70 năm giải phóng Thủ đô

Những chiến sĩ quả cảm nơi mặt trận không tiếng súng

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc chiến chống Covid-19, ở nơi tuyến đầu, các “dũng sĩ” áo trắng vẫn ngày đêm xông pha, xét nghiệm, truy vết, giành giật sự sống từ tay tử thần cho các bệnh nhân cũng như bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Gần 2 tháng trôi qua, dịch bệnh Covid-19 ở Quảng Ngãi tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc mới vẫn tăng cao. Riêng tại huyện Bình Sơn, những ngày gần đây liên tục ghi nhận các ca mắc ở cộng đồng với lịch trình di chuyển, tiếp xúc dày đặc. Hiện nhiều địa phương của huyện này đã có ca dương tính với SARS-CoV-2. Nhân viên y tế tại tuyến cơ sở phải tập trung hết sức để đẩy nhanh tiến độ lấy mẫu xét nghiệm, nhằm sớm phát hiện, khoanh vùng khu vực có ca bệnh.
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân Bình Sơn.
Trưa muộn, chị Nguyễn Thị Thu Hà - Trạm Y tế xã Bình Trung (Bình Sơn) vẫn tất bật lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trong khu dân cư vừa phát hiện ca F0. Mặc cho mồ hôi túa ra ướt đẫm, chị Hà vẫn thuần thục lấy mẫu, các thao tác theo quy trình được thực hiện nhanh và chính xác.
“Giờ quá trưa rồi, chưa cơm nước gì nhưng vẫn phải làm. Tình hình dịch bệnh phức tạp, ca F0 liên quan tới ổ dịch mới ngoài cộng đồng nên phải tập trung lấy mẫu trong khu dân cư. Chỉ mong người dân hợp tác để phòng, chống dịch cho tốt”, chị Hà cho biết.
Kể từ ngày dịch bùng phát tại Quảng Ngãi, lực lượng y tế của tỉnh phải căng mình nơi tuyến đầu với nhiều nhiệm vụ nặng nề, từ truy vết, lấy mẫu, xét nghiệm cho đến điều trị. Gần 2 tháng qua, hệ thống máy xét nghiệm Realtime-PCR ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hoạt động hết công suất. Những người làm công tác xét nghiệm cũng làm việc không ngừng nghỉ. Giai đoạn cao điểm của dịch Covid-19, phòng xét nghiệm trở thành ngôi nhà thứ 2 của các chiến sĩ áo trắng. Cả ngày, lực lượng này tất tả đi nhận mẫu, rồi về phòng chiết tách và chờ chạy mẫu. Nhiều người phải tạm gác nhiệm vụ riêng để tập trung cho công tác chống dịch.
 Phòng xét nghiệm Realtime-PCR tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi.
“Chúng tôi chia ca làm việc 24/24 giờ để đảm bảo trả kết quả nhanh và chính xác nhất. Lượng mẫu từ các khu vực phong tỏa, cách ly và bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 chuyển về rất nhiều, có ngày lên đến hàng nghìn mẫu”, Cử nhân xét nghiệm Huỳnh Thị Hồng Hạnh cho biết.
Trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, người vất vả, gặp nguy hiểm nhất là đội ngũ y, bác sĩ và nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19. Họ phải chấp nhận xa gia đình, làm việc trong những khu điều trị biệt lập, cường độ làm việc cao và áp lực rất lớn vì nguy cơ lây nhiễm luôn thường trực. Đó là sự thiệt thòi không thể đo đếm được.
 Chăm sóc bệnh nhân có triệu chứng nặng tại cơ sở 2, bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19.
Cơ sở 2, bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh Quảng Ngãi (được trưng dụng từ bệnh viện lao và bệnh phổi tỉnh Quảng Ngãi) là nơi điều trị các bệnh nhân có triệu chứng nặng. Hiện cơ sở này đang chăm sóc, điều trị khoảng 110 bệnh nhân mắc Covid-19. 
Trong bộ đồ bảo hộ kín bưng, bác sĩ Trần Thị Bích Tuyến và đồng đội không ngơi tay chăm sóc người bệnh. Gần 1 tháng xa gia đình, bác sĩ Tuyến vẫn đang dốc sức giành giật sự sống cho bệnh nhân từ lưỡi hái của tử thần. Nhân lực mỏng, bệnh nhân lại đông, lực lượng y tế ở đây làm việc không kể đến giờ giấc, khi nào mệt quá thì tranh thủ nghỉ một chút rồi lại tiếp tục.
 Lực lượng y tế nghỉ ngơi tại khu vực cầu thang của cơ sở 2, bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19 tỉnh Quảng Ngãi.(ảnh chụp từ camera của K.T)
“Làm việc trong khu điều trị rất áp lực và vất vả, có khi kiệt sức. Cuộc chiến chống dịch có lẽ còn rất dài, nên đội ngũ y, bác sĩ rất mong có được sự động viên về mọi mặt để chúng tôi có động lực hoàn thành tốt nhiệm vụ”, bác sĩ Tuyến chia sẻ.
Các “dũng sĩ” áo trắng ai cũng có hoàn cảnh riêng, tâm sự riêng. Nhưng trong cuộc chiến chống Covid-19 đầy khốc liệt này, niềm riêng được gác lại để vì cái chung, vì mục tiêu lớn nhất là chiến thắng đại dịch, bảo đảm sức khỏe cho Nhân dân, đưa cuộc sống trở lại bình thường.