Không vay tiền cũng bị khủng bố
Mới đây, hồi tháng 5/2020, nhóm các cô giáo một trường THCS trên địa bàn quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, vô cùng hoang mang, lo lắng khi liên tiếp bị các đối tượng đòi nợ thuê đe dọa, đăng ảnh cá nhân trên facebook như tội phạm, bị đòi nợ do có một người bạn liên quan vay tiền qua app. Đến khi con nợ thanh toán được khoản nợ với số tiền lãi cao gấp 4 lần khoản tiền vay ban đầu, các đối tượng này mới buông tha.
Tuy nhiên, nhiều trường hợp con nợ không thanh toán được khoản vay, dẫn đến người thân, đồng nghiệp bị vạ lây, bị gọi điện khủng bố, gắn ảnh, đòi nợ trên mạng xã hội. Dây vào các đối tượng “xã hội đen” đòi nợ thuê, không phải người dân nào cũng đủ tỉnh táo để làm đơn trình báo cơ quan công an.
Mới đây, Công an TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang Viện KSND cùng cấp đề nghị truy tố băng nhóm 5 tên liên quan hành vi “khủng bố” bằng mắm tôm và sơn vào quán phở Hòa nổi tiếng ở đường Pasteur (quận 3, TP Hồ Chí Minh).
Theo kết luận điều tra, con rể chủ quán là Trần Anh Tuấn có vay tiền của các đối tượng trên rồi không trả đúng hạn. Băng nhóm trên đã kéo đến quán phở Hòa chia ra ngồi nhiều bàn trong quán. Nếu có khách đến ăn thì đuổi ngồi bàn khác, thậm chí bỏ cả gián vào tô phở của khách, tạt sơn, ném mắm tôm vào quán nhằm mục đích ép gia đình phải trả nợ thay. Công an TP Hồ Chí Minh đã thu giữ nhiều tang vật như sơn, bình xịt hơi cay, kiếm, còng số 8, áo giáp khi bắt giữ, khám xét nơi ở các đối tượng trên.
Gây bất ổn trong xã hội
Pháp luật có quy định rất rõ ràng về hoạt động kinh doanh đòi nợ. Trong đó, Luật Đầu tư năm 2016 quy định về các ngành nghề bị cấm đầu tư kinh doanh, đó là kinh doanh các chất ma túy, kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật, kinh doanh mại dâm, và một số hoạt động khác, trong đó không có hoạt động kinh doanh đòi nợ.
Tuy nhiên, đây là loại hình kinh doanh có điều kiện, được quy định tại Phụ lục 4 Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, không phải ai cũng được quyền kinh doanh.
Khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bao gồm các điều kiện về vốn, điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý và giám đốc chi nhánh của DN, điều kiện về tiêu chuẩn đối với người lao động trong hoạt động dịch vụ đòi nợ, điều kiện về an ninh trật tự, phải đăng ký xin giấy phép hoạt động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hoạt động của các công ty đòi nợ thuê chỉ được diễn ra trong khuôn phép của những quy định pháp luật; đồng thời, không được làm tổn hại và xâm phạm tới tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người vay, không được gây mất trật tự, an toàn xã hội. Tất cả các trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ sẽ bị xử lý hành chính theo quy định của Nghị định này.
Tuy nhiên, hoạt động đòi nợ trong xã hội hiện nay đang gặp phải rất nhiều tồn tại. Dịch vụ đòi nợ thuê bị biến tấu, hoạt động sai lệch với định hướng so với quy định của pháp luật, gây bất ổn trong xã hội.
Có thể truy cứu trách nhiệm hình sự
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật Kết Nối (Hà Nội) cho hay, hệ lụy từ việc đòi nợ bằng bạo lực, những hành vi vi phạm pháp luật đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình an ninh trật tự, diễn biến ngày càng phức tạp, tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm.
Các chủ nợ thường sử dụng nhiều người đến hành hung, gây áp lực, uy hiếp con nợ và người thân để buộc trả nợ; ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Đây là hành vi mà pháp luật nghiêm cấm sử dụng trong việc tiến hành dịch vụ đòi nợ thuê theo quy định tại Điều 11 Nghị định 104/2007/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Khi vượt quá phạm vi quyền hạn của mình, các tổ chức, cá nhân tiến hành dịch vụ đòi nợ thuê tùy vào mức độ vi phạm đến tính mạng, sức khỏe hay nhân phẩm của các con nợ mà bên tiến hành dịch vụ có thể bị phạt vi phạm hành chính, cao hơn là có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Pháp luật quy định như vậy, tuy nhiên hiện nay các cá nhân, tổ chức tiến hành dịch vụ đòi nợ thuê đã thực hiện dưới nhiều hình thức tinh vi, ngang nhiên dùng vũ lực, đe dọa, uy hiếp, thậm chí sẵn sàng ra tay nếu các con nợ không chịu trả hoặc không trả được nợ.
Hoạt động đòi nợ thuê đã có nhiều biến tướng nguy hiểm khi các đối tượng giang hồ “xã hội đen” đội lốt dưới danh nghĩa các công ty đòi nợ thuê để thực hiện hoạt động đòi nợ. Với bản tính côn đồ hung hãn, các đối tượng đòi nợ thuê thường có những hành vi đe dọa, uy hiếp tinh thần, thậm chí hành hung, gây thương tích cho những con nợ trong quá trình thu hồi nợ. Đây là những hành vi vi phạm pháp luật và các đối tượng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
“Dịch vụ đòi nợ thuê không thật sự cần thiết bởi việc vay mượn là hợp đồng dân sự, đã có thiết chế xử lý khi có tranh chấp như trọng tài, tòa án, hòa giải, cơ chế thi hành án. Việc thực hiện theo các quy định này đảm bảo được trật tự xã hội, an toàn và không vi phạm pháp luật” - luật sư Nguyễn Ngọc Hùng chia sẻ.
"Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực vào ngày 1/1/2021 sẽ cấm hoạt động kinh doanh đòi nợ. Theo đó, khi Luật này có hiệu lực, tất cả các hoạt động đòi nợ đều vi phạm pháp luật." - Trưởng Văn phòng Luật Kết Nối - Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng "Qua rà soát, hiện có 217 DN kinh doanh loại hình dịch vụ đòi nợ, chủ yếu ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh nhưng trên thực tế không đơn vị nào sử dụng hình thức kinh doanh này một cách lành mạnh. Nhiều DN hoạt động có sự tham gia của “xã hội đen” để đòi nợ, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự, trong khi không đóng góp nhiều cho phát triển kinh tế." - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng |