Nhức nhối điểm nghẽn bán đảo hồ Linh Đàm

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bán đảo hồ Linh Đàm nằm ở vị trí án ngữ yết hầu cửa ngõ phía Nam Hà Nội, là một trong những khu đô thị đông dân cư nhất của Thủ đô.

  Tình trạng ùn tắc giao thông khu vực này đã đến mức báo động, ảnh hưởng lan ra cả những tuyến đường lân cận... Vì vậy, đòi hỏi phải có những giải pháp cấp bách, căn cơ để khai thông thế bế tắc tồn tại bấy lâu nay.
Bài 1: Những huyết mạch... “teo” dần 
 Được bao bọc bởi hồ Linh Đàm và sông Tô Lịch, lại nằm tại vị trí cận kề cửa ngõ phía Nam Thủ đô, bán đảo Linh Đàm từng được đánh giá là một trong những khu đô thị có sức hút nhất của TP. Nhưng ít năm trở lại đây, tình trạng ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên đã biến nơi này thành một “điểm nghẽn” với bao nhức nhối trên bản đồ đô thị Hà Nội.
Nút thắt phức tạp
Cửa ngõ phía Nam Hà Nội là nơi trung chuyển các dòng phương tiện cho QL5, cao tốc Pháp Vân, QL1 cũ... Từ cửa ngõ này có 3 tuyến đường chính để di chuyển vào trung tâm TP là: Tam Trinh, Giải Phóng, Vành đai 3 trên cao. Hỗ trợ cho các tuyến chính này còn có đường Nguyễn Hữu Thọ, Hoàng Liệt, Linh Đường… Hiện đường Tam Trinh vừa được khởi công xây dựng lại, dự kiến năm 2018 mới có thể thông xe. Đường Giải Phóng có lưu lượng phương tiện quá lớn, hướng vào nội thành lại xung đột trực tiếp với nhiều điểm “nóng” như: Trường Chinh, Đại Cồ Việt. Cầu cạn Vành đai 3 thì chỉ dành cho ô tô, hơn nữa còn chưa được kết nối xuống thấp tại vị trí bán đảo Linh Đàm. Trong bối cảnh đó, các tuyến Nguyễn Hữu Thọ, Hoàng Liệt, Linh Đường trở thành huyết mạch giao thông của cả bán đảo lẫn các luồng phương tiện vãng lai. Thế nhưng, những huyết mạch này chẳng những không phát huy tác dụng mà ngược lại còn tạo nên nhiều khó khăn đáng kể cho mạng lưới giao thông khu vực.
 Nút thắt trên đường Nguyễn Hữu Thọ, hướng vào bán đảo Linh Đàm đã tồn tại từ nhiều năm nay do chưa giải phóng được mặt bằng.   Ảnh: Ngọc Hải
Nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là hình thế giao cắt với đường sắt Bắc - Nam của cả 3 tuyến đường bao quanh bán đảo Linh Đàm. Dù 3 con đường nhưng từ cửa ngõ phía Nam, băng qua đường Giải Phóng lại chỉ có 2 lối vào, trong đó 2 tuyến Linh Đường và Hoàng Liệt dùng chung một ngõ. Đội trưởng Đội CSGT số 14, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, Trung tá Lê Văn Tiến cho biết: “Nếu mở rộng được đầu vào tại điểm giao cắt với đường sắt, điều hướng phương tiện đi theo đường Linh Đường và Hoàng Liệt, áp lực giao thông sẽ gần như được phân bố đều, giảm tối đa ùn tắc. Nhưng phương án này vẫn chưa được xem xét, thực hiện”. Đường Nguyễn Hữu Thọ, theo Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án khu vực 2, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) Nguyễn Đức Trung cho biết, là huyết mạch đấu nối khu nhà ở Bắc Linh Đàm với đường Giải Phóng. Nhưng tại điểm giao cắt với đường sắt, mặt đường lại bị bóp nghẹt vào như cổ chai, hình thành điểm “đen” ùn tắc nhức nhối nhiều năm nay.
Điểm nghẽn
Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận xét, bán đảo Linh Đàm vốn nằm ở một vị trí đắc địa, nhưng do quy hoạch xây dựng không đồng bộ với phát triển hạ tầng nên trở thành một điểm nghẽn tại cửa ngõ phía Nam. Hàng ngày, nhiều luồng phương tiện từ đường 70 qua đường Thanh Liệt và từ Nguyễn Xiển đổ vào Nguyễn Hữu Thọ để ra Giải Phóng. Chiều ngược lại, xe cộ từ QL1 cũ, Giải Phóng, ngã ba Nước Ngầm lại đổ vào đây để ra Thanh Xuân, Hà Đông… “Nếu không khai thông được điểm nghẽn, có các hướng lưu thông bổ trợ, nơi này sẽ không bao giờ hết ùn tắc” - ông Thắng khẳng định.
Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư, Sở GTVT Hà Nội Vương Minh Hoan cho biết, do cầu cạn Vành đai 3 không có điểm kết nối xuống thấp tại bán đảo Linh Đàm nên một lượng lớn phương tiện muốn xuống khu vực này phải đi quá lên nút Khuất Duy Tiến - Nguyễn Trãi hoặc Pháp Vân – Hoàng Mai rồi vòng lại. Áp lực giao thông theo đó bị đẩy lan ra cả vùng phụ cận bán đảo Linh Đàm.
Từ trong bán đảo, ngoài 3 tuyến đường: Linh Đường, Hoàng Liệt, Nguyễn Hữu Thọ còn có một lối đi chạy dọc bờ sông Tô Lịch là đường Bằng Liệt. Nhưng đường Bằng Liệt chỉ rộng chừng 7m, phù hợp sử dụng làm đường nội bộ chứ không đủ khả năng đáp ứng giao thông lưu lượng lớn. Hơn nữa, đường Bằng Liệt, hướng ra Nguyễn Xiển lại xung đột với các luồng phương tiện từ Thanh Liệt, Kim Giang, Nguyễn Xiển đổ về Nguyễn Hữu Thọ, hình thành một điểm ùn ứ khác trên toàn tuyến. Thiếu đường và tắc đường là thực trạng chung không chỉ của cư dân sống tại bán đảo Linh Đàm mà còn của cả những người hàng ngày buộc phải lựa chọn hướng lưu thông qua đây.
Các chuyên gia giao thông cho rằng, nếu không có biện pháp điều hướng, giải tỏa giao thông cho đường Nguyễn Hữu Thọ; phân bố đều áp lực lên Hoàng Liệt, Linh Đường; xây dựng thêm cầu vượt, đường gom kết nối với cầu cạn Vành đai 3, bán đảo Linh Đàm sẽ tiếp tục là điểm nghẽn chốt chặn yết hầu cửa ngõ phía Nam Thủ đô.
(Còn nữa)
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần