Phút trải nghề của cán bộ “bàn giấy”
Dù đã hẹn trước, Đại tá Vũ Thị Bích Hạnh - Trưởng phòng HSCS vẫn mải miết lần tìm thông tin qua thông báo truy tìm tung tích nạn nhân do Cơ quan cảnh sát điều tra vừa chuyển đến. Nhiệm vụ của chị là tìm bằng được tung tích nạn nhân để điều tra vụ giết người xảy ra ngày 17/10/2015 tại khu vực trước cổng nhà máy SYM, đường Lê Trọng Tấn, phường La Khê, quận Hà Đông. Yêu cầu truy tìm đối tượng là nam giới từ 20 - 27 tuổi, cao khoảng 1m63, dáng người bình thường… Với những thông tin ít ỏi, chị tiến hành tra cứu trên hệ thống tàng thư căn cước công dân, căn cước can phạm của địa phương để xác định các đặc điểm trùng lặp cung cấp cho bộ phận điều tra hình sự…
Chị Hạnh cho biết, Phòng HSCS là đơn vị có tính chất đặc thù với hơn 70% là cán bộ nữ. Nhiệm vụ của Phòng ngoài việc tập hợp, lưu trữ, khai thác thông tin, tài liệu cơ bản về hồ sơ, đối tượng; phản ánh về công tác điều tra, nghiên cứu, xử lý tội phạm và các vi phạm pháp luật khác còn là lưu trữ danh bản, chỉ bản, phim, quản lý thông tin cơ bản về căn cước, tiền án, tiền sự thông tin diễn biến của các đối tượng vi phạm pháp luật… Đáp ứng yêu cầu công việc, các chiến sĩ luôn phải làm thêm ngoài giờ, tăng ngày công, làm thêm thứ Bảy, Chủ nhật hay giữa đêm khuya với tâm thế luôn sẵn sàng tập trung cao độ hoàn thành nhiệm vụ. Chiến sĩ Phòng HSCS xác định, cung cấp được những chi tiết có ích trong hồ sơ đối tượng giúp rất nhiều các chiến sĩ đang từng ngày, từng giờ lăn lưng ngoài địa bàn đấu tranh phá án.
Hé lộ nghiệp vụ
Thiếu tá Phạm Thị Thu - Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng HSCS cho biết: Để có thể đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ, một hồ sơ thông thường phải tra cứu qua 2 tổ nghiệp vụ, thứ nhất là tàng thư can cước can phạm cung cấp thông tin về tiền án, tiền sự, rồi sau đó là về nhân thân, lai lịch của người đó. Kế tiếp là quá trình phạm tội và diễn biến hoạt động của các đối tượng… Những sai lệch dù là nhỏ nhất như tên, tuổi, năm sinh; bố mẹ và địa chỉ cũng được các chiến sĩ tỷ mỉ nghiên cứu, xác minh qua nhiều tài liệu để có câu trả lời chính xác nhất cho các đơn vị nghiệp vụ. Chỉ tính riêng trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Bính Thân, đơn vị đã phát hiện, tra cứu hơn 39.000 lượt yêu cầu các loại; phối hợp với công an các quận, huyện lập căn cước hơn 2.500 đối tượng. Những đóng góp thầm lặng của những cán bộ, chiến sĩ làm công tác hồ sơ đã giúp lật tẩy không ít các trường hợp phạm tội.
Điển hình như, đúng vào ngày lễ Noel, các chị nhận được thông tin tra cứu của Công an phường Phương Liên, quận Đống Đa về trường hợp đối tượng bị tạm giữ về hành vi tàng trữ sử dụng trái phép chất ma túy. Khi bị bắt giữ, đối tượng mỗi lúc khai báo một tên gọi khác nhau nên việc tiến hành các hoạt động tố tụng của cơ quan công an gặp không ít khó khăn. Sau khi phân loại công thức vân tay, Phòng HSCS đã xác định đối tượng có tên thật là Nguyễn Thanh Lịch (SN 1975, trú tại phường Trung Tự, quận Đống Đa), đang có lệnh truy nã về hành vi vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy đã thông báo với cơ quan sở tại…
Dù còn đó những khó khăn vất vả trong công tác cơ quan và cuộc sống đời thường, nhưng những nữ chiến sĩ luôn tâm niệm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ để góp phần giữ vững bình yên cho cuộc sống của Nhân dân.
Đại tá Vũ Thị Bích Hạnh - Trưởng phòng Hồ sơ cảnh sát.
|