Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhức nhối buôn lậu phế liệu vào Việt Nam

Đinh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2018, buôn lậu phế liệu vào Việt Nam diễn biến phức tạp và trở thành vấn đề nhức nhối. Tổng cục Hải quan thừa nhận, nếu làm quyết liệt hơn, số vụ án và đối tượng bị khởi tố sẽ lớn hơn. Đó là các thông tin đã được đưa ra tại Họp báo chuyên đề về công tác buôn lậu, gian lận thương mại do Tổng cục Hải quan tổ chức chiều 27/12.

 Ảnh minh họa
Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Khánh Quang cho biết, thống kê sơ bộ từ ngày 16/12/2017 đến ngày 15/12/2018, toàn ngành đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 16.633 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan (tăng 9,54%); trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.702 tỷ 417 triệu đồng (tăng hơn 115,61 %); thu ngân sách đạt gần 351 tỷ đồng (tăng 4,83 %) so với cùng kỳ năm 2017. Cơ quan hải quan cũng đã khởi tố 62 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 133 vụ. 
Theo ông Quang, năm 2018 số vụ vi phạm pháp luật hải quan tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2017, đáng chú ý là trị giá hàng hóa vi phạm tăng cao. Các vụ việc vi phạm diễn ra ở tất cả các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không, bưu điện quốc tế... Mặt hàng vi phạm đa dạng bao gồm hàng cấm, hàng xuất nhập khẩu (XNK) có điều kiện, hàng sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm, hàng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng,...

Đáng chú ý, trong năm 2018 nổi lên là hoat động buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, động vật hoang dã, hàng hóa đã qua sử dụng... đặc biệt là hoạt động nhập khẩu, vận chuyển trái phép phế liệu, gây ô nhiễm môi trường, gây ùn ứ ở các cảng biển, khiến cho các ngành, cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong công tác xử lý.

Cũng tại buổi họp báo, ông Quang cho biết, năm 2018, vấn nạn DN ma vẫn hết sức nhức nhối (DN dùng Chứng minh Nhân dân của người đã chết, người khuyết tật... để đăng ký thành lập, sau khi nhập hàng hóa trót lọt thì bỏ khỏi địa chỉ đăng ký...). Cùng với đó, tình trạng làm giả hồ sơ, nhất là hồ sơ nhập khẩu (NK) phế liệu hết sức phức tạp. Đến nay, Hải quan đã khởi tố gần 10 vụ việc liên quan đến buôn lậu phế liệu, chuyển cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ. Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Đoàn Văn Phúc - nguyên Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Bến Tre và Trương Văn Em - Chi cục trưởng Chi cục bảo vệ môi trường Bến Tre về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Hai bị can nêu trên liên quan đến vụ nhập lậu 10.000 container phế liệu vào Việt Nam.

“Tính chung trong năm qua, hải quan đã xác lập và triệt phá thành công chuyên án VT18 đấu tranh làm rõ hành vi sử dụng giấy tờ giả để NK trái phép tổng cộng trên 22.300 tấn phế liệu, trị giá ước tính khoảng trên 50 tỷ đồng từ nước ngoài vào Việt Nam qua các cảng Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh” - ông Quang thông tin thêm.

“Việc sử dụng hồ sơ giả không dễ gì phát hiện, nhất là sự lỏng lẻo trong cấp giấy phép của ngành môi trường cho các DN. Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn, cơ quan điều tra rất khó xác minh địa chỉ của DN. Cùng với đó là sự đối phó của các đối tượng liên quan, một số cơ quan chức năng không hợp tác” - Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu Nguyễn Khánh Quang chia sẻ và khẳng định, nếu cơ quan chức năng làm quyết liệt sẽ còn khởi tố thêm nhiều đối tượng, vụ việc nữa.