Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhu cầu thực phẩm sạch tăng mạnh

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước các thông tin liên tiếp về thực phẩm nhiễm khuẩn, không đạt chất lượng an toàn thực phẩm, người tiêu dùng đã tự bảo vệ mình bằng cách tìm kiếm nguồn thực phẩm sạch, an toàn.

Quan trọng là chữ tín

“Hiện nay, một trong những nguyên nhân, lý do chính khiến thực phẩm sạch chưa thực sự lên ngôi là do người làm sạch chưa được trả công xứng đáng nên thiếu động lực và người tiêu dùng chưa có căn cứ, cơ sở đủ uy tín đứng ra chứng nhận thực phẩm an toàn nên chưa thể đặt trọn niềm tin. Do đó, để thực phẩm sạch thực sự có đất dụng võ, cần phải đồng bộ và đẩy mạnh khâu tuyên truyền quảng bá, phân phối bán lẻ” - đại diện cửa hàng thực phẩm sạch The Food trên phố Nguyễn Trường Tộ (Ba Đình) nhận định.
Người tiêu dùng mua thực phẩm sạch tại siêu thị Big C. 	 Ảnh:  Hải Linh
Người tiêu dùng mua thực phẩm sạch tại siêu thị Big C. Ảnh: Hải Linh
Hiểu được thị trường tồn tại khoảng trống này, thời gian qua, nhiều cửa hàng, địa điểm kinh doanh thực phẩm sạch đã ra đời trở thành cầu nối uy tín giữa người sản xuất sạch và người tiêu dùng thực sự có nhu cầu với thực phẩm an toàn có truy xuất nguồn gốc. Thậm chí, không ít DN xây dựng chuỗi liên kết hoàn chỉnh từ trang trại tới bàn ăn.

Chị Bích Huyền (phố Bà Triệu), khách hàng thân của cửa hàng thực phẩm sạch Viet Fresh (ngõ 64 Lê Trọng Tấn, Thanh Xuân) cho biết, trước những thông tin các cơ quan chức năng liên tục xử lý những tổ chức, cá nhân kinh doanh vi phạm ATTP, gần đây chị kỹ tính hơn khi chọn mua thực phẩm cho gia đình, nên thường mua ở những địa chỉ có uy tín, những người bán hàng tin cậy. “Thực phẩm sạch có đắt hơn ngoài chợ, nhưng cũng tạm yên tâm hơn. Thà ăn ít đi một chút nhưng được ăn đồ sạch còn hơn” – chị Huyền chia sẻ.

Cũng kinh doanh thực phẩm sạch, đại diện Công ty CP Phát triển Chuỗi liên kết thực phẩm sạch Việt Nam cho biết, để kinh doanh sản phẩm an toàn, các DN phải rất quan tâm đến việc truy xuất nguồn gốc, xuất xứ. Và để thực phẩm sạch thực sự có đất dụng võ, cần phải đồng bộ và đẩy mạnh khâu tuyên truyền quảng bá, phân phối bán lẻ.

Nở rộ hình thức kinh doanh online

Không chỉ ở các siêu thị, cửa hàng kinh doanh đồ sạch mà thực phẩm sạch còn được bán online rất nhộn nhịp. Trào lưu kinh doanh thực phẩm sạch online manh nha vài năm gần đây, nhưng phát triển mạnh một, hai năm gần đây. Với những dòng quảng cáo: “Thực phẩm quê chính hiệu”, “Rau sạch 100% nhà tự trồng”, “Gà quê, thịt sạch bảo đảm”... Đa phần nguồn hàng của những người kinh doanh thực phẩm sạch nhỏ lẻ qua mạng là từ người thân ở quê trồng trọt, chăn nuôi... gửi lên, người mua hàng chủ yếu cũng là các chị em văn phòng, có điều kiện lướt web, ít thời gian đi chợ. Chị Thanh Thủy, một người bán thực phẩm sạch online trên website lamchame.com cho biết, quê chị ở Phúc Yên, nên cuối tuần thường về nhà lấy thực phẩm nhà nuôi trồng được để sử dụng cho cả tuần. Thấy chị thường xuyên có đồ ăn sạch, đồng nghiệp cùng cơ quan, rồi hàng xóm láng giềng nhờ mua giúp. Lâu dần, chị trở thành đầu mối cung thực phẩm online gom được từ quê lên. So với giá trên thị trường, giá bán thực phẩm online của chị Thủy cũng không cao hơn nhiều.

Còn chị Đỗ Thị Thu Huyền, Long Biên do công việc bận rộn nên đã từ lâu tìm đến mua các loại thực phẩm trên các shop online. Theo chị, không phải lúc nào giá các mặt hàng này cũng cao hơn so với ngoài chợ, nhưng khách hàng bị hấp dẫn bởi chữ "thực phẩm sạch". "Trước tình trạng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh tràn lan trên thị trường thì các loại thịt lợn, gia cầm, rau củ quả... sạch rất hấp dẫn các bà nội trợ. Ban đầu mình mua vài món về chế biến thử thấy ngon hơn nên mua thường xuyên. Thịt lợn khi luộc lên nước rất trong, không nổi bọt như thịt mua ngoài chợ; gà khi luộc thịt dai, không bở và rất thơm ngon..." - chị Huyền cho biết. Để thu hút và giữ chân khách, cùng với nhiều chương trình khuyến mại, mỗi shop online đều không quên trích dẫn những bình luận, đánh giá của chính các thành viên trên diễn đàn về chất lượng mỗi sản phẩm.

Nhu cầu thực phẩm an toàn đang là nhu cầu có thực và rất lớn hiện nay của người tiêu dùng. Nhưng bên cạnh cơ hội cũng là sự chọn lọc khắt khe khi mà chất lượng hàng mới là yếu tố quan trọng tạo niềm tin cho khách hàng.
Các DN phân phối khi có đầu ra thì không tìm được nguồn cung cấp có uy tín, ngược lại khi không có đầu ra thì lại để nông dân tự giải quyết lượng rau quả an toàn dư thừa. Sự không gắn kết chặt chẽ giữa nhà sản xuất và phân phối chính là một phần nguyên nhân và là kẽ hở khiến cho hàng kém chất lượng vào thị trường.
Ông Trương Trung Dũng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế – xã hội Hà Nội