Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Những “chướng ngại vật” tiền tỷ trong khu neo đậu tàu cá

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Những con tàu từng dọc ngang khắp các vùng biển phải ngưng hoạt động, nằm im lìm nhiều năm rồi bị hư hỏng, mục nát vì chủ làm ăn thua lỗ lại trở thành “chướng ngại vật” cho các tàu cá ra- vào các khu neo đậu.

Hơn 5 năm trước, ông Võ Văn Chí (xã Nghĩa An, TP Quảng Ngãi) vay tiền ngân hàng để đóng mới tàu cá với quyết tâm “làm ăn lớn”.

Con tàu có công suất máy chính 600CV, trang bị ngư lưới cụ hiện đại với tổng trị giá khoảng 4 tỷ đồng mang theo hy vọng làm giàu của ông Chí lại sớm đẩy ông vào chỗ tuyệt vọng.

“Làm ăn khó khăn, cứ ra khơi là thua lỗ, không đủ chi phí hoạt động nên đành cho tàu nằm bờ. Nợ nần nhiều thêm mà mình không có khả năng trả nên tàu bị ngân hàng tịch thu và neo ở sông Phú Thọ. Lâu ngày để ở đó, tàu bị hư hỏng, chìm”- ông Chí thở dài.

Những tàu cá trị giá hàng tỷ đồng bị bỏ không, ngập trong nước.
Những tàu cá trị giá hàng tỷ đồng bị bỏ không, ngập trong nước.

Không chỉ riêng ông Chí, dọc sông Phú Thọ, khu vực giáp ranh 2 xã Nghĩa An và Nghĩa Phú (TP Quảng Ngãi), hàng chục tàu cá tiền tỷ của ngư dân các địa phương này nằm ngổn ngang chờ bán thanh lý, trả nợ ngân hàng. Nhiều tàu bị xuống cấp, hư hỏng, trở thành “chướng ngại vật”, ảnh hưởng việc ra, vào và neo đậu tàu thuyền ở cửa sông Phú Thọ.

“Đến mùa mưa bão, tàu cá chạy về cửa sông Phú Thọ tránh trú lại va chạm mấy tàu này, rất nguy hiểm”- ông Nguyễn Phúc (xã Nghĩa An) cho hay.

Những con tàu bỏ không trở thành "chướng ngại vật" trong nơi trú tránh, neo đậu.
Những con tàu bỏ không trở thành "chướng ngại vật" trong nơi trú tránh, neo đậu.

Theo thống kê của chính quyền địa phương, khu vực Cửa Đại, sông Phú Thọ hiện có khoảng 6 tàu cá bị chìm, chưa được trục vớt. Nhiều tàu đã hư hỏng nặng, chìm hoàn toàn dưới nước.

Phần lớn các tàu cá bị chìm, bỏ không là của những ngư dân làm ăn thua lỗ, nợ ngân hàng. Lâu ngày, tàu bị hư hỏng, chìm, gây ô nhiễm môi trường và cản trở tàu thuyền ra vào.

Tình trạng xác tàu làm cản trở luồng lạch không chỉ diễn ra ở khu vực Cửa Đại, sông Phú Thọ mà còn đang là vấn đề đáng lo ngại ở cảng cá Sa Huỳnh (phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ).

Xác tàu nằm ngổn ngang ở cảng cá Sa Huỳnh.
Xác tàu nằm ngổn ngang ở cảng cá Sa Huỳnh.

Nhẩm tính từ khu vực từ cầu Thạnh Đức 2 xuống cảng cá Sa Huỳnh, có hàng chục con tàu vỡ toác, hư hỏng nặng chỉ còn trơ lại bộ khung gỗ nằm trôi nổi, la liệt trên mặt nước. Khu vực này chẳng khác nào "nghĩa địa" của tàu cá.

“Nguyên nhân khiến những con tàu có giá tiền tỷ bị bỏ, hư hỏng là do chủ tàu làm ăn thua lỗ hoặc tàu bị tai nạn trên biển… không còn khả năng vươn khơi. Lâu ngày, những tàu này hư hỏng, mục nát rồi chìm xuống, vừa  làm ô nhiễm nguồn nước, mất mỹ quan, vừa cản trở các tàu thuyền khác ra- vào cảng, nhất là mùa mưa bão”- ông Dương Quốc Doanh (phường Phổ Thạnh) nói.

Theo Ban Quản lý cảng cá Sa Huỳnh, toàn cảng có 22 chiếc tàu cá bỏ không, hư hỏng. Năm 2021, đơn vị này đã làm việc với địa phương và yêu cầu người dân đến tháo dỡ, trục vớt đưa đi vị trí khác. Hiện vẫn còn một số tàu cá bỏ nổi trên mặt nước, chiếm một phần diện tích neo đậu trong cảng.

Tàu hư hỏng "chiếm chỗ" neo đậu của tàu đang hoạt động.
Tàu hư hỏng "chiếm chỗ" neo đậu của tàu đang hoạt động.

Trước thực trạng trên, ông Võ Khánh – Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An cho rằng, sắp tới, chính quyền địa phương sẽ làm việc với các ngân hàng để trục vớt các xác tàu ở khu vực sông Phú Thọ lên bờ, vừa tránh tình trạng gây ô nhiễm môi trường, vừa tạo luồng lạch thông thoáng để các phương tiện tàu thuyền khác ra vào neo đậu an toàn.

Còn đối với cảng cá Sa Huỳnh, ông Võ Minh Vương- Phó Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ cho biết, thời gian, qua chính quyền đã xử lý một số xác tàu cũ, còn một số tàu khác không tìm được chủ phương tiện nên thị xã đã chỉ đạo cho phường Phổ Thạnh ra thông báo trên toàn địa bàn, ai là chủ phương tiện thì đến vớt.

Bên cạnh trục vớt xác tàu, cảng cá Sa Huỳnh cũng sẽ được nạo vét, khơi thông luồng lạch.
Bên cạnh trục vớt xác tàu, cảng cá Sa Huỳnh cũng sẽ được nạo vét, khơi thông luồng lạch.

“Trong trường hợp không có người đến trục vớt, chính quyền địa phương sẽ làm, đồng thời tiến hành nạo vét thông luồng cảng cá Sa Huỳnh, đáp ứng neo đậu cho khoảng 2.000 tàu thuyền tại đây”- ông Vương nói.