồng Các nước Sản xuất Dầu cọ.

Điều này phản ánh quy định thắt chặt từ các chính phủ và các tổ chức môi trường, vốn đang không ngừng gây sức ép lên các doanh nghiệp nhằm hạn chế mua sản phẩm dầu cọ vốn được sản xuất trên hệ quả từ hoạt động phá rừng.

Tuy nhiên, tình hình hiện tại đã gây thách thức không nhỏ đối với những công ty tiêu dùng, vốn sử dụng lượng lớn dầu cọ trong các sản phẩm. Unilever cho biết việc hạn chế mở rộng sản xuất dầu cọ sẽ khiến giá thành tăng cao trong nhiều năm tới, qua đó đẩy chi phí lên cao.

“Sản lượng dầu cọ trên toàn cầu đã không tăng trong thời gian qua”, Graeme Pitkethly, CFO của Unilever nói vào tháng 7.

Unilever cho biết thêm đang cân nhắc các phương án thay thế dầu cọ nhằm “duy trì sự bền vững của chuỗi cung ứng”, nhưng khẳng định dầu cọ tiếp tục là ưu tiên hàng đầu.