Những biện pháp tổ chức và quản lý mới trong thi công xây dựng

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (28/6), Hiệp hội nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) đã tổ chức hội thảo với chủ đề “Những biện pháp tổ chức và quản lý mới trong thi công xây dựng” tại Hà Nội.

“Đây là một trong nhiều hoạt động thiết thực với mục đích tạo cơ hội cho cộng đồng nhà thầu xây dựng Việt Nam học hỏi chuyên môn, phát triển bền vững. Tại chương trình, các DN xây dựng không chỉ được nghe chia sẻ thực tế của nhiều nhà thầu kinh nghiệm mà còn được trực tiếp tham quan về tổ chức thi công tại công trường dự án Tràng An Complex và Nhà Quốc hội Ba Đình” - Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Xây dựng Việt Nam kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư bất động sản toàn cầu GP.Invset đánh giá.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Xây dựng Việt Nam dẫn đoàn DN tham quan về tổ chức thi công tại công trường dự án Tràng An Complex.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu Xây dựng Việt Nam dẫn đoàn DN tham quan về tổ chức thi công tại công trường dự án Tràng An Complex.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Trần Nhật Thành – Chủ tịch Tập đoàn DELTA đã có những chia sẻ thực tế về kinh nghiệm trong việc thi công nền móng tầng hầm sâu. Theo ông Thành, từ những năm 1993- 1994 khi Việt Nam bắt đầu phát triển nhà cao tầng, các cọc kích thước nhỏ không còn phù hợp và một số nhà thầu nước ngoài đưa công nghệ cọc khoan nhồi vào Việt Nam với giá thành rất cao (tiền công khoan khoảng 200-250 USD/1m dài).

Sau khi nghiên cứu, làm thầu phụ cho các công ty nước ngoài, DELTA đã quyết định nhập thiết bị tiến hành thi công với chất lượng đảm bảo tuyệt đối an toàn, tiêu chuẩn tương đương với các công ty nước ngoài thực hiện, đã kéo giá thành giảm xuống chỉ còn 50% so với giá thị trường thời điểm đó. Việc này góp phần lợi ích cho chủ đầu tư và xã hội rất nhiều. Khi bắt đầu có yêu cầu thi công tầng hầm cho các nhà cao tầng, DELTA chủ động nhập thiết bị và công nghê thi công tường bê tông cốt thép trong đất ( Diaphragm wall, cọc barrette) giải quyết vấn đề tường chắn đất cho các tầng hầm sâu.
Tại cuộc hội thảo những nhà thầu kinh nghiệm như DELTA, CotecCons đã có nhiều chia sẻ quý báu với cộng đồng nhà thầu xây dựng Việt Nam.
Tại cuộc hội thảo những nhà thầu kinh nghiệm như DELTA, CotecCons đã có nhiều chia sẻ quý báu với cộng đồng nhà thầu xây dựng Việt Nam.
Về công nghệ thi công tầng hầm sâu, ông Thành cho biết, các giải pháp quen thuộc là đào mở bottom up hoặc top down. Đây là những công nghệ tương đối tiên tiến được sử dụng trên thế giới. DELTA đã tập trung tính toán những giải pháp phù hợp và đỡ tốn kém hơn nhiều đối với từng dạng công trình. Các giải pháp thông dụng ở trên thường kéo dài thời gian thi công và tốn kém hệ dầm thép chống tạm (shoring) hoặc hệ neo tường trong đất (earth anchoring). DELTA đã nghiên cứu sử dụng một phần tối thiểu sàn tầng hầm thay hệ chống tạm, làm giảm thời gian thi công và giá thành nhiều. Từ đây giải pháp thi công tầng hầm sâu bằng công nghệ semi – topdown ra đời. Trong nhiều dự án cụ thể, giải pháp này có rất nhiều ưu điểm mang đến những hiệu quả kinh tế rất lớn: không cần các hệ chống hoặc neo tường trong đất như phương pháp bottom –up, thời gian thi công nhanh.

“Dự án rất thành công theo phương án này là dự án Royal City diện tích mặt bằng tầng hầm 110.000m2, 5 tầng hầm, sâu 25m (600.000m2 tầng hầm), 7 tòa nhà 30-40 tầng phía trên. Toàn bộ dự án được hoàn thành trong thời gian 32 tháng. Phương pháp này hiện nay là phương pháp thông dụng trong xây dựng và được ứng dụng trong rất nhiều công trình xây dựng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, chất lượng, tiến độ và giá thành” - Chủ tịch tập đoàn DELTA khẳng định.

Đối với kinh nghiệm “ Tổ chức, quản lý điều hành công trường xây dựng” ông Nguyễn Bá Dương – Chủ tịch Công ty CP xây dựng Cotec (CotecCons) cho biết: “ Để có một dự án tốt cần ba bước: Đầu tiên là công tác báo giá, đấu thầu. Thứ hai là tổ chức quản lý thi công trên công trường. Cuối cùng liên quan đến hậu mãi, bảo hành hồ sơ hoàn thành dự án.”

 Liên quan đến công tác đấu thầu, ông Dương chia sẻ, hiện nay 90% dự án Cotec tham gia theo hình thức báo giá chủ đầu tư hoặc được chủ đầu tư chỉ định thầu. Phân khúc được Cotec quan tâm là cao cấp và trung cấp với nguồn vốn tập trung vào vốn tư nhân, nước ngoài. Đồng thời, hạ tầng Cotec tham gia đầu tư BOT kết hợp thi công. Đặc biệt công tác thiết kế, thi công chiếm tỷ trọng trên 50% các dự án Cotec đang triển khai. Để có một dự án tốt mang lại hiệu quả cho chủ đầu tư và nhà thầu, thì chủ đầu tư cần hợp tác, am hiểu thị trường và có bộ máy chuyên nghiệp.

Tại phần hỏi đáp, các DN đã liên tục đặt nhiều câu hỏi thiết thực có chiều sâu cho khách mời. Trong đó đáng chú ý là câu hỏi: “ Với những công trình đã được phê duyệt có quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn nhưng vì một lý do nào đó, chủ đầu tư làm sai thiết kế, vượt tầng thì liệu nhà thầu có đồng ý thi công những công trình như vậy không?”.

Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Quốc Hiệp nhấn mạnh: “Vai trò của nhà thầu khi thực hiện những công trình ngoài thiết kế là phải trao đổi rõ với chủ đầu tư. Việc xây thêm tầng hoặc vượt tầng không có trong thiết kế được duyệt thì chủ đầu tư cần cân nhắc có nên xây hay không. Trong trường hợp chủ đầu tư vẫn quyết định xây thì phải có văn bản thống nhất với nhà thầu rằng sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm trước pháp luật và đảm bảo khâu thanh toán kể cả khi bị cơ quan chức năng bắt phá dỡ”

“Nhà thầu làm theo hợp đồng, khi không theo hợp đồng thì chắc chắn nhà thầu không triển khai. Còn việc một số công trình, dự án xây sai là bởi đã “có vấn đề” từ khâu đầu (duyệt hồ sơ, dự án) chứ không phải do lỗi của nhà thầu. Trách nhiệm của nhà thầu tại đây không có gì sai” - TS Dương Văn Cận – Phó Chủ tịch & Tổng thư ký VACC đồng quan điểm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần