Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những ai không nên uống nước cam hàng ngày?

HP
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nước cam có chứa rất nhiều khoáng chất, flavonoid, vitamin và dinh dưỡng thực vật, tất cả đều cần thiết cho cơ thể con người. Tiêu thụ nước cam thường xuyên sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu cho sức khỏe nhưng có phải ai cũng uống được nước cam hàng ngày?

Nước cam có chứa rất nhiều khoáng chất, flavonoid, vitamin và dinh dưỡng thực vật, tất cả đều cần thiết cho cơ thể con người. Tiêu thụ nước cam thường xuyên sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu cho sức khỏe nhưng có phải ai cũng uống được nước cam hàng ngày?

Những ai không nên uống nước cam hàng ngày? - Ảnh 1

Thành phần dinh dưỡng của nước cam

Theo chuyên gia dinh dưỡng, một cốc nước cam tươi chứa 112 calo, 2g chất đạm, 0g chất béo, 26g carbohydrate, 0g chất xơ, 21g đường…

Nước cam hầu như không chứa tinh bột hoặc chất xơ. Hầu như tất cả carbohydrate của nó đều có ở dạng đường. Đường tự nhiên (fructose) mang lại cho nước cam hương vị ngọt ngào đặc trưng.

Chỉ cần một cốc nước cam, cơ thể đã được đáp ứng 100% nhu cầu vitamin C hàng ngày. Một phần nước cam cung cấp nhiều vitamin C hơn từ một bát cải xoăn, hai bát súp lơ hoặc ba quả cà chua cỡ vừa.

Nước cam cũng được coi là một trong những nguồn chất chống ôxy hóa tốt nhất, cùng với việc uống rượu vang, trà, ăn các loại quả mọng như dâu tây, mâm xôi, việt quất…

Lợi ích của nước cam

Nước cam tươi có chứa rất nhiều khoáng chất, flavonoid, vitamin và dinh dưỡng thực vật, tất cả đều cần thiết cho cơ thể con người. Tiêu thụ nước cam thường xuyên sẽ mang lại nhiều lợi ích dài lâu cho sức khỏe:

- Giảm nguy cơ đau tim: Nước cam giúp ngăn ngừa các rối loạn tim mạch. Chất hersperidin trong loại quả này chống lại tắc nghẽn động mạch, làm giảm nguy cơ đau tim.

- Ổn định huyết áp: Nước cam chứa hàm lượng magiê cao, là thức uống hoàn hảo cho những người có huyết áp thấp hoặc cao. Magiê giúp ổn định huyết áp trở lại mức bình thường.

- Giảm đau: Flavoinoids trong cam có đặc tính chống viêm, hỗ trợ điều trị viêm khớp, chữa bệnh tê cứng và đau liên quan đến tình trạng này.

- Cải thiện hệ miễn dịch: Nước ép cam và trái cây họ cam quýt chứa nhiều vitamin C, giúp tăng khả năng miễn dịch, chống lại bệnh cúm, cảm lạnh.

- Điều trị loét: Nước cam hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa viêm loét, kích thích hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả.

- Ngăn ngừa sỏi thận: Uống nước cam thường xuyên giúp ngăn ngừa sự hình thành sỏi thận. Nồng độ các chất khoáng và hóa chất thường gây ra sỏi thận, citrate trong nước cam sẽ làm giảm nồng độ axit trong nước tiểu và ngăn ngừa các rối loạn như vậy.

- Ngăn ngừa ung thư: Vitamin C và thành phần D-limonene trong cam bảo vệ cơ thể chống lại ung thư miệng, ruột kết, ung thư vú và phổi.

- Cải thiện làn da, giảm cân: Các đặc tính chống oxy hóa của cam giúp da luôn khỏe mạnh, tươi trẻ, giảm thiểu các tác động của lão hóa. Đồng thời, các chất chống oxy hóa này cũng hỗ trợ việc giảm cân hiệu quả.

- Điều trị thiếu máu: Thiếu sắt gây thiếu tế bào máu trong hemoglobin, dẫn đến bệnh thiếu máu. Hàm lượng vitamin C trong nước cam giúp hấp thụ sắt vào máu, tránh thiếu máu.

Những ai không nên uống nước cam hàng ngày? - Ảnh 2

Ai không nên uống nước cam hàng ngày?

Nước cam có nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng không phải sẽ tốt cho tất cả mọi người và uống bao nhiêu cũng được.

- Người bệnh đái tháo đường không nên uống nước cam hằng ngày: Mặc dù các chuyên gia đều khuyến khích người mắc bệnh đái tháo đường nên ăn trái cây họ cam quýt. Tuy nhiên, nước cam có chứa đường, lại thiếu chất xơ, chất cần thiết cho việc điều chỉnh lượng đường trong máu. Vì vậy, nếu uống nước cam hàng ngày có thể làm tăng đột ngột lượng đường trong máu.

Người bệnh nên ăn cả múi sẽ tốt hơn là uống nước vì như vậy sẽ tăng thêm lượng chất xơ cho cơ thể. Và do nhiều đường nên chỉ uống 1-2 cốc nước cam/tuần chứ không nên uống thường xuyên, hàng ngày.

- Người mắc bệnh gan nhiễm mỡ nên hạn chế uống nước cam: Nước cam có hàm lượng đường tự nhiên cao, vì vậy những người có yếu tố nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ nên hạn chế uống nước cam. Thay vào đó nên ăn cam, quýt nguyên múi. Vì việc tiêu thụ nhiều đường fructose làm tăng sự phát triển của tình trạng bệnh. Không sử dụng nước ép cam đóng chai sẵn vì những sản phẩm này có thể chứa nhiều đường, không cung cấp nhiều vitamin vốn có trong nước cam và ít chất xơ.

- Ngời bị trào ngược dạ dày không nên uống nước cam thường xuyên: Cam có tính axit, có thể dẫn đến kích ứng dạ dày. Nếu uống nước cam mỗi ngày, có thể bị ợ chua khó chịu, nghiêm trọng, có thể dẫn đến nôn mửa. Vì vậy, những người này nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn cam.

- Người mắc bệnh thận: Trong một quả cam (184g) có 333 mg kali, 1 ly nước cam (240 ml) có 473 mg kali. Những thực phẩm có chứa quá nhiều kali có thể gây ra tình trạng tăng kali máu. Do hàm lượng kali trong cam, có thể cần phải tránh hoặc hạn chế cam và nước cam trong chế độ ăn kiêng dành cho người bệnh thận để đảm bảo sức khỏe.

Ngoài ra, do nước cam có nhiều axit, có thể làm hỏng cấu trúc hóa học của thuốc, làm mất đi tác dụng của thuốc kháng sinh. Hơn nữa, trong nước cam có chứa chất tương tự narigin, khiến thuốc khó hấp thụ làm cho bệnh lâu khỏi. Vì vậy, nên tránh dùng nước cam khi đang uống thuốc kháng sinh.

Thời điểm tốt nhất để uống nước cam

Nên uống nước cam sau bữa ăn khoảng 1-2 giờ, lúc này dạ dày không quá no cũng không quá đói. Nếu uống lúc đói, lượng vitamin C trong nước cam có thể tương tác với acid trong dạ dày, dễ gây ra viêm loét. Uống nước cam lúc đói cũng khiến những người đang mắc bệnh dạ dày dễ bị tăng nồng độ acid, dẫn đến các triệu chứng như ợ nóng và làm cho tình trạng viêm loét trở nên trầm trọng thêm.

Ngược lại, nếu uống vào lúc no, lúc này dạ dày phải hoạt động để tiêu hóa thức ăn, uống nước cam lúc này sẽ gây khó chịu, tức bụng.

Nước cam sau khi vắt nên dùng ngay, không nên bảo quản trong một thời gian dài vì sẽ giảm dinh dưỡng, đôi khi còn gây nguy hiểm cho hệ tiêu hóa.

Nước cam có tác dụng lợi tiểu, vì vậy nếu uống nước cam vào buổi tối khiến bạn tiểu đêm nhiều lần, gây mất ngủ. Nước cam cũng giúp tăng cường sự tỉnh táo, uống vào buổi tối khiến cho trí não tỉnh táo, khó bước vào giấc ngủ.