Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ tháng 4/2023

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa hóa; Bệnh Covid-19 nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội; Người đạt kiểm định đầu vào không phải trải qua vòng 1 thi tuyển công chức, là những chính sách về tiền lương, vị trí việc làm có hiệu lực từ tháng 4/2023.

Áp dụng bảng lương mới chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BVHTTDL Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/4/2023. 

Từ tháng 4/2023 sẽ áp dụng bảng lương mới chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa; thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức.
Từ tháng 4/2023 sẽ áp dụng bảng lương mới chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa; thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa chính được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A2, nhóm 2 (A2.2), từ hệ số lương 4,00 đến hệ số lương 6,38;

Chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa được áp dụng ngạch lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;

Chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa trung cấp được áp dụng ngạch lương của viên chức loại B, từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06.

Sau khi hết thời gian tập sự theo quy định và được cấp có thẩm quyền quản lý viên chức quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức tuyên truyền viên văn hóa thì thực hiện xếp bậc lương theo chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm.

Trường hợp bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa trung cấp:

Viên chức có trình độ đào tạo trung cấp khi tuyển dụng, phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng được xếp bậc 1, hệ số lương 1,86, ngạch viên chức loại B;

Viên chức có trình độ đào tạo cao đẳng trở lên khi tuyển dụng, phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng được xếp bậc 2, hệ số lương 2,06, ngạch viên chức loại B.

Trường hợp bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa:

Viên chức có trình độ đào tạo đại học khi tuyển dụng, phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng được xếp bậc 1, hệ số lương 2,34, ngạch viên chức loại A1;

Viên chức có trình độ đào tạo thạc sỹ khi tuyển dụng, phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng được xếp bậc 2, hệ số lương 2,67, ngạch viên chức loại A1;

Viên chức có trình độ đào tạo tiến sỹ khi tuyển dụng, phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng được xếp bậc 3, hệ số lương 3,00, ngạch viên chức loại A1.

Việc chuyển xếp lương đối với viên chức từ chức danh nghề nghiệp hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa quy định tại Thông tư này thực hiện theo hướng dẫn tại Mục II Thông tư số 02/2007/TT- BNV ngày 25/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.

Thêm 1 bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội

Đây là quy định mới tại Thông tư số 02/2023/TT-BYT ngày 9/2/2023 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 15/5/2016 của Bộ Y tế quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Thông tư số 02/2023/TT-BYT do Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành có hiệu lực từ ngày 1/4/2023.

Bộ Y tế bổ sung Bệnh Covid-19 nghề nghiệp vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Và có hướng dẫn chuẩn đoán giám định quy định tại Phụ lục 35 ban hành kèm theo Thông tư này.

Bộ Y tế bổ sung Bệnh Covid-19 nghề nghiệp vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.
Bộ Y tế bổ sung Bệnh Covid-19 nghề nghiệp vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội.

Theo hướng dẫn chuẩn đoán, giám định bệnh Covid-19 nghề nghiệp, người lao động làm nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2:

- Người làm nghề, công việc tại cơ sở y tế.

- Người làm nghề, công việc trong phòng thí nghiệm, lấy mẫu, vận chuyển mẫu, xử lý, bảo quản và tiêu hủy mẫu có chứa vi rút SARS-CoV-2.

- Người làm nghề, công việc phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 gồm:

+ Người làm nghề, công việc trực tiếp trong khu cách ly tập trung, cách ly y tế tại nhà, cách ly y tế vùng có dịch, hỗ trợ chăm sóc người bệnh Covid-19 tại nhà;

+ Người vận chuyển, phục vụ người bệnh Covid-19;

+ Người vận chuyển, khâm liệm, bảo quản, hỏa táng, mai táng thi hài người bệnh Covid-19;

+ Người giám sát, điều tra, xác minh dịch Covid-19;

+ Nhân viên hải quan, ngoại giao, nhân viên làm công tác xuất nhập cảnh;

+ Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân, công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng và viên chức quốc phòng;

+ Chiến sỹ, sĩ quan thuộc lực lượng công an;

+ Người làm nghề, công việc khác được cử tham gia phòng chống dịch Covid-19.

Những người làm nghề, công việc được chẩn đoán xác định mắc bệnh Covid-19 do tiếp xúc trong quá trình lao động trong thời gian từ ngày 1/2/2020 đến trước ngày Thông tư số 02/2023/TT-BYT có hiệu lực thì được lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp để khám giám định và được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo các quy định hiện hành.

Thi tuyển công chức, người đạt kiểm định đầu vào không phải thi vòng 1

Chính phủ đã ban hành Nghị định số 06/2023/NĐ-CP Quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức.

Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được tổ chức định kỳ 2 lần vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm. Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ.

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tuyển dụng công chức căn cứ kết quả kiểm định công chức để quy định điều kiện đăng ký dự tuyển công chức và tổ chức thi vòng 2 đối với người đạt kết quả kiểm định theo quy định.

Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ đại học trở lên được phép sử dụng thay thế kết quả kiểm định chất lượng đầu vào đối với người tham gia thi tuyển vào vị trí việc làm có yêu cầu trình độ thấp hơn khi đăng ký dự tuyển công chức phù hợp với yêu cầu tuyển dụng.

Nghị định cũng quy định về điều khoản chuyển tiếp. Theo đó, việc tổ chức thi vòng 1 trong thi tuyển công chức tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP đến hết ngày 31/7/2024. Trong thời gian này, người đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào theo quy định tại Nghị định này khi tham gia thi tuyển công chức không phải thực hiện thi vòng 1 theo quy định tại khoản 1 Điều 8 và điểm a, điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP.

Kể từ ngày 1/8/2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định.

Nghị định số 06/2023/NĐ-CP Quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức có hiệu lực từ ngày 10/4/2023.