Những câu chuyện xung quanh từ “đắp chiếu”!

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực sự thì trong thời điểm này, “đắp chiếu” chưa phải là từ khóa “hot” trên công cụ tìm kiếm; nhưng trong bài viết này, chúng tôi vẫn muốn đề cập đến, bởi y tế và giáo dục luôn nhận được sự quan tâm của đông đảo người dân, mà trong hai ngành này đang có nhiều thứ “đắp chiếu”.

Khi dịch Covid -19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh thành, dụng cụ y tế là hết sức cần thiết trong khám và điều trị cho bệnh nhân, nhưng chỉ cần “sớt” trên Google từ khóa “đắp chiếu”, trong 0,45 giây đã cho ra khoảng 1.720.000 kết quả về thiết bị y tế; với thiết bị giáo dục, tuy thời gian tìm kiếm có chậm hơn đôi chút (0,52 giây), nhưng cũng cho ra khoảng 792.000 kết quả. Theo kết quả tìm kiếm, hiện vẫn đang có hàng trăm tỷ tiền thiết bị y tế “đắp chiếu” ở các tỉnh Hải Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lạng Sơn… những địa phương đã và đang có diễn biến dịch Covid -19 phức tạp.
Về giáo dục, hai năm qua việc dạy và học trong cả nước gần như đều phải diễn ra trên môi trường mạng. Nếu con em những gia đình ở TP còn có điều kiện, chuyện học hành cũng có phần đơn giản; thì học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vô cùng lao đao trong hành trình tiếp nhận kiến thức. Ấy vậy mà tại Thanh Hóa, đồ dùng dạy học lớp 1 theo chương trình sách giáo khoa mới từ năm học 2020-2021, được bà Phạm Thị Hằng (hiện là Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa - thời điểm đó đương nhiệm Giám đốc Sở GD&ĐT), ký mua gói thiết bị với tổng kinh phí hơn 89 tỷ đồng. Điều đáng nói là gói thiết bị trị giá hàng chục tỷ đồng kia đang… có vấn đề!
Vừa qua trả lời cơ quan báo chí, Phó Giám đốc sở GD&ĐT Thanh Hóa cho biết, gói thiết bị trên đang ở trong tình trạng: “Tivi quá bé không thể phục vụ công việc dạy học, máy tính kém chất lượng nên bỏ kho, máy chiếu chập chờn. Máy tính thì tuy cấu hình cao, nhưng giáo viên không biết sử dụng, máy chiếu thì cũng do người dùng không biết chỉnh tiêu cự". Vậy là điệp khúc “đắp chiếu” lại tái diễn! Nếu sự việc liên quan đến gói thiết bị dạy học ở Thanh Hóa xảy ra đúng như lời vị Phó Giám đốc Sở (theo chúng tôi), lỗi không phải từ đội ngũ giáo viên; bởi trước khi muốn làm thầy, ai mà chẳng phải học. Giáo viên chưa biết, thì sở, phòng phải có trách nhiệm cập nhật kiến thức cho họ; nó cũng đơn giản như khi ta dùng thực phẩm chức năng - bao giờ nhà sản xuất cũng khuyến cáo câu “đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng”…
 Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, nơi đang dính lùm xùm về mua sắm thiết bị dạy học liên quan đến cựu giám đốc sở Phạm Thị Hằng.
Được biết, hiện Cơ quan Cảnh sát Điều tra (Bộ Công An) đã có văn bản đề nghị Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa không thực hiện các thủ tục chuyển dịch quyền sử dụng nhà đất đối với bà Phạm Thị Hằng (cựu Giám đốc Sở GD&ĐT - hiện là Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa), cùng một số thuộc cấp. Với diễn biến vừa nêu, chắc bà Hằng sẽ khó lòng yên thân; nhưng sẽ thiếu công bằng nếu cơ quan chức năng ở Trung ương và các địa phương để xảy ra tình trạng thiết bị y tế, giáo dục “đắp chiếu”, tiếp tục cho sự việc “chìm xuồng”!