Những bức ảnh nhớ về trận Điện Biên Phủ trên không năm 1972

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trịnh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những bức ảnh này tôi chụp bằng phim đen trắng, lưu giữ cẩn thận trên máy vi tính tới bây giờ và may mắn tôi chưa bị lú lẫn để kể lại tuy đã sang tuổi 91.

Bộ đội và các lực lượng chức năng đang ra sức cứu kho hàng tại cảng bị máy bay Mỹ ném bom
Bộ đội và các lực lượng chức năng đang ra sức cứu kho hàng tại cảng bị máy bay Mỹ ném bom

Ngoài những ảnh và chuyện kể của nhiều người về không quân, tên lửa, cao xạ của ta tạo thành thế trận liên hoàn, thông minh, khôn khéo, bắn rơi 36 pháo đài bay B52, và nhiều máy bay chiến thuật khác, làm thất bại kế hoạch Linebacker II của đế quốc Mỹ trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 đã được in thành sách, những bức ảnh này tôi chụp bằng phim đen trắng.

Một buổi sáng giữa tháng 12/1972, tôi vừa từ Hải Phòng về, chụp được một số ảnh bộ đội và các lực lượng chức năng đang ra sức cứu kho hàng tại cảng bị máy bay Mỹ ném bom còn ngùn ngụt lửa khói. Ở khu nhà tập thể công nhân Nhà Dầu, xác phụ nữ trẻ em thảm thương mới được đào bới lên đặt trên những tấm cánh cửa.

xác phụ nữ trẻ em đặt trên những tấm cánh cửa ở khu nhà tập thể công nhân Nhà Dầu
xác phụ nữ trẻ em đặt trên những tấm cánh cửa ở khu nhà tập thể công nhân Nhà Dầu

Về Hà Nội, tôi đến chụp ảnh một đơn vị tên lửa SAM-2 bảo vệ Thủ đô đóng tại địa bàn huyện Thanh Oai (Hà Tây cũ). Đơn vị này có thành tích từng bắn rơi một số máy bay F.105 và F4 của giặc Mỹ lẻn vào gây tội ác đối với Nhân dân Hà Nội.

Khi tôi đang tác nghiệp, bỗng thấy anh em bộ đội nháo nhác xôn xao. Thì ra Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm đơn vị không báo trước. Làm việc với Ban chỉ huy xong, Thủ tướng đến gặp chiến sĩ. Trước mặt tôi, bên cạnh quả tên lửa đang nằm trên bệ phóng với tư thế sẵn sàng, Thủ tướng khen ngợi, động viên các chiến sĩ trẻ, thân tình trông hệt như tình cảm của người cha với các con. Nén xúc động, tôi bấm liên tục một loạt phim để về chọn một bức đẹp nhất. Các chiến sĩ vô cùng phấn khởi hứa với Thủ tướng: Trận sau nhất định chúng con sẽ thắng to hơn! Với khí thế hừng hực và phấn khởi, cả đơn vị được tạo thêm sức mạnh chuẩn bị lập công lớn trong những trận của 12 ngày đêm cuối năm.

Bức ảnh đã đi vào lịch sử với tên gọi "Trận sau nhất định thắng to hơn"
Bức ảnh đã đi vào lịch sử với tên gọi "Trận sau nhất định thắng to hơn"

Trước ngày 21/12/1972, tôi có việc vào ngõ chợ Khâm Thiên. Đạp xe đến trước số nhà 13 tôi thấy một cảnh tượng chẳng ở đâu có. Cửa ra vào nhà bằng gỗ có chấn song sắt, nhưng không đóng cánh cửa, nghĩa là nếu tò mò nhìn vào sẽ thấy hết bên trong nhà. Ngoài cửa cũng không có khóa, được buộc bằng dây thừng, có mảnh giấy che lên. Ngoài tường là tấm tôn viết vội bằng phấn trắng "Nhà đi sơ tán - Tài sản vứt bừa. Mong dân phòng khối chú ý". Ở một phía tấm tôn thông báo cho người thân:" Gia đình an toàn cả. Đã đi sơ tán - Chúc Sơn - Bình Đà - nhà anh Cúc". Tôi chụp ngay cảnh này, thầm nghĩ đây có thể sẽ là một kỷ niệm thời chiến tranh.

Hiệp định Paris được ký kết, quân xâm lược Mỹ phải cay đắng chịu thất bại, tôi trở lại thăm nhà số 13 kể trên. Ông Nguyễn Huy Lê, là chủ nhà có cửa hàng sữa chữa đồng hồ đi vắng, con trai ông tên là Nguyễn Huy Tuấn ra tiếp tôi. Anh nói "Cái nóc nhà bị bom đánh bay mất nhưng mọi tài sản trong nhà nhiều lắm chẳng mất thứ gì. Ngoài xa-lông, sập gụ, tủ chè..., anh ta đem cho xem chiếc ra-đi-ô Ri-gôn-đa có máy quay đĩa, các loại đồng hồ cổ Carillon, Longine, Movado, quạt máy Ý, Nhật như Marelli, Éole, Mítsubishi... của khách gửi sữa chữa chưa kịp lấy và nhiều dụng cụ gia đình ngày đó không phải nhà nào cũng có. Thời gian trôi đi. Không ngờ bức ảnh trên lại được Ủy ban toàn quốc các Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao giải thưởng năm 2015 với đề tài "Cách mạng và kháng chiến từ năm 1930 đến năm 1975".  

Ngẫm lại thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ, đời sống có biết bao khó khăn, gian khổ, thiếu thốn đủ bề mà người dân Hà Nội không trộm cắp của người khác. Xã hội thật lành mạnh. Chủ nhà số 13 chỉ nhắn anh em dân phòng chú ý chứ không yêu cầu giữ gìn hộ tài sản. Thế mới biết lòng tin trong hoạn nạn là cao cả, mặc dù dân phòng là tổ chức tự nguyện của Nhân dân, hoạt động không có lương mà cáng đáng đủ thứ việc trong chiến tranh như cứu nhà sập, đào bới tìm người bị bom vùi, cáng người bị thương đi bệnh viện, giữ an ninh trật tự trong khu vực...

Bức ảnh được đặt tên là "Lòng tin trong hoạn nạn".
Bức ảnh được đặt tên là "Lòng tin trong hoạn nạn".

Máy bay chiến lược B52 ngày đó được Mỹ tuyên truyền ầm ĩ về khả năng tàn phá ghê gớm, biến những nơi bị rải bom thành những bãi đổ nát hoang tàn. Sau khi cho máy bay trinh sát và dùng vệ tinh chụp ảnh, B52 thường xuất kích ban đêm từ các căn cứ không quân ở đảo Gu-am (Mỹ); U-ta-pao, Cò rạt (Thái Lan) để các lực lượng phòng không của ta bị bất ngờ và khó phát hiện.

Khi đến gần nơi oanh tạc chúng dùng các thủ đoạn đánh lừa, trong màn đêm tung ra các thứ nhiễu làm rối loạn sóng rađa và không cần bổ nhào, chúng theo đội hình cứ từ một độ cao nhất định, bấm nút trút bom rải thảm. Chúng "dọa nạt" thế giới, máy bay B52 như con "ngoáo ộp" với khả năng bay xa, bay cao, mỗi máy bay chứa được 300 tấn bom, với các loại cường kích, tiêrm kích như "Thần sấm F 105", "Con ma F4", "Cánh cụp cánh xòe F111", và các loại khác từ các tàu sân bay của Hạm đội 7 trên Thái Bình Dương phối hợp yểm trợ .

Khoảng 9 giờ sáng 22/12/1972, Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân Thép Mới bảo tôi: "Mang máy ảnh lên ô tô đi với tao có việc" (anh thường xưng hô bỗ bã mày tao thân tình với cánh phóng viên đàn em chúng tôi như vậy).

Anh Thép Mới cùng tôi đến tận nhà mời nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Huy Cận, nhà thơ Chế Lan Viên lên xe đến bệnh viên Bạch Mai vừa mới hơn 10 tiếng đồng hồ trước bị máy bay B52 Mỹ hủy diệt. Dã man ở chỗ đang đêm rạng sáng 22/12/1972, bọn giặc ném bom rải thảm khi nhiều người trong bệnh viện chưa kịp xuống hầm trú ẩn (theo Công ước quốc tế, trong chiến tranh không bên nào được đánh phá bệnh viện và giết nhân viên y tế).

Hàng mấy chục bác sĩ và bệnh nhân ở bệnh viện Bạch Mai thiệt mạng thảm khốc. Nhiều phòng khám, chữa bệnh và các thiết bị y tế vốn đã thiếu thốn nay bị phá tan hoang. Chúng tôi gặp Anh hùng Lao động, GS.BS Trần Hữu Tước cũng đang có mặt tại đây. Trước cảnh hoang tàn đến xót xa lòng người, GS Tước dẫn mọi người đi xem những nơi bị thiệt hại nặng. Tôi chụp được nhiều ảnh, trong đó có ảnh trên đống gạch đổ nát, mọi người ngồi nghe Giáo sư đánh giá những thiệt hại lớn lao của bệnh viện, không quên nhờ các nhà văn, nhà thơ, nhà báo tố cáo với thế giới tội ác man rợ này của đế quốc Mỹ.

Những lời tố cáo cụ thể và đanh thép của họ trên Đài Tiếng nói Việt Nam đã gây tiếng vang lớn trong dư luận thế giới và trong chính nước Mỹ. Tinh thần của nhân dân Mỹ phản đối chiến tranh xâm lược Việt Nam mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Bọn giặc nếm thất bại đau đớn khi chiến dịch Linebacker II bị phá sản, máy bay B52 bị quật ngã hàng loạt. Nhiều giặc lái chết và bị bắt sống. Nhân dân ta vẫn kiên cường chiến đấu vì độc lập tự do và thống nhất đất nước.

GS Trần Hữu Tước, nhà báo Thép Mới và các nhà văn ở Bệnh viên Bạch Mai bị bom B52 12/1972.     
GS Trần Hữu Tước, nhà báo Thép Mới và các nhà văn ở Bệnh viên Bạch Mai bị bom B52 12/1972.     

Bác Hồ đã nhận định đế quốc Mỹ sẽ tàn phá Hà Nội bằng máy bay chiến lược B52, B57 hay B gì chăng nữa nhưng chúng ta quyết đánh thắng. Nó có chịu thua là thua trên bầu trời Hà Nội. Quả là lời tiên tri của vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta được ứng nghiệm, đi tới Hiệp định Paris được ký kết, buộc đế quốc Mỹ phải chấm dứt cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam.

Một chuyện nữa là ai cũng nói nhưng không biết cụm từ "Hà Nội - Điện Biên Phủ  trên không" do ai đặt ra. Tôi biết rõ anh Thép Mới là một nhà báo tài năng và là một nhà văn. Anh thường đặt đầu đề hoặc bình luận thật hàm súc, sắc sảo, nâng cao giá trị cho những bức ảnh thời sự có ý nghĩa. Xưa anh từng ngang dọc chiến trường Điện Biên Phủ thời kháng chiến chống Pháp, viết nhiều trên báo Nhân Dân, đánh giá kết quả thất bại hoàn toàn của thực dân Pháp, nay lại đến đế quốc Mỹ tráo trở, chịu thua thảm hại trong chiến dịch Linebacker II. Anh so sánh và đặt cái tên ''Điện Biên Phủ trên không'' cho sự kiện này. Tôi biết nhưng không có dịp tìm lại báo cũ cách đây đã 50 năm để chứng minh.

Trong một tọa đàm gần đây, tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam, anh Hà Đăng - nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân và trước là thành viên trong đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa đi đấu tranh với đoàn ngoại giao Mỹ ở Hội nghị Paris. Anh kể từng giờ từng phút ngóng tin từ Hà Nội và vỡ òa sung sướng được tin ta thắng B52 Mỹ.

Anh khẳng định thành ngữ "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" là sáng tạo của anh Thép Mới trong bài xã luận của báo Nhân Dân ngày 26/12/1972, và được Đài Tiếng nói Việt Nam phát nhiều lần, trở thành một thành ngữ đầy vẻ vang và tự hào của Nhân dân Việt Nam và của Nhân dân Hà Nội nói riêng.