Như một lời tri ân

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã lên lịch về từ sớm, nhưng khi đến thôn Nam Quất, xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên để thăm Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, chúng tôi phải loay hoay mãi mới tìm được chỗ đỗ xe.

Vì tít từ ngoài đường làng đến con ngõ dẫn vào trong đã đông kín xe và khách đến tham quan. Có người mới đến lần đầu, nhưng cũng có nhiều người trở lại “điểm hẹn” lịch sử này như chúng tôi. Người đến trầm lặng, người ra về mắt đỏ hoe. Ai cũng xúc động khi xem những hình ảnh, mô hình về các thủ đoạn tra tấn và chứng tích về tội ác của Mỹ - ngụy ở đây.

Người lưu giữ… nỗi đau

Gặp Giám đốc Lâm Văn Bảng dễ đến gần chục năm rồi, mà trông ông vẫn thế. Tóc bạc phơ, da sạm đen vì nắng sau những ngày rong ruổi "khắp Nam chí Bắc" tìm kỷ vật kháng chiến cho Bảo tàng, vẫn giữ được phong thái nhà binh, nhanh nhẹn, tinh anh và nhiệt tình. Ở vị giám đốc kiêm cả việc đón khách, pha trà tiếp khách, giới thiệu, phát tờ rơi, tài liệu, hướng dẫn chỗ đỗ xe cho khách, rõ ra người chủ nhà hiếu khách. Từ Thái Bình lên, sau khi tham quan, cựu chiến binh Nguyễn Văn Hùng xúc động chia sẻ: "Đã được nghe nhiều về tội ác chiến tranh của đế quốc Mỹ, được đọc nhiều bài báo viết về Bảo tàng, nhưng đến đây tận mắt chứng kiến nhiều loại hình tra tấn ghê rợn mới thấy khâm phục những cựu tù bất khuất như ông Bảng”. Trong những căn phòng nhỏ xinh, hiện vật được sắp xếp khoa học, gọn gàng. Ở đây, mọi người biết được thông tin về "chuồng cọp", nơi kẻ thù đã tra tấn, hòng làm lung lay ý chí chiến đấu của cán bộ cách mạng, về những thủ đoạn đê hèn, nhằm khủng bố tinh thần các đồng chí của ta như đóng đinh vào người, đục lấy xương bánh chè, nung sắt đỏ đâm xuyên bắp đùi, ném người vào chảo nước sôi, đốt người và đốt hạ bộ, đánh bằng chày vồ, roi cá đuối, lột vỉ sắt, gõ thùng, đục răng, bẻ răng, lấy móng tay, móng chân... Cảm xúc dâng trào khi khách tham quan biết về một lá cờ Đảng đã được nhiều tù chính trị nuốt vào bụng và lấy ra bằng sợi dây buộc sẵn để không rơi vào tay giặc. Đặc biệt là hình ảnh cây đinh nhỏ đựng trong một chiếc hộp bọc nỉ đỏ. Đây là chiếc đinh mà quân thù đã dùng để đóng vào đầu thiếu úy Đặng Hồng Sơn - đặc công hải quân tại nhà tù Phú Quốc. Ông Sơn đã anh dũng hy sinh khi bị chúng đóng 9 chiếc đinh vào cơ thể.
Khách tham quan tìm hiểu về các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng. 	Ảnh: Thanh Hải
Khách tham quan tìm hiểu về các hiện vật trưng bày tại Bảo tàng. Ảnh: Thanh Hải
Ngơi khách, Giám đốc Lâm Văn Bảng mới có thời gian kể lại cho chúng tôi về thời gian ông bị địch bắt tù đày ở Phú Quốc, cùng với hành trình sưu tầm hiện vật để có thể xây dựng nên bảo tàng “có một không hai” như bây giờ: Năm 1965, ông tham gia bộ đội chiến đấu trong chiến trường Tây Ninh – một điểm nóng chiến sự thời đó. Ông cùng đồng đội tham gia chiến dịch Gian-xơn Xi-ty rồi chiến dịch Mậu Thân.

Đến tháng 5/1968, trong một trận giao tranh quyết liệt giữa ta và địch, ông bị thương nặng. Đồng đội tưởng ông đã hy sinh nên kéo ông xuống hố đợi kết thúc trận chiến thì mang về mai táng. Nào ngờ trước khi rút lui, quân địch còn xả thêm một loạt đạn vào những người đã chết và phát hiện ông còn sống. Chúng bắt ông về khám chữa bệnh, sau đó đưa về nhà tù Phú Quốc. Trong gần 5 năm trời ở nhà lao, ông đã trải qua đủ các loại cực hình tàn độc của bọn Mỹ - ngụy, nhưng bằng ý chí và lòng căm thù giặc sâu sắc, quân địch đã không thể khuất phục được ông và đồng đội của mình.

Hơn 40 năm sau ngày được trao trả tự do bên bờ sông Thạch Hãn (Quảng Trị), những ký ức của ông Lâm Văn Bảng vẫn hiện về như mới ngày nào về sự dã man, tàn bạo của kẻ thù khi tra tấn những chiến sĩ cách mạng cũng như sự khốc liệt của cuộc chiến tranh. Ông Bảng nhớ lại: “Khi bị địch bắt và giam cầm, tôi được tận mắt chứng kiến rất nhiều đồng đội bị tra tấn, tù đày, có những người đã hy sinh ngay sau những màn tra tấn khủng khiếp của quân địch… Ký ức đó cứ trăn trở, ám ảnh tôi suốt cuộc đời”.

Tìm về miền nhớ

Sau ngày trở về, cho tới năm 1985, ông Bảng được giao phụ trách mảng giao thông (Công ty 208 quản lý đường bộ), khi chỉ huy sửa chữa Cầu Giẽ, đơn vị của ông phát hiện ra một quả bom tấn nằm ngay dưới chân cầu, sau khi vớt lên, rút thuốc, ông Bảng cho xây một cái bệ ngay trước cầu rồi đặt quả bom lên để trưng bày. Việc làm này đã thu hút được sự chú ý của đông đảo người dân. “Sau đó, tôi bất chợt nghĩ rằng, góc khuất của cuộc chiến tranh đó là máu, xương của người chiến sĩ, những người đồng đội của tôi. Vì vậy mà tôi quyết tâm đi tìm những kỷ vật của thời chiến để gìn giữ và thể hiện tấm lòng tri ân đồng đội, những người đã ngã xuống vì Tổ quốc” – ông Bảng tâm sự.

Còn nhớ, cuối năm 2004, phòng truyền thống chiến sĩ bị địch bắt và tù đày khai trương trong niềm hân hoan với những tấm lòng tri ân của chiến sĩ cựu tù Phú Quốc tưởng nhớ về đồng đội. Khi đó, trong căn phòng vỏn vẹn 16m2 là hàng nghìn hiện vật của những chiến sĩ cách mạng tù Phú Quốc trên mọi miền Tổ quốc đã được sưu tầm, bởi người cựu tù Phú Quốc Lâm Văn Bảng. Ông Bảng xúc động: "Ai cũng muốn đem hết sức mình để phòng truyền thống sớm trở thành một địa chỉ tham quan, tìm hiểu truyền thống, học tập cho mọi tầng lớp Nhân dân".
Hình ảnh tra tấn dã man được tái hiện tại bảo tàng.  	Ảnh:  Thanh Hải
Hình ảnh tra tấn dã man được tái hiện tại bảo tàng. Ảnh: Thanh Hải
Theo ông Bảng, khó khăn lớn nhất khi đi sưu tầm các kỷ vật là tuổi cao, sức yếu, việc đi lại không thuận lợi. Nhưng với tinh thần “4 tự” là tự nguyện, tự túc, tự quản, tự chịu trách nhiệm nên những khó khăn đó dần qua đi. Ban đầu, gia đình, làng xóm chưa hiểu hết nên không tán thành, chính vì vậy khi sưu tầm các kỷ vật về chỉ để vào phòng truyền thống diện tích vẻn vẹn 16m2 tại gia đình. Ông Bảng tâm sự: “Sau này, đi tới đâu, tôi cũng mang kỷ vật theo cho anh em xem. Từ đó cũng để giới thiệu với mọi người hiểu, góp sức cho công việc ý nghĩa ấy”.

Ước mơ lớn lao đó nay đã thành hiện thực. Phòng truyền thống chật chội, điều kiện bảo quản chưa đầy đủ, đã phát triển và được công nhận là bảo tàng với 10 phòng trưng bày cùng hàng nghìn kỷ vật, đón tiếp hàng vạn lượt khách đến thăm hàng năm, trong đó có các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và TP Hà Nội.

Tiếp thêm ngọn lửa truyền thống

Đến thăm Bảo tàng vào dịp đầu năm nay, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải nhấn mạnh: “Những chiến sĩ cách mạng năm xưa vẫn tiếp nối truyền thống, đóng góp sức mình vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc, vẫn luôn giữ gìn phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng bằng những việc làm rất nhân văn và sâu sắc. Bảo tàng chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày hoạt động với phương châm tự nguyện, tự giác. Các bác, các đồng chí đã dày công sưu tầm, bảo quản, lưu giữ nhiều kỷ vật của anh bộ đội cụ Hồ và chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày với mục đích là truyền lửa cho thế hệ mai sau, đặc biệt là thế hệ trẻ”.

Để tiếp thêm ngọn lửa truyền thống ấy, mới đây, sau khi làm việc với Ban liên lạc chiến sĩ bị địch bắt tù đày, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn kết luận: TP sẽ tiếp tục duy trì hỗ trợ hoạt động của Bảo tàng; huyện Phú Xuyên cần có các giải pháp tăng cường chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đón tiếp, hướng dẫn khách đến tham quan, đảm bảo an ninh, an toàn và trật tự. Các sở, ngành có liên quan cần phối hợp chặt chẽ với Bảo tàng chiến sĩ cách mạng Phú Xuyên để hướng dẫn, giúp đỡ Bảo tàng, bảo quản, trưng bày và giới thiệu ý nghĩa lịch sử, giá trị thời đại của các tư liệu, tài liệu, hiện vật.

Phó Bí thư Thành ủy cũng giao Sở VH&TT chủ trì làm việc với các cơ quan có liên quan, huyện Phú Xuyên, Ban liên lạc toàn quốc chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt, tù đày trao đổi thống nhất và có đề xuất chính thức về việc đề nghị di chuyển Bảo tàng chiến sĩ cách mạng Phú Xuyên về địa điểm mới; báo cáo Thường trực Thành ủy vào cuối quý II/2016 để xem xét, giải quyết theo đúng luật định, bảo đảm phát huy hiệu quả hoạt động của Bảo tàng chiến sĩ cách mạng Phú Xuyên.

Nhận được tin này, ông Bảng phấn khởi lắm, vì “cơ ngơi” như hiện nay sẽ được khang trang hơn, nhưng quan trọng hơn cả, ngọn lửa truyền thống mà ông gây dựng sẽ được tiếp lửa và thắp sáng mãi cho những thế hệ về sau.