Có thể nói rằng, về tổng thể, PAPI năm 2018 tốt hơn 2017, cải thiện ở tất cả các chỉ số. Người dân không chỉ hài lòng hơn với các dịch vụ công, cơ sở hạ tầng căn bản, mà các cấp chính quyền có tương tác với người dân cũng nhiều hơn. Những con số cũng chỉ ra tín hiệu tích cực trong vấn đề công khai, minh bạch điển hình như người dân hài lòng hơn khi chính quyền công khai trong lập danh sách hộ nghèo, chia sẻ thông tin thu, chi ngân sách xã, phường… Điều này cho thấy những đổi mới trong thực thi chính sách để chính quyền các cấp ngày càng cởi mở hơn, minh bạch hơn, thực hiện trách nhiệm giải trình tốt hơn... Một kết quả đáng chú ý nữa là điểm các chỉ tiêu đo lường dịch vụ hành chính công về cấp phép xây dựng và dịch vụ “một cửa” cấp xã, phường tăng lên. Như tại Hà Nội, chỉ số "thủ tục hành chính công" đạt số điểm ở mức cao và tăng so với năm trước đã cho thấy những nỗ lực của TP trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân và DN. Đồng thời, như các nhà phân tích đã chỉ rõ, một yếu tố tác động bậc nhất tới mức độ hài lòng của người dân với nền quản trị và hành chính công là hiệu quả kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Theo kết quả PAPI 2018, người dân có cảm nhận tình trạng vòi vĩnh trong dịch vụ y tế, giáo dục tiểu học công lập đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu lạc quan ấy, người dân vẫn còn nhiều điều chưa hài lòng với bộ máy chính quyền. Từ việc "lót tay" để có việc làm trong khu vực Nhà nước, đến vòi vĩnh trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lạm dụng công quỹ vẫn chưa giảm. Dù chống tham nhũng, hay hành vi nhũng nhiễu được đánh giá cải thiện, nhưng tham nhũng vẫn là một trong 3 mối quan ngại hàng đầu của công chúng (tham nhũng, đói nghèo, tăng trưởng kinh tế). Những con số được công bố qua khảo sát này có thể chỉ mang tính tham khảo, nhưng đó cũng là một trong những thước đo để cơ quan công quyền phải chuyển động, đổi mới chính sách và cải thiện phương thức thực thi chính sách trong những năm tiếp theo, lĩnh vực nào dân chưa hài lòng, tìm nguyên nhân để có giải pháp khắc phục. Như trong công khai, minh bạch quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, con số đưa ra cho thấy, qua nhiều năm, đây vẫn là khía cạnh chính quyền địa phương cần cải thiện nhất bởi chưa đến 1/4 dân số có thể truy cập thông tin về lĩnh vực này. Hay để kiểm soát tham nhũng khu vực công hiệu quả hơn, vẫn còn nhiều việc phải làm nữa mới thực sự “triệt tiêu” được các vấn nạn đáng lo ngại. Hy vọng, sau kết quả được công bố lần này, những mặt mạnh sẽ được phát huy, những chỉ số yếu sẽ tiếp tục được khắc phục bằng sự quan tâm tích cực, cụ thể của các cấp chính quyền. Qua đó, sẽ thực sự cải thiện mức độ hài lòng của người dân, DN, làm đẹp môi trường đầu tư, nâng chất lượng sống của người dân, chứ không đơn thuần là làm đẹp con số.