Tháp Bà Ponagar
Tháp Bà Ponagar thuộc phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang, là một quần thể kiến trúc Chăm được phân bố trên 3 mặt bằng gồm: Tháp Cổng, Mandapa và khu đền tháp.
Nằm bên bờ sông Cái, Tháp Bà Ponagar là điểm hội tụ các giá trị truyền thống của quá trình giao lưu Việt - Chăm trong lịch sử và điểm đến không thể thiếu của mỗi du khách khi đến Nha Trang - Khánh Hòa.
Hiện khu di tích còn lại 5 công trình kiến trúc ở hai mặt bằng. Trong đó, tháp Chính cao khoảng 23m. Theo các nhà nghiên cứu, niên đại của tháp Chính được xây dựng lần đầu tiên vào các năm 813 - 817 và trải qua những biến cố của lịch sử, tháp đã được xây dựng lại vào khoảng giữa thế kỷ XI.
Các tháp Chăm ở đây được xây dựng theo bình đồ hình vuông. Mỗi tháp đều có 4 cửa ở 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. 3 cửa ở 3 hướng Tây, Nam và Bắc chỉ là những ô cửa giả. Riêng cửa phía Đông được mở ra và kéo dài như một tiền sảnh.
Không chỉ là điểm tham quan độc đáo, Tháp Bà Ponagar còn trở thành trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng của người dân khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đặc biệt, lễ hội Tháp Bà Ponagar diễn ra từ ngày 21 đến 23 tháng 3 âm lịch hàng năm thu hút rất đông du khách. Lễ hội này đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2012.
Chùa Phật trắng
Chùa Long Sơn hay còn gọi là Chùa Phật trắng thuộc đồi Trại Thủy (phường Phương Sơn, TP Nha Trang). Sở dĩ có tên Chùa Phật trắng là bởi, trên đỉnh đồi có tượng Kim Thân Phật tổ (còn gọi là tượng Phật trắng) ngồi thuyết pháp, tượng cao 24m, đài sen làm đế cao 7m. Tại một số khu vực rộng thoáng người dân và du khách rất dễ nhìn thấy tượng Phật trắng từ xa.
Tượng Phật trắng được xây từ năm 1963 do sự đóng góp của tăng ni phật tử của vùng lân cận. Xung quanh đài sen là chân dung 7 vị hòa thượng, đại đức đã tự thiêu để phản đối chính sách đàn áp Phật giáo trong giai đoạn năm 1936. Dưới chân đài sen là bức tường chia thành những ngăn nhỏ để chứa hài cốt do các gia đình Phật tử gửi.
Chùa Phật trắng là điểm tham quan độc đáo không thể bỏ qua khi đến TP Nha Trang. Bên cạnh đó, chùa còn là giảng đường của Trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa và trụ sở của Giáo hội Phật giáo Khánh Hòa. Chính điện rộng 1.670m2, có một tượng Phật Tổ bằng đồng đang ngồi thuyết pháp, cao 16m, nặng 700kg. Từ chùa, muốn lên đến đỉnh đồi Trại Thủy nơi có tượng Phật trắng phải đi lên 193 bậc tam cấp.
Khi lên đỉnh đồi Trại Thủy có thể ngắm một góc TP Nha Trang.
Nhà thờ Núi
Cách chùa Phật trắng không xa là nhà thờ Chính tòa Kitô Vua hay còn gọi là nhà thờ Núi (vì được xây trên một ngọn núi nhỏ) giữa trung tâm TP Nha Trang. Một số người còn gọi nhà thờ Ðá; nhà thờ Ngã Sáu nhưng phổ biến nhất là tên gọi nhà thờ Núi.
Ngày 3/9/1928, nhà thờ được khởi công xây dựng trên một đỉnh núi nhỏ, có tên là núi Bông, độ cao khoảng 12m và khánh thành vào ngày 14/5/1933. Nhà thờ núi Nha Trang có chiều dài 36m, chiều rộng 20m, nằm trên độ cao 12m được xây dựng theo phong cách kiến trúc nhà thờ phương Tây. Nhìn tổng thể, công trình có bố cục chắc khỏe với những khối lập thể nhỏ dần từ thấp vươn cao. Ðiểm cao nhất là nơi đặt thánh giá trên đỉnh tháp chuông, cao 38m, tính từ mặt đường.
Với kiến trúc độc đáo, lại nằm ngay ngã 6 - trung tâm TP Nha Trang nên nhà thờ Núi thường được các công ty lữ hành chọn làm một trong các điểm đến của city tour.
Điểm ấn tượng của nhà thờ núi là khu vực tháp chuông với 2 quả chuông bằng đồng được hãng chuông nổi tiếng của Pháp Bourdon Carillond chế tác. Một quả âm mi giáng và một quả âm đô và la, khi gióng lên âm thanh vang vọng khắp vùng. Đặc biệt, trên tháp chuông có gắn một chiếc đồng hồ lớn, 4 mặt hướng 4 phía, cư dân gần khu vực nhà thờ muốn biết thời gian có thể nhìn lên đó.