Đây là bước đi hiện thực hóa chủ trương cải tạo các tuyến phố ven hồ Trúc Bạch nhằm hình thành không gian đi bộ, giải trí, du lịch cho người dân và du khách, đồng thời phát huy giá trị văn hóa, ẩm thực khu vực Đảo Ngọc - Ngũ Xã, kết nối với các điểm du lịch khác trên địa bàn đã được TP Hà Nội phê duyệt. Như vậy là sau các không gian đi bộ Hồ Gươm, Trịnh Công Sơn, Thành cổ Sơn Tây…, đây là không gian đi bộ thứ tư của Hà Nội được đưa vào hoạt động, tạo thêm một điểm vui chơi, sinh hoạt văn hóa, ẩm thực cho người dân Hà Nội cùng du khách trong và ngoài nước.
Có thể khẳng định, xây dựng và phát triển các tuyến phố đi bộ là chủ trương phù hợp với xu thế phát triển đô thị xanh, thông minh của Hà Nội. Song việc thực hiện chủ trương này cũng đồng thời đặt ra thách thức về việc xây dựng đặc trưng, giá trị văn hóa, du lịch hay kinh tế riêng của mỗi một không gian đi bộ.
Nói vậy bởi trong thực tế, không phải không gian đi bộ nào của Hà Nội cũng như các đô thị khác cũng đạt hiệu quả về kinh tế, văn hóa, du lịch… như kỳ vọng ban đầu. Phố đi bộ Trịnh Công Sơn ven Hồ Tây là một ví dụ. Đây là tuyến phố đi bộ thứ hai của Hà Nội, khai trương ngày 11/5/2018, có vị trí khá đắc địa nằm giữa không gian thắng cảnh Hồ Tây. Tuy nhiên, từ khi mở cửa, khu phố này chỉ có khách khoảng ba tháng đầu, sau đó vắng dần. Đến nay, lượng du khách tới đây rất thưa thớt mỗi dịp cuối tuần.
Theo ông Nguyễn Đình Khuyến - Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, do tình trạng vắng khách nói trên, phố đi bộ Trịnh Công Sơn sẽ hoạt động hết năm 2022 rồi tạm dừng để tu bổ, sửa chữa, bảo dưỡng một số hạng mục. Khi mở cửa trở lại (dự kiến vào tháng 5/2023), để khai thác tiềm năng của tuyến phố đi bộ này, quận Tây Hồ sẽ nghiên cứu đẩy mạnh hoạt động cộng đồng, sân chơi cho thanh thiếu niên… tạo sức hút với du khách.
Trước thực trạng phố đi bộ Trịnh Công Sơn vắng khách, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam chỉ ra 4 nguyên nhân chính yếu.
Một là, mỗi tuyến phố đi bộ cần có chủ đề nhất định, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, nói cách khác là phải có sự khác biệt, nét đặc trưng riêng có để hấp dẫn du khách. Điều này theo ông Nghiêm chưa rõ ở phố đi bộ Trịnh Công Sơn.
Hai là mặc dù có lợi thế về vị trí địa lý, không gian đẹp nhưng tại tuyến phố chưa tạo ra các dịch vụ thương mại phù hợp với nhu cầu người dân. Ba là tuyến phố chưa đáp ứng được nhu cầu dạo chơi thư giãn kết hợp với các nhu cầu văn hóa khác của người dân.
Và cuối cùng là dù có ý tưởng, quy hoạch cụ thể nhưng chưa có nguồn nhân lực để cải tạo nhà ở quanh phố đi bộ thành các dịch vụ phát triển kinh tế.
Những nguyên nhân trên càng dễ nhận biết khi so sánh tuyến phố đi bộ này với không gian đi bộ Hồ Gươm, một mô hình khá thành công của Hà Nội. Đó cũng có thể coi là những bài học cần nghiêm túc ghi nhận với các tuyến phố đi bộ nói chung của Hà Nội hiện tại và tương lai, nếu muốn tránh rơi vào tình trạng xảy ra với tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn.
Được biết, ngoài các không gian đi bộ đang hoạt động, thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục mở thêm không gian đi bộ ở nhiều quận, huyện khác trên địa bàn, trong đó có phố đi bộ khu vực Hồ Thiền Quang, dự kiến khai trương vào đầu năm 2023.
Hy vọng, với những bài học rút ra từ sự thành công cũng như những điểm yếu còn tồn tại, các tuyến phố đi bộ của Hà Nội sẽ hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, tạo thêm động lực để phát triển kinh tế, văn hóa xã hội TP.