Cụ thể, cầu Bài được xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, có chiều dài khoảng 200m. Tại thời điểm khảo sát, phóng viên ghi nhận, phần lan can cầu là những thanh sắt mỏng đã hoen rỉ, mặt cầu nhiều chỗ đã bong tróc lớp bê tông, trơ cả sắt, trụ cầu được xây dựng bằng đá ong, nay đã rêu phong nhiều. Cây cầu thứ hai trên địa bàn xã Yên Bài là cầu Dừa, nối thôn Quýt với các thôn khác trong xã. Được xây dựng cách đây gần 20 năm, hiện nay một bên lan can cầu đã bị hỏng và chưa được sửa chữa trong khi phương tiện qua lại rất đông, nhất là vào giờ tan tầm. Đáng nói, trên cầu không có đèn chiếu sáng nên nguy cơ các phương tiện có thể lao xuống suối bất cứ lúc nào. Là người thường xuyên phải đi qua cầu Bài, ông Hoàng Công Xuân, ở thôn Chóng cho biết: “Mỗi lần đi qua cây cầu này, tôi thấy rất bất an, bởi mặt cầu gồ ghề, lan can không chắc chắn. Vào mùa nưa, nước ngập đến mặt cầu, chỉ cần sơ sẩy là có thể rơi xuống suối sâu”.Chung nỗi niềm với ông Xuân, ông Nguyễn Văn Niên ở thôn Quýt cũng nơm nớp lo sợ mỗi khi đi qua những cây cầu dân sinh trên địa bàn xã. Ông Niên cho biết: “Ngoài hai cây cầu trên, hiện ở Yên Bài còn có đập tràn Vai bờ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn. Mỗi khi mùa mưa đến là nước chảy xiết ngập khoảng 40cm, đi không cẩn thận sẽ bị nước cuốn trôi. Thực tế, cách đây hai năm đã có người chết khi đi qua đập tràn này”.Theo ông Nguyễn Quốc Huy, để duy trì tuổi thọ của cây cầu, xã đã chủ động phối hợp với Phòng Quản lý đô thị huyện Ba Vì, các đơn vị liên quan cắm biển cảnh báo về hạn chế trọng tải khi đi qua cầu. Tuy nhiên về lâu dài, để đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông qua đây, thì yêu cầu bức thiết hiện nay là đầu tư sửa chữa các cây cầu. Được biết, trước kiến nghị của xã Yên Bài, UBND huyện Ba Vì đã có văn bản gửi Sở GTVT hỗ trợ đầu tư, nâng cấp những cây cầu này. Tuy nhiên thời điểm này vẫn chưa có thông tin phản hồi lại, trong khi mùa mưa lại đang về, người dân địa phương vẫn phải sống chung với nỗi lo mỗi khi tham gia giao thông qua đây.