Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những cách tiêu tiền thưởng của chủ nhân giải Nobel

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Nhiều nhà khoa học đổ tiền vào nghiên cứu, có người sắm quần áo và ôtô mới, một số đem tiền làm từ thiện, thậm chí có người phải chia đôi cho vợ sau khi ly dị.

 
Với phần lớn các nhà khoa học, vật lý, nhà văn và nhà hoạt động xã hội, Nobel là một giải thưởng danh giá và không thể quy ra tiền. Tầm vóc của giải thưởng này lớn đến nỗi người được trao hiếm khi tiết lộ trước công chúng về những điều như tiền mặt hay các lợi ích tài chính cá nhân đi kèm.

Ông Robert Merton, chủ nhân giải Nobel kinh tế năm 1997, đồng thời là giáo sư Đại học công nghệ Massachusette cho biết: "Với những người được nhận, giải thưởng này là vô giá. Bằng chứng là có nhiều giải khác lớn hơn, nhưng không ai sẵn lòng đổi chúng lấy Nobel".

Những cách tiêu tiền thưởng của chủ nhân giải Nobel - Ảnh 1

Giải Nobel năm nay có tiền thưởng 1,2 triệu USD. Ảnh: Forbes

Không chỉ giới hạn về tiền thưởng, Nobel còn giúp người được nhận có công việc tốt hơn, thu hút nhiều tài trợ nghiên cứu hơn và có nhiều cơ hội hơn. Merton nói: "Nobel có thể giúp bạn tiếp cận và gặp gỡ những người mà bình thường không thể gặp. Nói cách khác, nó sẽ làm tăng tính thanh khoản của bạn trên thị trường".

Mọi năm, tiền thưởng cho chủ nhân giải Nobel là 10 triệu kronor Thụy Điển (1,5 triệu USD). Tuy nhiên, vì lý do khủng hoảng tài chính, Hội đồng Nobel đã giảm tiền thưởng năm nay xuống còn 8 triệu kronor (1,2 triệu USD). Mỹ là nước duy nhất đánh thuế giải thưởng này, kể từ sau cải cách thuế thập niên 80 của tổng thống Ronald Reagan. Đến nay, họ đã thu được khoảng 40% tổng số tiền thưởng vào ngân sách quốc gia.

Hiển nhiên, số tiền lên đến cả triệu USD này đủ để tạo ra bước ngoặt cho cuộc sống của các nhà nghiên cứu. Một số người bị bắt gặp mua ngay ô tô đời mới sau khi nhận giải. Một giảng viên tại Đại học Chicago (Mỹ) còn cho biết: "Bà hàng xóm của tôi chỉ mặc đồ đặt may sau khi chồng bà ấy được nhận giải Nobel. Tuy nhiên, họ cũng hiến tặng kha khá cho nhà trường sau khi cả hai vợ chồng qua đời".

Trên thực tế, rất nhiều nhà khoa học đã chọn cách đóng góp phần thưởng của mình cho xã hội. Ông Ryoji Noyori (Nhật Bản), một trong ba người được nhận giải Nobel hóa học năm 2001, đã đưa số tiền này cho Đại học Nagoya. Ông nói: "Rất nhiều người đã từng giúp tôi nghiên cứu, và tôi chỉ nhận giải thưởng này thay cho họ mà thôi".

Năm 1989, Dalai Lama dành tặng toàn bộ tiền thưởng giải Nobel Hòa bình cho người nghèo. Tổng thống Mỹ Barrack Obama cũng góp hết 1,4 triệu USD của giải Nobel Hòa bình năm 2009 cho gần 10 tổ chức từ thiện.

Không chỉ người nhận giải, mà cả người thân của họ cũng rất biết cách tận dùng số tiền thưởng lớn này. Vợ cũ của nhà kinh tế học Robert Lucas Jr (Mỹ), còn ra điều kiện trong hợp đồng bồi thường ly hôn rằng nếu ông giành giải Nobel trong vòng 7 năm, bà sẽ nhận một nửa số tiền thưởng. Và chỉ 6 năm sau, Lucas được trao giải Nobel kinh tế 1995.