Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Nhức nhối tình trạng gây án với người thân

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuất phát từ những mâu thuẫn, thay vì tìm cách giải quyết tích cực, êm thấm, một số đối tượng lại có cách hành xử tiêu cực, thậm chí tấn công, sát hại cả người thân. Đau lòng hơn, trong nhiều vụ việc, nạn nhân và người gây án lại trong cùng trong một gia đình.

Đối tượng Quách Văn Nam và căn nhà nơi xảy ra vụ việc chồng chém vợ và con trai 2 tuổi ở phố Thụy Khuê ngày 2/5. Ảnh: Vương Trung
Hàng loạt vụ án “người một nhà”
Công an quận Tây Hồ (Hà Nội) đang tiến hành điều tra, làm rõ vụ án mạng xảy ra vào sáng 2/5 tại phường Bưởi (quận Tây Hồ). Theo thông tin ban đầu, do mâu thuẫn vợ chồng, Quách Văn Nam (SN 1989, trú tại phường Bưởi, quận Tây Hồ) đã nhẫn tâm ra tay giết hại vợ là Dương Khắc H. (SN 1999, trú tại phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy) và người con trai 2 tuổi Quách Phú T.
Một vụ án mạng tương tự xảy ra tại một gia đình thuộc xã Sào Báy (huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) rạng sáng 2/5, nghi em trai đánh chết chị gái. Thời gian xảy ra sự việc, Bùi Văn H. (SN 1990) được xác định đã dùng điếu cày và gậy gỗ đánh vào đầu chị ruột là Bùi Thị K.H. (SN 1987). Mặc dù được người dân nhanh chóng được đi cấp cứu nhưng do bị thương quá nặng, nạn nhân đã tử vong trên đường đi cấp cứu.
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip con trai là Trần Văn Tam đánh mẹ là bà H.T.X. (hơn 60 tuổi) bằng chiếc ghế dài ngay trước cửa nhà khiến người xem không khỏi bức xúc. Sự việc xảy ra vào chiều 25/4, tại xã Tân Hợp (huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái). Theo đó, bà H.T.X. đang đứng trước cửa nhà thì con trai lao ra, cầm một chiếc ghế dài đánh thẳng vào đầu bà. Cú đánh khiến nạn nhân chảy máu đầu, gục tại chỗ.

Xử lý nghiêm theo quy định pháp luật
Theo các chuyên gia tội phạm, những vụ án mạng trong gia đình thường do những mâu thuẫn âm ỉ kéo dài. Qua điều tra một số vụ án giết người gần đây cho thấy, do uống rượu bia, do mâu thuẫn âm ỉ, tích tụ kéo dài rồi có quan điểm, cử chỉ, lời nói hành động không vừa lòng nhau dẫn đến những người thân, anh em, vợ chồng trong gia đình dùng hung khí tấn công nhau.
Liên quan các vụ án này, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh cho rằng, hành vi phạm tội của các đối tượng thể hiện sự vô đạo đức, bất nhân, bất hiếu khi sử dụng vũ lực ngay với cha mẹ đẻ, vợ con, gây phẫn nộ trong dư luận cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật mới có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm bạo lực gia đình đang có xu hướng gia tăng trong xã hội.
Trên cơ sở thương tích, đối tượng gây ra vụ việc có thể phải đối mặt với tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật Hình sự, chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm đ, n khoản 1 Điều 123 Bộ luật Hình sự. Nạn nhân không tử vong do được cấp cứu kịp thời thì đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm về tội Giết người trong trường hợp phạm tội chưa đạt với khung hình phạt cao nhất đến 20 năm tù giam. Ngoài ra, tùy từng trường hợp, các đối tượng còn phải chịu thêm tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Hậu quả đau lòng sẽ không xảy ra nếu các đối tượng biết kiềm chế cảm xúc, suy nghĩ thiệt hơn trước khi hành động. Phòng ngừa tội phạm giết người từ nguyên nhân xã hội, nhất là những vụ án đánh, chém, giết người thân cần có nhiều giải pháp, trong đó quan trọng nhất chính là môi trường giáo dục, môi trường sống trong mỗi gia đình.

Luật sư Nguyễn Hồng Quang – Đoàn Luật sư Hà Nội