Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhu cầu tuyển dụng lao động cuối năm tăng cao, lương tới 20 triệu đồng

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Các DN có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng cao để chuẩn bị cho hàng hóa phục vụ cuối năm và đón năm mới 2022, tập trung ở ngành Bán buôn, bán lẻ; Sản xuất, kinh doanh; Thông tin và truyền thông; Tài chính Ngân hàng,...

Nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lớn
Giãn cách xã hội kéo dài đã làm thị trường lao động trầm lắng hơn và ảnh hưởng mạnh tới hoạt động sản xuất kinh doanh của hầu hết các ngành, lĩnh vực tại TP Hà Nội. Tuy nhiên, sau khi TP Hà Nội nới lỏng giãn cách, các DN đã triển khai thực hiện những phương án để phục hồi sản xuất. Bước vào những tháng cuối năm 2021, nhu cầu sản xuất, mua sắm hàng hóa tăng cao, nhiều DN sẽ gia tăng nhu cầu tuyển dụng lao động ở các ngành Bán buôn, bán lẻ; vận tải, kho bãi... để “vực dậy” nền kinh tế và các hoạt động lao động sản xuất. Mặt khác, ngoài tuyển dụng lao động làm việc toàn thời gian, DN cũng có nhu cầu tuyển lượng lớn lao động bán thời gian phục vụ sản xuất, kinh doanh trong dịp Tết. Một số ngành các DN vẫn tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng lớn, đó là Thông tin và truyền thông, Tài chính Ngân hàng,...
 Người lao động được cán bộ Trung tâm DVVL Hà Nội tư vấn, cung cấp thông tin về các vị trí việc làm, mức lương, chế độ đãi ngộ. Ảnh: Thủy Trúc.
Thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội – Sở LĐTB&XH Hà Nội Vũ Quang Thành cho biết: Sau khi TP Hà Nội trở về trạng thái bình thường mới, ngành Bán buôn, bán lẻ được nới lỏng khiến cho nhu cầu lao động tăng cao, tập trung ở vị trí nhân viên văn phòng, chiếm tới 56,11% và thợ các loại chiếm 17,27%. Đối với lao động ngành này, DN chủ yếu trả mức lương 10 – 15 triệu đồng cho nhân viên kinh doanh. Về trình độ chuyên môn, các DN yêu cầu người lao động (NLĐ) đã tốt nghiệp đại học chiếm nhiều nhất 63,67%; tiếp đến là chưa qua đào tạo 10,07% nhu cầu tuyển dụng. Bên cạnh đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong các tháng cuối năm, dịp lễ, Tết nên tuyển dụng trong ngành vận tải, kho bãi có xu hướng tăng; tập trung vào nghề Lái xe, Quản lý kho bãi.
Do cuộc chạy đua chuyển đổi số nên nhu cầu tuyển dụng nhân sự chất lượng cao ở nhóm ngành Tài chính Ngân hàng vẫn tăng. Điều này, không chỉ xảy ra trong các ngân hàng mà cả ở một số công ty chứng khoán ở vị trí Phát triển ứng dụng, Công nghệ, Quản trị chuyển đổi, Quản trị và phân tích dữ liệu, Marketing và Kinh doanh trên nền tảng số. Các ngân hàng có nhu cầu tuyển dụng lớn trong tháng là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng 146 chỉ tiêu, Ngân hàng TMCP Sài Gòn 173 chỉ tiêu.
Ngành Thông tin và truyền thông vẫn tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng nhân lực ở vị trí Nhân viên kinh doanh, Nhân viên phát triển kênh phân phối, Lập trình viên. Mức lương DN sẵn sàng trả cho NLĐ trong lĩnh vực này chủ yếu từ 10 – 15 triệu đồng/tháng, chiếm 46,15%. Những DN lớn có nhu cầu tuyển dụng nhiều trong tháng là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam 753 chỉ tiêu, Công ty CP FPT 124 chỉ tiêu.
Nhiều vị trí mức lương tháng 5 – 20 triệu đồng
Có thể nói, các chính sách hỗ trợ người lao động (NLĐ) và DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế sau khi TP Hà Nội nới lỏng giãn cách. Trong 10 tháng của năm 2021, toàn TP Hà Nội đã giải quyết việc làm được cho 136.616/160.000 lao động, đạt 85,3% kế hoạch được giao trong năm. Trong đó, TP đã ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội cho đối tượng nghèo, chính sách xã hội vay với tổng số tiền 1,9 nghìn tỷ đồng, giúp tạo việc làm cho 42.000 lao động. Riêng trong tháng 10/2021, Trung tâm DVVL Hà Nội đã tổ chức 20 phiên giao dịch việc làm hằng ngày, 1 phiên online 6 tỉnh, TP. Đã có 327 lượt đơn vị DN tham gia với tổng số 5.226 chỉ tiêu tuyển dụng; có 2.161 lượt NLĐ được phỏng vấn kết nối việc làm; kết quả 499 người được nhận hồ sơ, tuyển dụng.
 Doanh nghiệp đang phỏng vấn người lao động tham gia tuyển dụng online tại Sàn Giao dịch việc làm Hà Nội. Ảnh: Thủy Trúc.

Song song với tổ chức phiên, Trung tâm DVVL Hà Nội tiếp tục triển khai công tác thu thập việc làm trống, cập nhật thông tin tuyển dụng của DN và nhu cầu tìm kiếm việc làm của NLĐ vào cơ sở dữ liệu cung – cầu. Đồng thời, Trung tâm tổng hợp, phân tích dữ liệu để cung cấp thông tin thị trường lao động và tăng cường kết nối online cho DN và NLĐ qua zalo, facebook,...
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, để đảm bảo công tác phòng chống dịch vừa đảm bảo hỗ trợ NLĐ và DN thực hiện các hoạt động DVVL, Trung tâm DVVL Hà Nội thực hiện đồng thời cả giao dịch trực tiếp và trực tuyến nhằm hạn chế tiếp xúc gần, tránh tập trung đông người, đảm bảo đúng quy trình và quy định hiện hành. Trung tâm đã tiếp nhận 5.088 hồ sơ đề nghị hưởng bảo hiểm thất nghiệp, giảm 229 hồ sơ so với tháng trước. Đã có 6.934 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền hơn 174 tỷ đồng; tư vấn giới thiệu việc làm cho 5.084 người.
Phó Giám đốc Vũ Quang Thành cho biết, để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN sẽ ngày càng tăng cao trong những tháng cuối năm, tiếp nối thành công của phiên giao dịch việc làm trực tuyến ngày 28/10, Trung tâm DVVL Hà Nội tiếp tục phối hợp với trung tâm DVVL các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa tổ chức phiên trực tuyến vào ngày 25/11/2021. Phiên giao dịch việc làm online tới đây dự kiến sẽ có sự tham gia của 50 – 80 DN trên địa bàn 6 tỉnh, TP. Chỉ tính riêng tại hệ thống sàn giao dịch việc làm Hà Nội sẽ có trên 1.000 chỉ tiêu tuyển dụng với các vị trí việc làm đa dạng ngành nghề như Xây dựng, Giao thông, Quản lý sản xuất, Kỹ thuật sản xuất, Công nhân sản xuất, Lái xe... mức lương tháng dao động từ 5 – 20 triệu đồng.